|
65 ngày chi viện, hỗ trợ TP. HCM phòng chống dịch bệnh, 60 y, bác sĩ Nghệ An đã trở về với nhiều cảm xúc khó nói nên lời. Họ nói với chúng tôi dành cho họ một lúc bình tâm để có thể kể lại một phần nào đó những gì đã trải qua. |
BỊ SỐC TÂM LÝBác sĩ Nguyễn Đình Hiệp, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An; Trưởng đoàn y, bác sĩ chi viện cho TP. HCM nghẹn ngào khi nói về 65 ngày cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM). "Đúng là những ngày không thể nào quên trong cuộc đời mình anh ạ. Chọn nghề Y thì chúng tôi luôn hiểu sinh tử là việc phải chấp nhận khi y khoa bất lực. Thế nhưng, sự bất lực liên tiếp, dồn dập khiến tâm lý chúng tôi nặng nề đến stress. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ bản thân phải "cấp cứu" cho chính mình cả về tinh thần lẫn thể xác. Thế rồi, chúng tôi cũng bình tâm, xác định cho mình một "phác đồ" làm việc và dồn sức cùng các đồng nghiệp trong cuộc chiến đầy nguy hiểm", bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp nói với phóng viên. Bệnh viện Trưng Vương là nơi tiếp nhận, điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng và nguy kịch. Ở thời điểm đoàn y, bác sĩ Nghệ An vào nhận công tác, bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. 60 y, bác sĩ Nghệ An được phân về các khoa, phòng và nhanh chóng nhập cuộc, làm việc theo ca kíp, tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. |
Đoàn y, bác sĩ Nghệ An vào làm việc trong những ngày Bệnh viện Trưng Vương quá tải bệnh nhân mắc Covid -19. |
Một tuần đầu ở bệnh viện, chứng kiến bệnh nhân liên tục trở nặng và tử vong, các y, bác sĩ Nghệ An bị sốc tâm lý, mọi thứ cứ diễn ra dồn dập, khiến họ không có khoảng lặng để cân bằng cảm xúc. Mỗi ngày, một kíp trực gồm 2 bác sĩ, 4-5 điều dưỡng phải chăm sóc, điều trị cho gần 100 bệnh nhân. Việc phải mặc đồ bảo hộ trong suốt ca trực thực sự là ác mộng đối với các thành viên trong đoàn. Thời tiết nắng nóng, mồ hôi đổ liên tục, cơ thể mất nước, mất sức nên một số người ngất xỉu. Việc ăn uống không đủ bữa, không hợp khẩu vị rồi quên cả bữa ăn khiến nhiều mệt mỏi, sút cân. Thế nhưng, tất cả lại gượng dậy, cuốn vào công việc với tần suất cao độ. Video cán bộ y, bác sĩ Nghệ An chuẩn bị đồ bảo hộ để bắt tay vào công việc cứu chữa bệnh nhân ở Bệnh viện Trưng Vương: "Dù đã cố hình dung những khó khăn, phức tạp khi vào chi viện nhưng chúng tôi vẫn không thể ngờ tình hình dịch bệnh lúc đó lại khốc liệt, tang thương đến thế. Tiếng còi xe cấp cứu kêu vang vọng liên tục, những bước chân xô nhau chạy dồn dập, những âm thanh tích tắc phát ra từ các thiết bị y tế, khuôn mặt căng thẳng của các y, bác sĩ trao đổi về những trường hợp nguy kịch, những tiếng khóc trong đêm của bệnh nhân, của y, bác sĩ. Mọi thứ thật khó diễn tả và không thể cầm lòng", bác sĩ Hiệp buồn bã nhớ lại. |
Sự khốc liệt của dịch bệnh khiến các y, bác sĩ bị stress. |
|
4 thành viên đoàn y, bác sĩ Nghệ An mắc Covid-19 đã nhanh chóng trở lại công việc để giảm tải áp lực cho đồng nghiệp. |
NHỮNG CÂU CHUYỆN CÓ HẬUBác sĩ Nguyễn Đình Hiệp tâm sự: "Khi bệnh nhân được cứu sống trong nguy kịch, chúng tôi vui biết bao nhiêu thì khi bệnh nhân không qua khỏi, chúng tôi cũng buồn bấy nhiêu. Có thời điểm, bệnh viện thiếu ô xy trầm trọng, các trang thiết bị y tế cũng quá tải khiến cho cơ hội cứu sống bệnh nhân rất khó khăn. Có những bệnh nhân cấp cứu, đã đến rất gần với cổng bệnh viện nhưng vẫn tử vong vì thiếu ô xy. Chuyện buồn thì nhiều lắm nhưng cũng có những câu chuyện có hậu để tiếp thêm tinh thần, động lực cho chúng tôi và để lại trong chúng tôi những khoảnh khắc khó quên". Đó là trong lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn cận kề thì có những thứ tình cảm và ý chí khiến cho ranh giới ấy xóa nhòa đến khó tin. |
Công việc của các y, bác sĩ chi viện cho TP.HCM quay cuồng, vội vã. |
Anh Hiệp kể, có một sản phụ mắc Covid-19 khi đang ở cuối thai kỳ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu và có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc đó, Khoa Cấp cứu không có bác sỹ sản, nhi. Với tâm nguyện cố gắng hết sức để làm được những gì có thể, bác sĩ Hiệp và hai điều dưỡng đã quyết định đỡ đẻ cho sản phụ, ca đỡ đẻ cho bệnh nhân mắc Covid -19 phải luôn tay "vật lộn" với các thiết bị hỗ trợ để thở, "vật lộn" với các rủi ro có thể xảy ra. Trải qua 3 giờ hỗ trợ tích cực, bác sĩ Hiệp và các điều dưỡng Nghệ An đã đưa được cháu bé ra ngoài nhưng nguy cơ tử vong rất cao. Mọi người đã tập trung dồn sức hô hấp nhân tạo, ép tim, thổi ngạt cho bé. May mắn là bé đã khóc nhưng mẹ của bé thì có dấu hiệu kiệt sức, hôn mê. Các y, bác sĩ hy vọng tiếng khóc đứa bé sẽ khơi gợi được bản năng bảo vệ con của người mẹ. Họ đã vỗ cho bé khóc để vừa thông đường thở, vừa để người mẹ nghe thấy. Thế nhưng, những tiếng khóc ban đầu của bé, người mẹ ấy đã không thể nghe. Lúc đó, tiếng y, bác sĩ liên tục hỏi: "Chị có nghe được tiếng con khóc không", "chị có nghe không", "nghe không"... Rồi cứ thế, vừa vỗ vừa hỏi. Và như một phép mầu, giây phút nhìn thấy người mẹ chảy hai hàng nước mắt, gật đầu ra hiệu đã nghe thấy, hai điều dưỡng Nghệ An ngồi khuỵu gối xuống nền nhà rồi bật khóc. Lúc đó, bác sĩ Hiệp cũng không cầm được nước mắt. Tất cả như vỡ òa cảm xúc. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt và ý chí vượt lên đau đớn để được sống, mẹ con chị đã vượt qua nguy hiểm. Qua những câu chuyện như thế, niềm tin vào sức mạnh sinh tồn của con người càng được hy vọng và các y, bác sĩ Nghệ An cũng có những quyết định mạnh mẽ hơn trong điều trị người bệnh. |
Các y, bác sĩ Nghệ An đã làm mọi thứ có thể để cứu sống bệnh nhân. |
"Chúng tôi phải làm chủ tâm lý để đưa ra những quyết định an toàn cho người bệnh. Có một gia đình 3 người, trong đó người mẹ đã mất vì Covid-19, người bố và con trai cũng bị mắc Covid-19. Người bố mong muốn cho hai bố con được vào bệnh viện điều trị. Thế nhưng, tôi đã khuyên anh ấy nên nhập viện một mình, cháu bé cứ để ở nhà điều trị vì sức khỏe vẫn bình thường", bác sĩ Hiệp kể lại. Bằng tấm lòng và sự thấu hiểu của những người làm cha, anh Hiệp nói với người đàn ông đó rằng, nếu cháu vào viện chứng kiến sự khốc liệt của bệnh tật, chứng kiến nhiều người ra đi, đau thương, tang tóc, có thể sẽ để lại nỗi ám ảnh khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của cháu sau này. Sau đó, người bố ấy đã được điều trị khỏi bệnh, con của anh ở nhà cũng được hướng dẫn điều trị hết bệnh. Ngày xuất viện, người đàn ông đó đứng từ xa, nghẹn ngào cảm ơn bác sĩ Hiệp. Cảm ơn những tấm lòng chân thành và sâu sắc của những "chiến sĩ" áo trắng. |
VẪN SẴN SÀNG LÊN ĐƯỜNGSau 65 ngày, đêm cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trưng Vương chiến đấu với dịch Covid-19, các y, bác sĩ Nghệ An đã góp phần giúp cho nhiều bệnh nhân nặng khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe. Ngoài việc “chia lửa” cùng đồng nghiệp tại bệnh viện, các y, bác sĩ Nghệ An còn đồng hành với người dân TP. HCM phòng chống dịch Covid-19. Mỗi tuần, tận dụng 1-2 buổi nghỉ đêm quý giá, các y, bác sĩ Nghệ An đã đi hiến máu nhân đạo, đi về các quận, huyện để khám sức khỏe, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân cũng như tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp cho biết: "So với thời điểm mới vào, hiện nay tình hình dịch ở TP. HCM đã được kiểm soát cơ bản. Số bệnh nhân nặng giảm dần, bệnh viện cũng không còn quá tải như trước". |
Trở về Nghệ An, hiện nay 60 y, bác sĩ đang thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, rồi tiếp tục cách ly tại nhà thêm 7 ngày. Khi các chỉ số xét nghiệm an toàn, họ lại trở về đơn vị cũ tham gia điều trị bệnh nhân và chống dịch Covid-19 ở tỉnh nhà. |
Kết thúc đợt chi viện trở về, các y, bác sỹ Nghệ An được Bệnh viện Trưng Vương trao tặng giấy khen. |
Chị Đ.T.P chia sẻ: "Thời gian thực hiện nhiệm vụ ở trong đó, chúng tôi đã được lãnh đạo Bệnh viện Trưng Vương, các đồng nghiệp tại bệnh viện quan tâm, hỗ trợ rất nhiều. Mọi người thấu hiểu nhau và cùng một quyết tâm làm hết sức mình để cứu sống bệnh nhân. Những khó khăn, trở ngại của chúng tôi chưa là gì so với công sức của các y, bác sĩ ở bệnh viện Trưng Vương và các cơ sở y tế ở TP. HCM trong dịch bệnh những tháng qua. Thực sự, họ đã dấn thân và hy sinh rất lớn. Chúng tôi cầu mong họ luôn giữ vững được sức khỏe, tinh thần để cùng toàn ngành phòng chống dịch bệnh". Chị Đ.T.P có hai đứa con còn nhỏ, lúc vào chi viện cho TP. HCM, chị gửi con về ở cùng ông bà ngoại ở huyện miền núi Tương Dương. Trước ngày lên đường, chị vội vã vượt 200 km về trong đêm để thăm con rồi nhanh chóng trở về thành phố cùng đồng nghiệp vào Nam. Hơn 2 tháng chưa được gặp các con, chị đang mong ngóng, đếm từng ngày cách ly để trở về được ôm chặt các con mà vỗ về, bù đắp yêu thương. Đối với bác sỹ Hiệp, cảm xúc về những ngày ở TP. HCM vẫn còn ngổn ngang trong tâm trí: "Làm ngành Y, chúng tôi luôn phải mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu, khi dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe, tính mạng của nhân dân". |
Người mẹ bật khóc tại chốt khi không thể vào Đà Nẵng chăm con khuyết tật sắp sinh
Không chỉ người ra khỏi thành phố gặp khó khăn mà ở chiều ngược lại những người muốn vào thành phố cũng vấp phải những ... |
Phép thử “giật cục” đêm Trung thu trên đường phố Hà Nội
Những ý kiến trái chiều, chê bai, chế giễu và thậm chí cả mắng mỏ cũng không ít xoay quanh việc người Hà Nội đổ ... |
Một số địa phương nới lỏng quy định đối với người về từ vùng xanh Hà Nội
Một số tỉnh, thành đã chấp nhận cho người ở vùng xanh của Hà Nội được phép vào địa bàn nhưng vẫn phải đảm bảo ... |