e magazine
10/10/2021 19:13
Người trở về từ tâm dịch: Nếu được kêu gọi, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường

10/10/2021 19:13

Mặc dù trải qua những tháng ngày khốc liệt, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 và không khỏi ám ảnh tâm lý nhưng các y, bác sĩ khẳng định sẽ tiếp tục lên đường nếu được kêu gọi.
Người trở về từ tâm dịch: Nếu được kêu gọi, chúng tôi sẽ tiếp tục lên đường

Mặc dù trải qua những tháng ngày khốc liệt, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 và không khỏi ám ảnh tâm lý nhưng các y, bác sĩ khẳng định sẽ tiếp tục lên đường nếu được kêu gọi.

Trước khi vào tăng cường chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ của Bệnh viện Da Liễu Trung ương hầu như không phải thực hiện ca cấp cứu nào. Khi bước vào "chiến trường" miền Nam, trong những tuần đầu tiên, nhiều người đã sốc, choáng váng vì chứng kiến số ca tử vong liên tục tăng.

“Ngày đầu tiên nhận quyết định công tác, tôi rất lo vì 17 y, bác sĩ trong đoàn còn rất trẻ. Nhận lệnh lên đường trong tình thế rất khẩn trương tôi không kịp làm gì nhiều. Bản thân tôi có 8 năm làm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Lo nhất là các bạn đồng nghiệp trẻ chưa từng gặp ca tử vong nào. Thêm nữa là vấn đề sức khỏe, lỡ khi vào Nam bị ốm lại mất thêm người chăm sóc” – BS. Nguyễn Ngọc Dự, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Da liễu Trung ương) chia sẻ.

Đi ngủ cũng mơ thấy F0

Đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương gồm có 17 người thì 5 người được chi viện cho Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Chị Thảo (một thành viên trong đoàn) kể, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 có nhiều trở ngại. Nhiều bệnh nhân là người vô gia cư. Có người cả gia đình đều mắc Covid-19 nhưng điều trị ở nhiều nơi. Có gia đình mắc Covid-19 chỉ còn 1 người sống sót. Có những người nghiện, lên cơn loạn thần, cào xé bác sĩ khiến anh em lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm cao. Có những bệnh nhân, mình phải săn sóc họ từ bữa ăn đến cả việc thay tã lót. Đó là những ký ức khó quên vì chứa cả thương đau và những áp lực tâm lý nặng nề.

Còn anh Dự (một thành viên khác trong đoàn) cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi sự khốc liệt ở "chiến trường". Từ chỗ anh chưa từng gặp F0 thì vào đây, bên trái, bên phải, trước mặt, sau lưng đều là F0. Nhiều đêm, nằm mơ anh cũng thấy F0 rồi giật mình lấy khẩu trang đeo vào. Cũng tại "chiến trường" này anh nhận ra được hít thở cũng là một đặc ân.

Rất nhiều người trong số họ đã đi vào "chiến trường" miền Nam, bỏ lại bao gánh nặng, lo toan cho gia đình. Có người đối diện với sinh tử khi con chuẩn bị bước vào lớp 1 đầy bỡ ngỡ. Có người chồng là bộ đội, bản thân họ là vợ, là trụ cột gia đình nhưng vào dịp lễ Vu lan, Tết Trung thu, Quốc khánh 2/9,... họ phải ở bên bệnh nhân, thay vì bên gia đình mình. Trong những ngày tháng đầy áp lực và căng thẳng đó, chỉ nghe đồng nghiệp đọc một câu thơ tự sáng tác cũng khiến họ ứa nước mắt.

Người trở về từ tâm dịch: “Đi ngủ đeo khẩu trang và mơ thấy F0”

Bàn tay đầy vết sẹo và bị muỗi đốt của bác sĩ trở về từ tâm dịch.

PGS. TS Lê Tư Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Việt Đức kể: “Trong đợt dịch lần này, bệnh viện cử nhiều đoàn công tác tăng cường cho miền Nam. Cứ 100 người vào thì lại có 100 người ra. Mặc dù đã tập “đánh trận giả” nhưng khi vào "chiến trường" các đoàn công tác vẫn không khỏi bất ngờ. Sự ác liệt của dịch bệnh Covid-19 vượt xa sức tưởng tượng bởi số ca tử vong nhanh và nhiều".

Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận, điều trị tới 1.000 bệnh nhân. Phải chấp nhận tỷ lệ tử vong, chứng kiến cảnh tang thương hằng ngày là gánh nặng tâm lý với những người thầy thuốc. Dù là người có "tinh thần thép", đã chai lì với cái chết, được rèn luyện hằng ngày vẫn không tránh khỏi cú sốc tâm lý.

Người trở về từ tâm dịch: “Đi ngủ đeo khẩu trang và mơ thấy F0”

Anh Nguyễn Ngọc Thực - Điều dưỡng trưởng khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho y, bác sĩ, bệnh viện đã quán triệt đến từng y, bác sĩ không gặp gỡ, giao lưu trực tiếp. Cán bộ, nhân viên được trang bị phương tiện đảm bảo an toàn. Bệnh viện đã từng kiểm định tổng số 100.000 chiếc khẩu trang và chỉ chọn được 2.000 chiếc đạt tiêu chuẩn để trang bị cho y, bác sĩ. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế, bệnh viện coi khẩu trang như phương tiện quan trọng nhất để bảo vệ họ khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, bệnh viện đã xây dựng quy trình làm việc hết sức kỷ luật. BS. Ngân - chuyên ngành Hồi sức, Trưởng khoa Gây mê, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức kể: “Khi Bộ Y tế điều động chúng tôi nghĩa là tình thế đã rất cấp bách. Lúc ra đi, tôi cũng rất lo vì chuyên ngành của chúng tôi là Ngoại khoa, giờ vào điều trị bệnh nhân Covid-19 là “ngạch trái”. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ quy trình mặc, tháo đồ bảo hộ. Đồ dùng cho anh chị em phải đảm bảo kiểm định 100%. Mấy trăm người của bệnh viện chi viện vào Nam phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi mất 3 tuần đầu để tập trung xây dựng quy trình làm việc. Thực sự, lần đầu tiên trong đời tôi trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân liên tục từ sáng đến khuya nhưng may mắn đến giờ phút này anh em vẫn an toàn”.

Anh Nguyễn Ngọc Thực - Điều dưỡng trưởng khoa tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức chia sẻ: “Những ngày đầu vào tiếp quản bệnh viện dã chiến thật sự rất khó khăn. Vừa đặt chân xuống TP Hồ Chí Minh tức là có thể gặp F0. Nhưng lần đi này đã khiến chúng tôi thay đổi thói quen. Đó là mọi người tuân thủ đeo khẩu trang đúng cách, đi về là vào nhà vệ sinh, rửa tay, súc họng. Tôi được giao nhiệm vụ thành lập đội “Sao đỏ” để giám sát hằng ngày, hằng giờ việc thực hiện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn của cán bộ, nhân viên. Đội “Sao đỏ” có 7 người mà phải giám sát toàn bộ quá trình sinh hoạt, làm việc của nhân viên bệnh viện từ khách sạn đến nơi điều trị”.

Người trở về từ tâm dịch: “Đi ngủ đeo khẩu trang và mơ thấy F0”
Đoàn công tác thăm hỏi, nắm bắt tâm tư của các y, bác sĩ trở về từ miền Nam.

Hiện nay, các đoàn công tác tăng cường cho miền Nam chống dịch đã lần lượt “rút quân” trở về Hà Nội. Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên, khảo sát tình hình cán bộ, nhân viên y tế từ miền Nam trở về.

Tham gia chương trình này còn có đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động. Công đoàn Y tế Việt Nam cùng đơn vị chức năng, các chuyên gia sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cho các y, bác sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lực lượng y, bác sĩ trở về từ "chiến trường" khốc liệt là nguồn nhân lực quý giá. Việc quan tâm, chăm lo sức khỏe, ổn định tâm lý của y, bác sĩ chính là góp phần bảo toàn nguồn nhân lực trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường.

Từ tháng 6 đến nay, Bộ Y tế đã cử gần 20.000 y, bác sĩ tăng cường cho các tỉnh, thành ở miền Nam chống dịch. Sau 2 tháng nỗ lực, số ca tử vong giảm một nửa mỗi ngày. Ca mắc mới giảm 1/3 mỗi ngày.

Điều đáng mừng là vượt qua những "ranh giới", các y, bác sĩ đã dần lấy lại tinh thần, sẵn sàng trở về với cuộc sống bình thường. Ai cũng xem chuyến đi vào "chiến trường" miền Nam vừa rồi chỉ là một "chuyến công tác" và họ sẵn sàng lên đường khi được kêu gọi.

Người trở về từ tâm dịch: “Đi ngủ đeo khẩu trang và mơ thấy F0” Người trở về từ tâm dịch: “Đi ngủ đeo khẩu trang và mơ thấy F0”

Công đoàn Y tế Việt Nam, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động tặng quà cán bộ, nhân viên y tế từ miền Nam trở về.

------

Công đoàn Hà Nội tuyên truyền giữ vững “vùng xanh” Công đoàn Hà Nội tuyên truyền giữ vững “vùng xanh”
“Nghìn lít xăng” chia sẻ khó khăn với người lao động hồi hương đi qua TP Đà Nẵng “Nghìn lít xăng” chia sẻ khó khăn với người lao động hồi hương đi qua TP Đà Nẵng
Nghệ An: Doanh nghiệp và người lao động quyết tâm giữ vững "vùng xanh" Nghệ An: Doanh nghiệp và người lao động quyết tâm giữ vững "vùng xanh"

Bài viết: Duy Minh

Xem phiên bản di động