e magazine
24/04/2022 09:43
Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

24/04/2022 09:43

Câu chuyện tăng lương vẫn đang “tiến thoái lưỡng nan” khi 8 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian thực hiện. Một số doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) tại Nghệ An, đã thẳng thắn nhìn nhận rằng cần phải tăng lương và các phụ cấp khác mới có thể thu hút và giữ chân NLĐ.
Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng
Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Đến thăm một nhà trọ công nhân trên đường Đặng Thai Mai, TP. Vinh, chúng tôi có thời gian trò chuyện với ông Đặng Văn Linh, chủ nhà trọ về cuộc sống hằng ngày của công nhân lao động ở đây. Suốt cuộc trò chuyện, ông thường xuyên nhắc lại những câu như: “14 hộ gia đình công nhân sống ở đây, mỗi nhà một hoàn cảnh, khó khăn vô cùng”. “Làm công nhân suốt ngày lầm lũi tăng ca, thấy thương bọn nó quá”. “Chỉ mong công nhân bớt khổ”. “Có đứa 2, 3 tháng rồi chưa trả được tiền phòng”.

Hằng ngày, vợ chồng ông Linh phụ giúp đưa đón 4 người con của các gia đình công nhân đi học, cho các cháu ăn khi bố mẹ đi làm về muộn, quét dọn các phòng và nhiều lần làm luôn cả việc chăm sóc người thân của công nhân ốm đau đến ở trong phòng trọ.

Khi chúng tôi trò chuyện về việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thống nhất đề xuất Chính phủ tăng 6% lương tối thiểu cho NLĐ từ 01/7/2022, ông Linh liên tục gật đầu và nói: “Lúc này, nên tăng lương cho NLĐ, tăng được chút nào hay chút ấy. Gia đình chúng tôi không khá giả nhưng hai năm nay vẫn bớt tiền phòng trọ cho công nhân ở đây. Có tháng bớt vài trăm nghìn đồng, có tháng bớt hơn 300 nghìn đồng rồi bớt thêm chút tiền điện, tiền nước cho bọn nó. Nếu doanh nghiệp không thực sự khó khăn thì nên chia sẻ với NLĐ, tăng lương để họ phấn khởi và làm việc tích cực hơn”.

Rồi ông Linh nhẩm tính: “Nếu Nhà nước tăng tiền lương lên 240 nghìn đồng, công nhân sẽ đỡ được khoản tiền điện, tiền nước hoặc 1/3 tiền phòng trọ trong một tháng. Bớt được một khoản là bọn nó vui lắm. Cứ tính toán chi ly và tiêu dè dặt như công nhân mới biết một nghìn đồng cũng quý”.

Dãy nhà trọ của ông Linh, có 12 gia đình công nhân làm việc trong Khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh và 02 gia đình làm việc tại KCN VSIP. Một số người chưa nắm được thông tin dự kiến sẽ tăng lương tối thiểu vùng nên khi nghe chủ nhà trọ chia sẻ lại, họ cũng rất háo hức.

Chị Vi Thị Xuân, công nhân ở trọ cho biết, lương cơ bản công ty trả cho chị là 3,8 triệu đồng, cộng các khoản phụ cấp khác, chị được khoảng 4,7 triệu đồng/tháng. Hơn một tháng nay, công ty không tăng ca nên chị không có thêm thu nhập. “Hai năm rồi Nhà nước chưa tăng lương tối thiểu vùng, bọn em vẫn mong lắm, dù chưa nhiều thì cũng có giá trị động viên NLĐ” – Chị Xuân nói.

Chị Xuân kể, công ty cũng có nhiều người không chịu được mức lương thấp nên đã chuyển sang công ty khác hoặc về quê tìm việc gần nhà. Ba tháng nay, công ty cứ người ra, người vào, không ổn định.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Trong các Hiệp hội doanh nghiệp thì có Hiệp hội Dệt may cũng đề xuất Chính phủ lùi thời gian tăng lương sang đầu năm 2023 thay vì ngày 1/7/2022. Tại Nghệ An, hai năm qua, các doanh nghiệp dệt may vẫn duy trì ổn định công việc và thu nhập NLĐ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có chính sách tăng lương, thưởng, phụ cấp để thu hút và giữ chân NLĐ. Hiện nay, Nghệ An có hơn 20 doanh nghiệp may mặc, với hơn 50.000 NLĐ, quy mô đang tiếp tục được mở rộng và các doanh nghiệp vẫn đang cạnh tranh nhau rất lớn về nguồn lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Sinh - Giám đốc May Minh Anh – Kim Liên khu vực Nghệ An, thì cần phải tăng lương cho NLĐ, bởi tình trạng lạm phát, giá cả các mặt hàng tăng lên. Nếu NLĐ càng đi làm càng khó khăn thì họ sẽ chán nản, không muốn làm việc. Có thực tế là chủ doanh nghiệp thì hướng đến mức sống tối đa trong khi NLĐ thì hướng đến mức sống tối thiểu.

“Tôi cho rằng, doanh nghiệp và NLĐ cần chia sẻ với nhau nhưng cũng cần nhìn nhận sòng phẳng, NLĐ cần được có thu nhập ngày một tốt hơn và doanh nghiệp cũng cần cân đối lợi nhuận để hài hòa lợi ích. Nếu mức lương thấp thì NLĐ không đồng ý vào làm, hoặc nếu vào làm mà thu nhập thấp kéo dài thì không gắn bó” - ông Nguyễn Đình Sinh nói.

NLĐ ở khu vực nông thôn có những thiệt thòi hơn, do hoàn cảnh gia đình, do muốn gần nhà nên họ thường chấp nhận làm việc tại các doanh nghiệp có mức lương còn thấp, chế độ chưa tốt, còn có nhiều vấn đề khiến NLĐ không thoải mái, chuyên tâm làm việc, NLĐ đang ngày càng chủ động, mạnh dạn hơn trong lựa chọn công việc. Họ cũng “nhảy việc” rất nhiều, nhiều NLĐ chấp nhận gửi con cho người thân để xuống TP. Vinh, vào miền Nam, ra miền Bắc để làm việc cho các công ty có thu nhập cao hơn.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An thăm công nhân khu nhà trọ của ông Đặng Văn Linh

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Những năm qua, Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An thường xuyên đến phòng trọ công nhân lao động để trao các phần quà hỗ trợ

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Giám đốc May Minh Anh – Kim Liên khu vực Nghệ An cũng cho biết thêm, hiện doanh nghiệp này có hơn 15.000 NLĐ, họ luôn có các khoản bù lương cho NLĐ để đảm bảo thu nhập tối thiểu là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Ba tháng qua, Công ty này thưởng thêm cho mỗi NLĐ 50 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, Công ty luôn đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vui vẻ, bữa ăn ca chất lượng, có xe đưa đón công nhân và các chế độ chính sách khác để thu hút họ vào làm việc và gắn bó lâu dài.

Cùng quan điểm với ông Sinh, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Kido Vinh (đóng tại huyện Đô Lương) cho biết, Công ty này có 3.900 NLĐ, dù đóng ở khu vực nông thôn nhưng giá cả sinh hoạt cũng tăng nhanh, thậm chí là đắt đỏ. Trong khi, mức lương tối thiểu vùng 4 của NLĐ chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Để thu hút và giữ chân được NLĐ, Công ty phải có các loại phụ cấp, trợ cấp để nâng tổng thu nhập của NLĐ lên.

“Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất, đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu, cơ bản cho NLĐ và gia đình họ. Nhưng mức lương tối thiểu hiện nay không thể tiệm cận được mức sống tối thiểu. Kể cả khu vực nông thôn cũng không thể sống với mức lương vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng. Do đó, thỏa thuận lao động nên điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp cần NLĐ có tay nghề, có trình độ, có kinh nghiệm thì phải trả mức lương xứng đáng và ngược lại NLĐ cũng cần đòi hỏi mức thu nhập xứng đáng mới đồng ý làm việc” – Bà Ngọc Anh nói thêm.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Là người làm việc tại bộ phận hành chính nhân sự của công ty có hơn 5.000 NLĐ, chị Mai Thi, Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân, NLĐ và doanh nghiệp nên lắng nghe và chia sẻ với nhau nhưng không nên lấy hoàn cảnh ra để gây áp lực cho nhau. Nếu mức lương, mức thu nhập phù hợp thì hai bên ký kết hợp đồng lao động, yên tâm làm việc và gắn bó hoặc là ngược lại. Thực tế, có những công ty trả mức lương cao cũng không thu hút được NLĐ.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Khác với chị Xuân, việc tăng lương khoảng 6% không phải là điều quá mong đợi của chị Lê Thị Hoa, công nhân May Minh Anh – Kim Liên khu vực Nghệ An

Chị Hoa chia sẻ: “Tất nhiên với công nhân thêm được đồng nào cũng tốt nhưng chúng tôi không còn quá trông chờ vào việc tăng lương hay số tiền tăng có thể giúp cải thiện cuộc sống. Ở Công ty chúng tôi, mức lương cơ bản chi trả đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định, ngoài ra còn có các loại phụ cấp hằng tháng như: Chuyên cần 800 ngìn đồng, xăng xe 500 nghìn đồng, đạt năng suất 500 nghìn đồng; các khoản thưởng hằng tháng như: Thi đua 500 nghìn đồng, thưởng tay nghề 1,6 triệu đồng,... Bình quân các khoản phụ cấp và thưởng của mỗi người là từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Thu nhập của NLĐ khoảng 6,5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng. Như vậy là không thấp và NLĐ yên tâm làm việc”.

Chị Hoa cũng cho biết thêm, Công ty chị đang mở rộng sản xuất, cần tuyển dụng thêm lao động, với mức thu nhập khá nhưng tuyển dụng vẫn còn khó. Đối với lao động chưa có tay nghề, khi vào nhận việc, Công ty thưởng 2,5 triệu đồng; đối với người có tay nghề, Công ty thưởng 4,8 triệu đồng. Nhiều NLĐ từng làm các nghề khác đã đổi nghề vào làm may mặc.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Tại KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An hiện có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 30.000 NLĐ. Tại nhiều doanh nghiệp, phần lớn tuyển dụng lao động địa phương nên NLĐ được làm việc gần nhà, giảm được một số chi phí.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Cơ bản các doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng cao hơn mức quy định của Nhà nước để thu hút được NLĐ. Ngoài ra, còn có các phụ cấp như: Chuyên cần, xăng xe, nhà ở, thâm niên, chức vụ và các một số phụ cấp khác. Tiền ăn ca của NLĐ cũng trên 18.000 đồng, nhiều doanh nghiệp là 25.000 đồng.

Theo đánh giá của Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An, hai năm qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp tại đây vẫn hoạt động ổn định, Sau Tết nguyên đán vừa qua, có doanh nghiệp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động.

Đồng chí Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An cho rằng, doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng NLĐ hơn, đồng thời cân đối hài hòa lợi ích hơn, thế nhưng, nhìn chung đời sống của NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng thu nhập bình quân gồm lương và các phụ cấp chưa tính làm thêm từ 4,4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Tổng thu nhập bình quân bao gồm cả làm thêm từ 5 triệu đồng đến 7,5 triệu đồng/tháng. Trong khi, chi phí thuê phòng trọ, sinh hoạt, đi lại, tiền học của các con cũng tăng lên. Các chi phí khác trong cuộc sống cũng tăng và công nhân lao động vẫn đang là đối tượng thiệt thòi, yếu thế.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

Đồng chí Nguyệt cũng nhấn mạnh, KKT Đông Nam Nghệ An đang thiếu hụt nhân lực lớn nhưng tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, hầu hết số lao động miền Nam, miền Bắc về Nghệ An cũng không “mặn mà” ở lại quê hương. Trong năm 2022, số lao động cần thu hút là hơn 20.000 người; từ nay đến năm 2025 cần thu hút thêm khoảng 60.000 đến 70.000 NLĐ. Nếu doanh nghiệp không điều chỉnh lương thì rất khó giữ chân NLĐ, khi cơ hội việc làm ngày càng nhiều hơn, NLĐ cũng so sánh chế độ giữa các công ty.

Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An chia sẻ, ở góc nhìn của Công đoàn và công nhân lao động đều mong muốn doanh nghiệp tăng lương phù hợp cho NLĐ, điều đó cũng giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển.

Tăng lương tối thiểu vùng: Cần nhìn nhận sòng phẳng

MAI LIỄU

Đồ họa: An Nhiên

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7 Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7

Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia chiều ngày 28/3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đưa ra đề xuất tăng ...

"Tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng doanh nghiệp trong ngắn hạn nhưng điều chỉnh được"

Chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề tăng lương tối thiểu, TS. Nguyễn Việt Cường - Thành viên độc lập Hội đồng Tiền ...

“Tăng lương tối thiểu chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển” “Tăng lương tối thiểu chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển”

Trước kiến nghị của 8 hiệp hội doanh nghiệp đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu đến ngày 1/1/2023, đồng chí Ngọ Duy ...

Xem phiên bản di động