Bài 1: Khi phát triển đoàn viên trong DN không còn là “độc quyền” của Công đoàn
Phát triển đoàn viên - 28/02/2023 14:49 ĐỖ THIỆM
Lễ thành lập, ra mắt CĐCS Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk. Ảnh: ĐVCC |
Nhìn nhận từ thực tiễn
Điều lệ Công đoàn (khóa XII) đã quy định rất cụ thể tại Điều 14 về trình tự, thủ tục thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Theo đó, những nơi chưa có CĐCS, người lao động (NLĐ) tự nguyện thành lập ban vận động thành lập CĐCS để tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập Công đoàn của NLĐ; khi đủ điều kiện thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập CĐCS và đăng ký với công đoàn cấp trên. Điều này sẽ phát huy được năng lực, vai trò của ban chấp hành CĐCS đối với hoạt động CĐCS và uy tín đối với đoàn viên, NLĐ.
Thực tiễn, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp thời gian qua đã được các cấp Công đoàn quan tâm, chú trọng, phát triển mạnh cả số lượng đoàn viên và CĐCS tăng thêm hằng năm. Tuy nhiên, nhìn chung công tác này còn chậm đổi mới về phương thức thực hiện, chủ yếu thực hiện theo phương thức truyền thống, đó là do công đoàn cấp trên tiếp cận, thuyết phục người sử dụng lao động (NSDLĐ) đồng ý việc thành lập CĐCS, sau đó tổ chức tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập Công đoàn và phối hợp với NSDLĐ để lựa chọn, chỉ định ban chấp hành CĐCS.
Với cách làm này việc thành lập CĐCS dễ thực hiện hơn, việc phát triển đoàn viên nhanh hơn vì có sự đồng thuận, hỗ trợ của NSDLĐ. Nhưng nếu công đoàn cấp trên không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ cán bộ CĐCS thì nguy cơ hoạt động của CĐCS sẽ chịu sự chi phối, can thiệp của NDSLĐ trong doanh nghiệp. Khi đó vai trò của cán bộ công đoàn và hoạt động của CĐCS trong doanh nghiệp sẽ khó phát huy hiệu quả, nhất là trong đối thoại, thương lượng tập thể…
Còn việc phát triển đoàn viên ở hầu hết doanh nghiệp đã có CĐCS hiện nay thường chỉ là phát mẫu đơn xin gia nhập Công đoàn cho NLĐ cùng với quá trình tuyển dụng vào doanh nghiệp. Cách làm này có ưu điểm là nhanh, tỷ lệ NLĐ gia nhập Công đoàn gần như tối đa. Tuy nhiên, NLĐ chưa được tuyên truyền, vận động và chưa có thời gian tìm hiểu về hoạt động của Công đoàn để thực sự được thuyết phục và tự nguyện tham gia Công đoàn. Vì vậy NLĐ cũng ít gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn và chế tài xử lý hành vi cản trở việc gia nhập Công đoàn, thành lập CĐCS của NLĐ vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm minh. Có trường hợp cán bộ CĐCS phát huy tốt vai trò được NLĐ tín nhiệm nhưng đã phải chịu thiệt thòi về việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến trong chuyên môn, thậm chí là mất việc làm.
Đồng thời, hiện nay, tổ chức Công đoàn cũng còn thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong khi số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; một bộ phận cán bộ còn hạn chế về năng lực, kỹ năng hoạt động; chưa nhận thức đúng sự thay đổi quan trọng về cơ sở pháp lý, có tính quyết định đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn và CĐCS trong doanh nghiệp hiện nay nên còn tư tưởng “bình chân như vại”; …
Đây là những vấn đề đặt ra cho tổ chức Công đoàn trong tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại doanh nghiệp để thích ứng và phát triển trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải (thứ ba từ phài qua) trò chuyện với các đại biểu tham gia hội nghị về công tác phát triển đoàn viên năm 2023. Ảnh: Nam Dương |
Sẽ bị chia sẻ “thị phần”
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP, phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tự do thành lập, tự do thương lượng về các vấn đề liên quan đến lao động. Một số nội dung cơ bản của các công ước này như: Bảo vệ NLĐ và công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; bảo vệ công đoàn không bị can thiệp, thao túng bởi NSDLĐ; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể... đã được nội luật trong hệ thống pháp luật Quốc gia, nhất là tại Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp tất yếu sẽ xảy ra.
Chúng ta có thể đễ dàng nhận thấy rằng, nếu như trước đây, Khoản 4, Điều 3, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: "Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là ban chấp hành CĐCS hoặc ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa thành lập CĐCS" thì hiện nay, Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định khác, đó là: "Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp".
Về quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở cũng quy định rõ tại Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn; NLĐ trong doanh nghiệp cũng có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này. Đồng thời tại Khoản 3 Điều 170 Bộ luật này quy định các tổ chức đại diện NLĐ bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động. Điều này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh giữa Công đoàn và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp.
Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý thì việc tập hợp NLĐ trong doanh nghiệp, kết nạp vào Công đoàn sẽ không còn là “độc quyền” của tổ chức Công đoàn mà đã được pháp luật cho phép chia sẻ “thị phần” này cho tổ chức của NLĐ trong doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu chia sẻ về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Ảnh: Nam Dương. |
Phải xác định là nhiệm vụ “sống còn” của Công đoàn
Tới đây, khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể việc thành lập tổ chức đại diện NLĐ trong doanh nghiệp, thì việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn. Vấn đề thu hút, tập hợp NLĐ, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết, không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà còn mang tính sống còn của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 đề ra, đó là đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức Công đoàn. Để thực hiện chỉ tiêu này, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam cũng đề ra 3 khâu đột phá là: (1) Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; (3) Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Cùng với đó, Chương trình số 02/CTr-BCH ngày 20/7/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cũng đề ra, phấn đấu bình quân mỗi năm tăng thêm 650 nghìn đoàn viên công đoàn. Đến năm 2023, phấn đấu có 12 triệu đoàn viên công đoàn. Đến năm 2025, phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn. Đến năm 2045, hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam.
Chủ đề hoạt động Công đoàn năm 2023 được Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”. Đây là vấn đề có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong năm tiến hành đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và cũng là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới đối với tổ chức Công đoàn.
Vừa qua, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác tổ chức, cán bộ năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/02/2023, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, phát triển đoàn viên là trách nhiệm của công đoàn các cấp, vì sự lớn mạnh của Công đoàn, cũng là giải pháp chủ động của tổ chức Công đoàn nhằm thu hẹp “thị phần” của tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất là tăng tỉ lệ đoàn viên Công đoàn trong các doanh nghiệp gắn với thành lập CĐCS và đối thoại, thương lượng xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp…
Những điều trên khẳng định công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực mà cán bộ và các cấp công đoàn cần phải xác định đây là nhiệm vụ “sống còn” của Công đoàn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải: “Cần hiểu rõ, nắm chắc tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp để tổ chức Công đoàn chủ động và thành công trong tình hình mới. Vì thế cần nắm chắc các biểu hiện dẫn đến thành lập tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, các hình thức không hợp pháp của tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp ra đời hoạt động thế nào, CĐCS cần thay đổi gì để hoạt động hiệu quả cho đoàn viên, công nhân khi nhiều người không có tích lũy, nhiều nơi quyền lợi hợp pháp chưa đảm bảo”. |
Bài 3: Một số vấn đề trao đổi từ thực tiễn đại hội công đoàn cơ sở Thực tiễn công tác tổ chức đại hội điểm và công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi đại hội công đoàn cơ sở nhiệm ... |
Bài cuối: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển” phải lan tỏa từ đại hội CĐCS Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam xác định phương châm của đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 ... |
Tin cùng chuyên mục
Phát triển đoàn viên - 22/11/2024 18:17
Vào nghiệp đoàn, người lao động phấn khởi có thu nhập ổn định
Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) hiện có 7 tổ với gần 150 đoàn viên. Các đoàn viên đều làm lâu năm và thuần thục trong khâu bốc xếp, giúp cho các tàu cá thuận lợi trong hành trình vươn khơi bám biển.
Công đoàn - 20/11/2024 08:05
Người bán vé số dạo ở Bạc Liêu tham gia tổ chức Công đoàn
Cuối tháng 10 vừa qua, LĐLĐ huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) chính thức thành lập Nghiệp đoàn cơ sở bán vé số thị trấn Phước Long.
Phát triển đoàn viên - 16/11/2024 20:45
Lần đầu tiên thành lập nghiệp đoàn hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Đà Nẵng vừa thành lập Nghiệp đoàn dành cho những người hành nghề hướng dẫn viên du lịch của thành phố. Đây là kết quả của những nỗ lực trong một chuỗi hành động trong thời gian ngắn của Công đoàn Đà Nẵng nhằm kết nạp đoàn viên, bảo vệ và chăm lo cho người lao động ở khu vực phi chính thức.
Công đoàn - 10/11/2024 16:33
Thu hút thợ hồ, hớt tóc vào tổ chức Công đoàn
Kinh tế phát triển đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, nhất là việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động tự do, phi chính thức…
Phát triển đoàn viên - 06/11/2024 16:52
Thành lập Công đoàn cơ sở Công ty Matsumura VN Bảo Lộc
Công đoàn Dâu tằm tơ Việt Nam vừa tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở tại Công ty TNHH Matsumura VN Bảo Lộc (Lâm Đồng) - một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới đi vào hoạt động.
Công đoàn - 18/10/2024 17:07
Niềm hạnh phúc trong những nghiệp đoàn vé số đầu tiên
Từ khi vào nghiệp đoàn, họ ngày càng khăng khít, xem nhau như người một nhà để cùng chia sẻ những buồn vui, khó khăn trong cuộc sống…