|
Người có nhu cầu mua căn hộ chung cư từ giai đoạn xây dựng cần xem xét kỹ lưỡng về tính pháp lý của dự án, để nếu xảy ra tranh chấp có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Mua phải "lúa non", mỏi mòn kiện tụng Theo quy định, các căn hộ hình thành trong tương lai trước khi đưa ra giao dịch phải đáp ứng nhiều điều kiện như, dự án phải hoàn thành xong phần móng, có văn bản cho phép mở bán từ Sở Xây dựng… Tuy vậy, nhiều chủ đầu tư và đơn vị môi giới vẫn tìm cách huy động vốn của khách hàng ngay cả khi chưa có các điều kiện này. Thực tế có không ít dự án chung cư chưa xây dựng phần móng nhưng đã rao bán, giao dịch rình rang. Thậm chí nhiều dự án còn chưa được cấp phép xây dựng mà vẫn bán thông qua các “hợp đồng góp vốn đầu tư”, “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng bất động sản”, “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ”... Đặc điểm chung của các dự án này là khu đất được rào chắn tứ phía với bảng quảng cáo hoành tráng, phối cảnh căn hộ đẹp lung linh, cùng với đó là lời giới thiệu "có cánh" về vị trí vàng nằm ngay trung tâm thành phố nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, người dân có nhu cầu tìm mua nhà. Nhiều dự án sau khi mở bán rầm rộ, chủ đầu tư công bố hầu hết số lượng căn hộ đã có chủ. Thế rồi sau đó dự án lại "đắp chiếu" im lìm. Người dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để đòi quyền lợi. Các chuyên gia nhận định, việc mua căn hộ chung cư từ khi bắt đầu xây dựng (chưa có phần móng) có thể tiềm ẩn nhiều bất trắc. Rủi ro lớn nhất trong tình huống này là hợp đồng giao dịch không có giá trị pháp lý. Một hợp đồng mua bán được ký kết trong thời điểm mặt hàng chưa đủ điều kiện bán, hay một bên vi phạm pháp luật thì có thể hợp đồng đó không được công nhận. Trong tương lai, chủ đầu tư có "mệnh hệ" gì thì sẽ dễ dàng "phủi tay" mà khách hàng khó có cơ sở pháp lý để đòi lại. Có trường hợp khách hàng vì không đọc kỹ hợp đồng đã đóng tiền đầy đủ theo tiến độ phía chủ đầu tư đưa ra, nhưng đợi nhà mãi chẳng thấy đâu. Từ đó sinh ra khiếu kiện, người dân phải bỏ công bỏ việc chuẩn bị đơn "cầu cứu" gửi cấp có thẩm quyền. Quá trình này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động, chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Mới đây, lãnh đạo UBND TP HCM đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc dự án bất động sản lách luật, huy động vốn trái phép để đảm bảo quyền lợi khách hàng. Chỉ đạo này nhằm thực hiện các giải pháp giải quyết những bất cập trong giao dịch bất động sản, chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Công thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi người mua bán nhà ở; tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. |
nên tìm hiểu kỹ, đừng vì "lực hút" vị trí mà bỏ quên pháp lý Theo ghi nhận của PV, TP Thủ Dầu Một là nơi tập trung nhiều lao động chất lượng cao, các chuyên gia, kỹ sư làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhóm lao động này có nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt là dòng căn hộ cao cấp. Chốn an cư đối với họ không chỉ đơn thuần là nơi che mưa, che nắng mà phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích để nuôi dưỡng sáng tạo và lấy lại năng lượng sau giờ làm việc áp lực. |
Dự án có tên Happy One Central đang được người lao động, các chuyên gia quan tâm. Ảnh: Lê Tuấn |
Hiện nay, người lao động tại TP Thủ Dầu Một rất quan tâm dự án căn hộ có tên gọi Happy One Central. Bởi dự án này được quảng bá rầm rộ là sở hữu “vị trí vàng” ngay cạnh các khu công nghiệp, tầm nhìn triệu đô cùng những tiện ích hiện đại… Theo nhiều trang mạng cho biết, Happy One Central đang tạo nên “cơn sốt” khiến giới chuyên gia “đứng ngồi không yên”. |
Tại website happyonecentral.vn đưa ra bảng “tiến độ thanh toán” áp dụng cho dự án Happy One Central. |
Mặc dù hiện trạng chưa có phần móng, tuy nhiên thời gian gần đây cái tên Happy One Central đã được rao bán tràn lan. Nhiều website đưa ra phương án thanh toán cho khách hàng. Tại happyonecentral.vn có nêu bảng “tiến độ thanh toán”, áp dụng cho dự án Happy One Central bao gồm 28 đợt. Theo đó, vào tháng 11/2020, khách hàng đã phải xuống tiền để giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng. Đến tháng 1/2021, khách hàng tiến hành đặt cọc 10% (trừ phí giữ chỗ) và tháng 4/2021 thanh toán đợt 2. Trang vanxuangroup.net cho biết thêm, sáng 23/1/2021, Vạn Xuân Group kết hợp với đơn vị phát triển dự án Cen Land và Viva Homes tổ chức lễ công bố dự an Happy One Central. Sự kiện đã thu hút hơn 1.000 khách hàng tham dự, đồng thời tìm ra chủ nhân của xe SH 125i dành cho khách hàng có giao dịch thành công và nhiều phần quà giá trị dành cho khách tham dự. Hình ảnh thực tế dự án được lan truyền trên không gian mạng những ngày qua. Ảnh: NQ. |
Gia đình anh Lý Quang Nhân đang sinh sống ở Quận 12 (TP HCM) nhưng nhà máy anh làm việc lại ở Bình Dương. Hàng ngày, con đường đi về thường bị tắc, cùng với công việc đòi hỏi độ chính xác cao khiến anh Nhân mệt mỏi vì áp lực. Anh cho biết, do vợ vừa sinh em bé nên gia đình sẽ chuyển về TP Thủ Dầu Một sinh sống để tiện công việc và giúp con sớm quen môi trường ở đây. “Mấy hôm nay hai vợ chồng bắt đầu tìm mua nhà thì được giới thiệu rất nhiều về Happy One Central. Dự án sở hữu vị trí đẹp đi đâu cũng gần, chúng tôi dự định xuống tiền luôn. Tuy nhiên, có bạn luật sư khuyên nên đến xem dự án, tìm hiểu kỹ pháp lý rồi quyết cũng chưa muộn. Vừa rồi về đến nơi thì biết dự án này chưa có móng nên chúng tôi còn lấn cấn, không biết tính sao?”, anh Nhân chia sẻ. Hình ảnh dự án Happy One Central trên các phương tiện giao thông, thu hút ánh nhìn của nhiều người. Ảnh: Lê Tuấn. Thời gian qua đã ghi nhận một thực trạng rất đáng bàn, đó là sự “bùng nổ” các tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà, mà nguyên nhân chủ yếu do tiến độ dự án ì ạch, đắp chiếu cả thập kỷ hoặc dự án xây dựng không phép, sai phép, chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Pháp luật cũng quy định, nghiêm cấm các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh. Thế nhưng, hình thức đăng thông tin của các chủ đầu tư hiện nay đều chỉ tập trung vào quảng cáo dự án, rất ít thông tin về tình trạng pháp lý như giấy phép xây dựng, tiền sử dụng đất hay quy hoạch 1/500.... để khách hàng có thể tìm hiểu. Theo các chuyên gia, để xảy ra thực trạng tranh chấp, khiếu kiện nói trên cũng xuất phát từ việc người mua không được tư vấn kỹ về pháp lý của dự án. Do vậy, trước khi xuống tiền mua nhà để ở, người dân cần có sự thận trọng kiểm tra, nghiên cứu kỹ căn hộ định mua, nhất là trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. |
Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn
|