e magazine
11/06/2021 11:22
“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

11/06/2021 11:22

Hiểu những khó khăn và thiếu thốn về vật chất của các nữ công nhân tại tâm dịch Bắc Giang, những chuyến xe của nhóm ANRM tiếp tục lăn bánh, mang theo vật phẩm “đặc biệt” đến với chị em trong khu cách ly.
“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

"NGƯỜI HÙNG" BĂNG VỆ SINH:

TÔI KHÔNG NGẠI CHỈ THẤY HẠNH PHÚC THÔI.

Hiểu những khó khăn và thiếu thốn về vật chất của các nữ công nhân tại tâm dịch Bắc Giang, những chuyến xe của nhóm ANRM tiếp tục lăn bánh, mang theo vật phẩm “đặc biệt” đến với chị em trong khu cách ly.

Câu chuyện trên những chuyến hàng cứu trợ công nhân rong ruổi khắp các khu cách ly tại Bắc Giang:

- Này mình có gạo, mì, rau củ đầy đủ cả đây rồi. Giờ mới để ý chị em không ra ngoài đi lại thì mua “ấy” kiểu gì?

- Ừ đúng. Chưa thấy đoàn nào nhắc đến cái “ấy” mà cái này thiếu thì không được.

- Vậy tối anh em ngồi lại với nhau xem thế nào còn chuẩn bị nhập sỉ cái “ấy” nhé.

Nói xong, những tiếng cười lớn vang lên.

Tiếng cười nói vui vẻ làm ai cũng nghĩ đây là cuộc trò chuyện của một hội bạn đang cùng bàn kế hoạch làm ăn nhưng thực tế, trên xe là những bộ đồ bảo hộ màu xanh, kính chắn giọt bắn và khẩu trang đầy đủ. Mồ hôi túa ra bên trong ướt nhẹp hai bàn tay đeo găng.

2.000 CÁI "ẤY"

Một trong những nhân vật của cuộc hội thoại trên là anh Nguyễn Nhật Linh, quê tại thành phố Bắc Giang, trưởng nhóm thiện nguyện ANRM và cái “ấy” được nhắc đến ở đây là những gói băng vệ sinh quen thuộc với chị em phụ nữ.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân nữ phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Không thể ra ngoài, chị em gặp khá nhiều khó khăn và phiền toái, nhất là trong những ngày “đèn đỏ” vì không tự mua được đồ dùng cá nhân.

“Mọi chuyện hết sức tình cờ. Trong một chuyến vận chuyển hàng đến khu cách ly, anh em thắc mắc chuyện ngày “đèn đỏ” của chị em. Thế là tối hôm đó, sau khi xong xuôi hết công việc, cả nhóm ngồi bàn luôn và 1-2 hôm sau, những gói băng vệ sinh đầu tiên về ngập “trung tâm điều khiển”, anh Linh chia sẻ với phóng viên.

2.000 gói băng vệ sinh được nhóm ANRM phân loại và xếp gọn gàng như những mặt hàng cứu trợ khác. Đến trạm tiếp nhận, những bóng áo xanh “bốc hàng” nhanh và chuyên nghiệp, vừa dỡ hàng vừa đếm soát, tính toán số lượng theo danh sách đã trao đổi với chính quyền địa phương trước đó.

Xong việc, không nán lại lâu vì theo kế hoạch, các anh còn nhiều điểm phải tới. Bận rộn đến tối muộn, về lại điểm tập kết mà anh em vẫn gọi vui là “trung tâm điều khiển”, lúc này mọi người mới có thời gian cầm điện thoại. Ai nấy đều giật mình vì điện thoại được “khủng bố” bởi rất nhiều tin nhắn cảm ơn.

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

Nhóm thiện nguyện ANRM gửi băng vệ sinh cho công nhân nữ tại các khu cách ly.

CHUYỆN ĐI MUA BĂNG VỆ SINH

Số lượng công nhân nữ trong các khu cách ly rất lớn, nhóm các anh cố gắng cũng không thể xoay xở được hết. “Một người không làm được thì 10 người cùng làm. 10 người không làm được thì 100 người làm”, vừa nói với anh em trong nhóm, anh Linh vừa đăng lên facebook, kêu gọi bạn bè, đối tác ủng hộ thêm băng vệ sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn, 10.000 gói băng vệ sinh đã đầy “trung tâm điều khiển”.

Tiếp tục công cuộc phân chia, anh Linh chia sẻ: “Trong lúc chuẩn bị “hàng” cho chị em cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười lắm. Chuyến đầu tiên, anh em trong nhóm ra cửa hàng, cứ nghĩ đơn giản bảo họ mình muốn lấy số lượng lớn băng vệ sinh là được. Họ hỏi lại muốn lấy loại nào, ban ngày hay ban đêm, có cánh hay không cánh thì cả nhóm đơ người ra. Chủ cửa hàng giải thích mà anh em cũng không hiểu đành phải phân loại theo giá tiền, có loại 8 nghìn, 18 nghìn, 20 nghìn. Chẳng biết loại nào với loại nào nên mấy anh em bảo nhau thôi lấy loại 20 nghìn, đêm với ngày mỗi loại một nửa.”

Chủ cửa hàng biết nhóm của anh mua để gửi ủng hộ cho công nhân nữ trong tâm dịch nên chịu lỗ, bớt mỗi gói 5 nghìn, chỉ lấy giá 15 nghìn một gói. “Trên thương trường đàm phán hợp đồng, con số rất lớn anh em đều thấy bình thường. Thế mà lúc được giảm giá băng vệ sinh, cả nhóm vui cứ như trúng xổ số, nghĩ tiền được giảm lại giúp được thêm bao nhiêu chị em”, anh Linh kể.

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi
Công tác vận chuyển và phân chia được thực hiện bài bản, nhanh gọn.

Anh Thịnh, một thành viên tích cực khác trong nhóm thiện nguyện ANRM có những chia sẻ thêm: “Cửa hàng đóng cửa, các đoàn hỗ trợ tập trung kêu gọi thực phẩm. Trước khi nhóm triển khai hoạt động gửi băng vệ sinh vào vùng dịch thì đúng là chưa có kênh nào phân phát. Nói là tế nhị nhưng nó cũng chỉ là một sản phẩm bình thường như những loại hàng khác. Hơn nữa đây lại là thứ mà chị em phụ nữ rất cần nên anh em trong nhóm ai cũng vui vẻ, thoải mái, không ngại gì.”

BIỆT DANH CÓ 1-0-2

Việc kêu gọi ủng hộ băng vệ sinh cho công nhân nữ tại tâm dịch Bắc Giang của nhóm thiện nguyện ANRM đã gây được sự chú ý trên mạng xã hội. Trong một lần mang mặt hàng đặc biệt này đến với các chị em, đến điểm bàn giao, mỗi nam thanh niên làm nhiệm vụ tại chốt chặn, chạy ra:

- Anh có phải anh Nguyễn Nhật Linh không?

- Đúng rồi. Tôi Nguyễn Nhật Linh đây.

- Thế là đúng anh Linh "băng vệ sinh" rồi. Các chị em trong khu cách ly bảo nhau hôm nay anh đến mang theo thứ chị em cần. Mọi người nhắc hỏi anh suốt.

“Nói thật, lúc được các bạn công nhân yêu quý gọi là anh Linh băng vệ sinh, tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi.”

Sau những chuyến xe chuyển đồ cho chị em, anh Linh gọi về cho vợ. Vợ anh vui lắm, còn tư vấn thêm một số loại phù hợp trong thời tiết nắng nóng. "Có loại gì làm mát mà tôi chưa rõ. Mấy anh em đang tìm hiểu để gửi thêm”, anh Linh thoải mái chia sẻ.

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

"Băng vệ sinh của chị em là ưu tiên số một."

Chị Nguyễn Thị Thái, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Quang Châu, huyện Việt Yên, một trong những cán bộ trực tiếp tiếp nhận những chuyến xe đặc biệt của đoàn thiện nguyện ANRM, chia sẻ: “Một hôm, có số điện thoại lạ gọi cho tôi nhờ mua giúp băng vệ sinh cho các chị em trong khu cách ly. Lúc đấy tôi mới sực nhớ ra chưa đề xuất mặt hàng thiết yếu này trong danh sách hỗ trợ cho công nhân. Tôi mua tạm vài gói gửi vào cho các bạn rồi gọi điện cho anh Linh. Anh đúng là người chu đáo, tôi cũng không ngờ nhóm của anh, mọi người đã nghĩ đến chuyện này và đang chuẩn bị hàng để mang đến rồi.”

lời cảm ơn chân thành

“Chị em mình được gọi đi cách ly lúc 10 rưỡi tối, không kịp chuẩn bị gì nhiều. Băng vệ sinh có mang nhưng cũng chỉ ít thôi vì ở phòng trọ cũng không có sẵn. Từ hôm đi cách ly, thực phẩm được các nhà hảo tâm gửi lên đầy đủ nhưng ai cũng lo đến ngày thì không biết làm thế nào. Bình thường được gọi xuống nhận hàng hỗ trợ, mọi người cũng định đề xuất nhưng biết để có thực phẩm cho công nhân cũng không phải dễ gì mà đấy cũng là chuyện tế nhị nên chị em lại bảo nhau có gì nghĩ cách sau.

Có một hôm loa gọi thông báo có băng vệ sinh, phòng nào phòng nấy nhốn nháo. Vui hơn cả bắt được vàng ý chứ. Lúc nhận hàng cảm động lắm, không nghĩ các anh đàn ông lại tâm lý thế, chuẩn bị cho chị em cả ban ngày và ban đêm, lại còn là loại tốt. Chị em mừng lắm, phấn khởi hơn cả nhận gạo, nhận mì. Chị em phụ nữ mà, thiếu cái gì thì thiếu chứ đúng là không có cái này thì dở. Đến giờ vẫn xúc động, chẳng biết nói gì, chỉ muốn kính nhờ phóng viên chuyển lời cảm ơn của chị em đến được với các anh. Quà hỗ trợ này, đối với chị em thật sự ý nghĩa lắm. Nó là cái tâm, sự chia sẻ, động viên và cả công sức của các anh. Chị em trân trọng và chỉ biết nói lời cảm ơn thật nhiều đến các anh”, chị Nguyễn Thị Hương, công nhân công ty TNHH Hoshiden Việt Nam hiện đang thực hiện cách ly tập trung gửi lời đến nhóm ANRM.

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

Chuyến xe hỗ trợ thực phẩm cho công nhân Bắc Giang.

Trước những chuyến xe chở băng vệ sinh được cộng đồng mạng biết đến, nhóm ANRM đã hoạt động từ những ngày đầu Bắc Giang bùng phát dịch bệnh. Nhóm thiện nguyện ANRM do anh Linh làm trưởng nhóm, gồm 10 người đều là bạn bè và đối tác thân thiết trong cuộc sống và công việc của nhau. Từ đầu tháng 5, khi huyện Việt Yên xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, anh Linh bỏ chi phí cá nhân mua vài tấn gạo, khẩu trang và hỗ trợ thêm ít tiền mặt cho các xã. Tuy nhiên muốn đi xa không thể đi một mình, anh Linh kêu gọi thêm bạn bè, đối tác và nhóm ANRM ra đời.

Tôi hỏi về cái tên nhóm đặc biệt, anh Thịnh trả lời: “Lúc đầu tình hình dịch bệnh chưa căng thẳng và phức tạp, mấy anh em tự bảo nhau đi mua lương thực, thực phẩm về để hỗ trợ công nhân. Nhiều người không hiểu, cho là anh em ăn no rửng mỡ, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Anh em bảo nhau, mọi người đã nghĩ thế thì mình lấy luôn “ăn no rửng mỡ” (viết tắt: ANRM) làm tên nhóm. Hoạt động thiện nguyện của nhóm thế nào thì thời gian sẽ trả lời.”

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

Những đoàn xe dài tiến về Bắc Giang, ủng hộ công nhân trong tâm dịch.

Từ khi bắt đầu công tác thiện nguyện, nhóm đều thông qua chính quyền địa phương để nắm tình hình thực tế và hỗ trợ đúng, kịp thời cho những trường hợp khó khăn. Với nguồn lực tự chủ và sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm, nhóm ANRM đã kêu gọi được khoảng 100 tấn hàng, chủ yếu là nhu yếu phẩm: gạo, mì tôm, nước lọc, rau củ, trứng,... 3-4 ngày có một chuyến hàng lớn khoảng 15-20 tấn, những ngày còn lại, bình quân nhóm đều tiếp nhận 3-5 tấn hàng. Ngoài ra, nhóm cũng đã huy động được số lượng vật tư y tế trị giá 450 triệu để gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Với khối lượng hàng hoá lớn cần xử lý mỗi ngày, lịch sinh hoạt của nhóm được sắp xếp chặt chẽ. 7h dậy ăn sáng, sau đó mọi người đến trung tâm để họp phân công công việc. Một người sẽ ở lại trung tâm để đảm nhận công việc điều phối. Những người còn lại chia nhau xếp dỡ, phân chia, vận chuyển, kiểm đếm hàng hoá. Thường xe hàng sẽ về vào buổi trưa, giữa tiết trời gần 40 độ, các anh vừa bốc hàng, vừa được “xông hơi” trong bộ đồ bảo hộ.

Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, tất cả các thành viên của nhóm ANRM đều không tiếp xúc trực tiếp với vợ con. 2-3 thành viên sẽ ở một nhà, các bà vợ ở chung một nhà, làm hậu phương vững chắc, hỗ trợ các anh bằng cách gửi những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng, những chai nước trái cây bổ sung vitamin đến trung tâm. Trong quá trình làm việc nhóm cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn và test Covid 3 ngày/lần.

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

Gần một tháng tham gia hoạt động cứu trợ, anh Linh tranh thủ "xông hơi" và giảm được 8kg.

Cùng nhau, Việt Nam sẽ chiến thắng!

Trò chuyện với phóng viên, anh Linh chia sẻ thêm: “Được đóng góp sức mình cho cuộc chiến chống dịch Covid là niềm vinh dự và cơ hội để tôi và các anh em được gặp gỡ, chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện ý nghĩa. Có những cô, chú 60-70 tuổi xung phong ra trực các điểm chốt chặn, có người lại tình nguyện nấu ăn cho công nhân. Ngày gánh 10kg rau, 4-5 con gà, thậm chí có người mổ cả trâu. Cô chú bảo ngày xưa cầm súng đánh Mỹ, bây giờ giặc Covid đến nhà, càng phải đánh.

Những hình ảnh đó nhắc tôi nhớ mình may mắn thế nào khi được là người Việt, dân tộc anh hùng, gan dạ và kiên cường. Tôi cũng chỉ góp một phần nhỏ cho cộng đồng, cho đất nước. Đó là vinh hạnh của tôi.”

Vậy mới thấy, khi đất nước gặp khó khăn, lòng dân trăm ngả đồng lòng như một. Mọi người sẵn sàng bỏ qua những xích mích nhỏ trong đời sống thường ngày để sát lại gần nhau, đoàn kết vượt qua đại dịch. Câu chuyện của nhóm ANRM cũng như hàng trăm, hàng nghìn tổ chức, cá nhân hằng ngày tiếp tế cho tiền tuyến ở ngoài kia chính là liều thuốc tinh thần cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và công nhân đang thực hiện cách ly được an tâm. Cùng nhau, Việt Nam sẽ chiến thắng!

“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi“Người hùng” băng vệ sinh: Tôi không ngại, chỉ thấy hạnh phúc thôi

Những hình ảnh của biệt đội ANRM trong những chuyến đi.

Ngọc Châm

Nữ công nhân mang thai ở “tâm dịch” Bắc Giang: “Chồng tôi lại lỡ hẹn vào nhà máy” Nữ công nhân mang thai ở “tâm dịch” Bắc Giang: “Chồng tôi lại lỡ hẹn vào nhà máy”
Công ty PouYuen có ca dương tính, 1.100 công nhân tạm nghỉ việc Công ty PouYuen có ca dương tính, 1.100 công nhân tạm nghỉ việc
Yêu cầu F1 không tụ tập nói chuyện, hỗ trợ doanh nghiệp đón công nhân trở lại làm việc Yêu cầu F1 không tụ tập nói chuyện, hỗ trợ doanh nghiệp đón công nhân trở lại làm việc

Xem phiên bản di động