Tường thuật tọa đàm "Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu"
Kinh tế - Xã hội - 19/08/2021 09:26 Nhóm PV
Tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu" diễn ra vào 9h ngày 19/8/2021. |
Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn; Th.S Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh; bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; ông Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K.
Toàn cảnh chương trình tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” |
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết từ tháng 5.2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động Chương trình Bảo vệ Blouse trắng do Công đoàn Y Tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn thực hiện. Buổi tọa đàm nhằm tiếp nối các hoạt động Bảo vệ Blouse trắng trong điều kiện hết sức đặc biệt tại tâm dịch.
Từ đầu cầu TP HCM, Th.S Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm. Trong 1 ngày xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang... Những ngày qua thực sự là gánh nặng rất lớn đối với ngành Y tế. Các bệnh viện, trường ĐH tập trung rất nhiều lực lượng, các bạn sinh viên tình nguyện... để sẵn sàng xung phong chống dịch thời điểm này. Chúng tôi rất cảm động!
Th.S Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh |
Các y, bác sĩ, các bạn sinh viên ngành Y tế rất vất vả trong 3 tháng này, từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Vất vả nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các em sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12h đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, không có điều hòa... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Các y, bác sĩ ở tâm dịch cũng phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn".
PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: "Đồng hành với hơn 20 đoàn xuất quân, tôi cảm phục tinh thần của các y, bác sĩ, khi Tổ quốc gọi sẵn sàng lên đường chống dịch. Ngoài áp lực như anh Khoa trao đổi, áp lực khác nữa là tốc độ tử vong trong đợt này nhanh. Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu thiếu nhân viên y tế. Các y, bác sĩ đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân.
PGS. TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam |
Áp lực đè nặng lên y bác sĩ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hi sinh, trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực. Đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế dương tính được cập nhật. Mới đây đã có một số cán bộ y tế không qua khỏi".
Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới được cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách ba tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long chia sẻ tại tọa đàm: "Tình hình ở miền Tây tương đối đỡ hơn so với TP HCM. Từ trước đến nay rất bình yên nhưng dịch bệnh tràn qua thì nhân viên y tế khủng hoảng rất lớn. Các nhân viên y tế tăng cường từ tỉnh khác, ngoài Bắc vào như chúng tôi gặp khó khăn thay đổi về thói quen sinh hoạt, thời tiết. Khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt bác sĩ hồi sức cấp cứu. Nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân rất nặng thì các bác sĩ khác không thể thay thế bác sĩ hồi sức cấp cứu được.
Chúng tôi cố gắng sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn nhưng các y, bác sĩ từ chối, xin ở trong bệnh viện để có thể ngay lập tức cứu bệnh nhân, đó là sự hy sinh rất lớn của họ".
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh gần 1 tháng nay, nói: "Trong bệnh viện không có bệnh nhân nào được hít khí trời cả, mục tiêu là làm sao để bệnh nhân có thể được thở khí trời. Bác sĩ chuyên môn không có nhiều, chúng tôi choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng quá lớn, bệnh nhân tử vong cao.
Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Áp lực về mặt tâm lý, 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục, rà soát từng khâu, quần áo bảo hộ cấp 4, hướng dẫn từng bước một để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho cán bộ y tế. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt trong quá trình khám chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K. |
Chúng tôi giữ khoảng cách với nhau cả khi họp, ăn, sinh hoạt. Công việc liên tục, nghỉ giữa giờ cũng chỉ ra sảnh để thở, ăn uống qua loa, hết ca trực thực sự mệt mỏi. Nhiều lúc phải ăn thức ăn nguội, anh em mong có lò vi sóng để cải thiện bữa ăn.
Bên cạnh áp lực công việc, nhiều cán bộ y tế đã dương tính với Covid-19. Khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều, đè nặng lên vai những người còn lại. Không chỉ nghe theo lời kêu gọi, chúng tôi lên đường với trái tim và đạo đức của người thầy thuốc".
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: "Thời gian qua chúng ta thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đặc biệt là tình cảm dành cho lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch và vai trò kết nối của Công đoàn Y tế Việt Nam. Tôi cũng từng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ lực lượng phóng viên y tế kỳ cựu, kêu gọi hỗ trợ cho nhân viên tuyến đầu. Trong vai trò là một người tham dự tọa đàm, tôi thấy cần đặt ra câu hỏi làm thế nào để bảo vệ cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu?
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương |
Nhân viên y tế F0 tình nguyện ở lại chăm sóc cho bệnh nhân F0. Việc họ xa nhà, xa quê hương, xung phong vào tâm dịch khiến chúng tôi rất cảm động. Ban Dân vận Trung ương kiến nghị với Chính phủ là người thân của những lực lượng tham gia nơi tuyến đầu đều được tiêm vắc xin. Kiến nghị này đã được Thủ tướng ghi nhận và thực hiện.
Việc chăm sóc cho nhân viên y tế là rất cần thiết. Chúng ta cần phải có chính sách để chăm sóc và hỗ trợ cho nhân viên y tế ở vùng dịch và tâm dịch. Đó có thể là hỗ trợ về phụ cấp độc hại, phụ cấp làm ngoài giờ... Ngoài ra, việc có thêm phụ cấp cho anh em nhân viên y tế ở tại vùng dịch sẽ giúp họ yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch".
Chia sẻ về quy trình khám chữa bệnh để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, Ths. Bs Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Nhiều y bác sĩ, sinh viên chi viện lần đầu tiên tiếp cận với F0 và đồ bảo hộ nên chưa có kinh nghiệm. Trong các hướng dẫn của Bộ Y tế có yêu cầu nhân viên y tế, đội ngũ tình nguyện phải được đào tạo về bảo hộ cá nhân. Các đoàn chi viện phải được trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang. Các nhân viên y tế chủ động tham gia các lực lượng tình nguyện phải có sự chuẩn bị ban đầu.
Trong thời điểm này, vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là rất quan trọng.
Ngay khi các bệnh viện dã chiến được thiết lập phải tính toán đến việc đảm bảo khử khuẩn, phân luồng cách ly, độ lưu thông không khí, phân khu làm việc, thực hiện quy trình 1 chiều, giảm thiểu lây nhiễm cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, tại TP HCM với số lượng ca nhiễm rất lớn, thành phố đã phải sử dụng chung cư để thu dung bệnh nhân nên chưa hoàn toàn đảm bảo được việc phân khu, cách ly đúng quy trình.
Số lượng cán bộ nhân y tế cũng rất thiếu. Nếu có đủ lực lượng, giảm thời gian tiếp cận F0 sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm. Việc nhân viên y tế mệt mỏi làm việc lâu cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Chúng tôi rất mong muốn được tăng cường hỗ trợ số lượng nhân viên y tế.
Vấn đề hậu cần, quản lý và chăm sóc nhân viên y tế trong nơi điều trị, sinh hoạt là một điều cần lưu ý. Có những trường hợp trong quá trình làm việc có sử dụng đồ bảo hộ tuy nhiên chưa cẩn thận, khả năng lây rất cao. Báo cáo của Sở Y tế TP HCM, gần 900 trường hợp bị lây nhiễm trong quá trình làm việc, một số nhóm lây nhiễm từ gia đình, không tránh khỏi rủi ro.
Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cũng rất quan trọng. Chiến lược ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng tuyến đầu đã phát huy hiệu quả. Người tiêm 2 liều vẫn có thể nhiễm nhưng nguy cơ chuyến biến nặng và tử vong thấp. Gần đây đã có 1 trường hợp ở Bình Dương, 2 trường hợp ở TP HCM tử vong, chúng tôi rất đau lòng nhưng so với tỉ lệ chung là thấp. Chính sách ưu tiên tiêm vắc xin cho người nhà, người thân nhân viên y tế giúp họ yên tâm công tác".
Về chế độ chính sách với cán bộ, nhân viên y tế, PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết thêm: "Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị để đảm bảo chế độ chính sách cho các y, bác sĩ, ngoài ra đề nghị tiêm vắc xin cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng Liên đoàn quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Thứ nhất là dinh dưỡng cho cán bộ y tế hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; thứ hai, Công đoàn Y tế trích 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ đi tăng cường; thứ ba là chúng tôi đang triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng tặng bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch.
Thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/ 1 đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm stress cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện trung ương là đầu mối để tham mưu".
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Trong công tác phòng, chống Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Về chính sách hỗ trợ, chúng tôi đã hỗ trợ thêm các bữa ăn cho y bác sĩ, dự kiến 20 ngày, mức 1triệu/người. Đồng thời đồng ý để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm các y bác sĩ tuyến đầu mỗi người 2 triệu. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tới thăm hỏi, động viên lực lượng tuyến đầu
Công đoàn đang góp sức rất lớn trong việc bảo vệ đoàn viên y tế, những người đang ngày đêm giành giật sự sống cho nhân dân".
Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Đề xuất những giải pháp để bảo vệ các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Khi lên đường, các y bác sĩ đều đi với một tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Tất cả chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên thực tế các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã hỗ trợ, gửi tặng cho lực lượng y tế nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không đảm bảo. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng mạnh thường quân, thậm chí cả những nhân viên y tế mới nhiều khi vẫn mua và sử dụng nhầm các thiết bị nhái, rất khó để phân biệt.
Theo tôi phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Đây là mối đe doạ rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu".
Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp về trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: "Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Thứ nhất, chúng ta phải có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch ở TP HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam. Thứ hai, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển.
Thứ ba, khi lực lượng y tế ra tuyến đầu, thì những bệnh nhân có bệnh nền phải làm thế nào? Do đó cần phải bảo toàn cho lực lượng y tế chuyên sâu để tiến hành chữa trị cho những người mắc bệnh nền nặng. Điều này cần phải có nghiên cứu và kiến nghị.
Cần ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình để những bệnh nhân F0 thể nhẹ có thể chăm sóc nhau, chia sẻ, tư vấn tâm lý, không gây nhiễu loạn cho nhân viên y tế để lực lượng này tập trung chữa trị cho những bệnh nhân nặng hơn. Tôi kiến nghị với Công đoàn Y tế Việt Nam, gắn trung tâm hồi sức cấp cứu với địa bàn kinh tế của địa phương để phối hợp hiệu quả hơn trong công tác chống dịch".
Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn |
Chia sẻ với những khó khăn của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết: "Cách đây ít hôm tôi có trong nhóm các trưởng đoàn và được chứng kiến suất ăn của các y, bác sĩ, đa phần là một chút thịt xào, rau dưa, ít nước mắm, không phải suất nào cũng có canh. Đặc biệt ở Đồng Nai, tôi còn lưu giữ ảnh suất ăn 0 đồng cho các bác sĩ với 1 ít cơm, rau dưa, 1 quả trứng.
Ngoài những hoạt động thường xuyên, Tạp chí chúng tôi đã tổ chức chương trình "Thảo thơm cơm nhà". Chúng tôi liên hệ với Vietnam Airlines, nơi họ có những suất cơm đảm bảo, đồng thời liên hệ với Công đoàn Y tế, vận động tiền khắp nơi để cung cấp cho bác sĩ suất ăn tốt hơn.
Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức thi video TikTok với những sáng kiến trong chăm sóc các bệnh nhân, việc nhân dân chăm sóc y bác sỹ như thế nào. Chỉ hành động nhỏ nhưng không chỉ chăm sóc sức khỏe mà còn là chăm sóc tinh thần trong công cuộc phòng chống dịch".
Bà Lê Hương Ly – Phó tổng giám đốc Quan hệ đối ngoại và Dịch vụ nội bộ, Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam |
Bà Lê Hương Ly – Phó tổng giám đốc Quan hệ đối ngoại và Dịch vụ nội bộ Công ty Bảo hiểm AIA Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn đối với các y, bác sĩ, nhân viên nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 đồng thời cho biết AIA đã có những hoạt động hỗ trợ lực lượng y tế: "Tại Việt Nam, ngày từ tháng 3/2020, chúng tôi đã hỗ trợ 2 tỷ đồng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, chúng tôi đang phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam có gói hỗ trợ 1 triệu USD cho các y, bác sĩ. Đối với các y, bác sĩ bị dương tính Covid-19, sẽ nhận được hỗ trợ 10 triệu đồng. Chúng tôi cũng đang tiếp nhận nhiều hồ sơ và sẽ có những hỗ trợ, chi trả cho lực lượng tuyến đầu không may nhiễm Covid-19.
Chúng tôi mong lan tỏa tinh thần hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, có nhiều hỗ trợ thiết thực hơn nữa. Hôm nay khi được nghe lại các clip phóng sự từ lực lượng tuyến đầu chống dịch, chúng tôi rất xúc động! Chúng tôi mong các y, bác sĩ giữ gìn sức khỏe, cố gắng chống dịch để sớm trở về với cuộc sống bình thường!"
PGS. TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam bày tỏ sự xúc động khi được lắng nghe những chia sẻ và câu chuyện từ nơi tuyến đầu chống dịch cũng như những giải pháp được thảo luận trong buổi toạ đàm. Bà cho biết thêm: "Các trang thiết bị bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế cần phải được kiểm soát và trang bị đầy đủ. Quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng cần đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, giảm bớt khối lượng công việc. F0 chăm sóc F0 là một ý kiến, đề xuất hay và thiết thực trong thời điểm này. Bữa ăn của các y bác sĩ đến thời điểm này đã tương đối ổn.
Trong tương lai sắp tới, việc đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu và y tế dự phòng cần được quan tâm và đầu tư hơn nữa. Điều quan trọng nhất lúc này là chăm sóc tinh thần của lực lượng cán bộ y tế. Chúng tôi gửi lời đến cán bộ y tế rằng công đoàn sẽ luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành cùng các y bác sĩ nơi tuyến đầu.
Mong rằng các chiến sĩ quyết tâm rồi quyết tâm hơn nữa, Ban lãnh đạo quan tâm rồi quan tâm hơn nữa, doanh nghiệp hỗ trợ rồi hỗ trợ hơn nữa, để các chiến sĩ bền gan vững vàng.
Và cuộc thi Khoảnh khắc khó quên trên TikTok như nhà báo Trần Duy Phương vừa đề cập cũng là một cách để lưu lại hình ảnh đẹp.
Cảm ơn Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, khách mời ở các đầu cầu, chúng tôi tiếp thu những ý kiến, đồng hành bảo vệ blouse trắng tốt nhất".
Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu”. |
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thay mặt Tổng Liên đoàn bày tỏ sự cảm phục, trân trọng, tri ân các y, bác sĩ, những người đang bảo vệ sức khỏe nhân dân và nỗ lực chiến thắng đại dịch.
Ông cho biết: "Cuộc chiến có thể kéo dài, khốc liệt hơn nhưng chúng ta luôn mong những điều tốt đẹp sẽ đến. Đồng thời, vẫn phải dự liệu những điều không thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi mong các y, bác sỹ giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, thấu hiểu các chiến sỹ áo trắng để tạo nên sức mạnh đẩy lùi Covid.
Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng như các đồng chí trong tọa đàm đã sẻ chia rất nhiều thông tin ý nghĩa, những mong muốn, kiến nghị. Tổ chức Công đoàn tiếp tục lắng nghe các đề xuất và sẽ nghiên cứu, báo cáo Thường trực để công nhận liệt sỹ cho các chiến sỹ bị tử vong. Chúng tôi sẽ căn cứ vào các quy định Nhà nước và mối tương quan với tình hình thực tế để làm cho đúng, cho chuẩn.
Về ý kiến đào tạo, bồi dưỡng các lực lượng y tế như hồi sức cấp cứu, y tế dự phòng rất đáng được quan tâm. Ngành Y tế quá bận rộn, quá vất vả, rất may Công đoàn Y tế cùng 1 số chuyên gia nghiên cứu các chính sách lâu dài, đề xuất với Đảng, Chính phủ để vượt qua thời gian khó khăn.
Tôi xin gửi tới các anh chị lời cảm ơn sâu sắc, cảm ơn các doanh nghiệp đồng hành, cảm ơn đơn vị tổ chức đã tạo nên những chương trình rất ý nghĩa, nhân văn".
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:08
Lô xe Omoda C5 đầu tiên cập bến Việt Nam, ra mắt vào ngày 26/11
Lô xe Omoda C5 đầu tiên đã cập cảng để chuẩn bị cho chương trình ra mắt vào ngày 26/11, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Kinh tế - Xã hội - 23/11/2024 11:01
Range Rover Velar 2025 ra mắt Việt Nam với 7 phiên bản
Mẫu SUV hạng sang Range Rover Velar 2025 đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với nhiều nâng cấp đáng giá. Xe được cung cấp với ba phiên bản chính là S, Dynamic SE và Dynamic HSE, đi kèm hai tùy chọn động cơ xăng và một tùy chọn hệ truyền động plug-in hybrid.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 18:55
Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao gấp 3,5 lần so với vùng đồng bằng, đô thị; tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 14:42
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường và cháy nổ trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) để giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ môi trường và tài sản.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 11:30
Địa ốc Đà Nẵng lột xác toàn diện, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới
Trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường địa ốc Đà Nẵng năm 2024, ghi nhận dấu ấn và vai trò lực đẩy của những tổ hợp bất động sản đẳng cấp ven sông Hàn với quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích cao cấp theo mô hình “all-in-one” tiên phong.
Kinh tế - Xã hội - 22/11/2024 10:00
VietinBank tăng trưởng CASA, tối ưu hóa nguồn vốn huy động và góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh
Các giải pháp mang tính chiến lược này đã giúp VietinBank không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng biểu tượng CASA mà còn tiết giảm chi phí vốn (COF), cải thiện biên lợi nhuận (NIM), và khẳng định vị trí tiên phong trong lĩnh vực lĩnh vực thanh toán số hiện đại.