Tương lai gập ghềnh của cậu bé mồ côi
Mồ côi mẹ, Nguyễn Đức Hiếu (8 tuổi, quê ở Lạng Sơn) thu mình, ít nói. Càng lớn, Hiếu càng cảm nhận được nỗi bất hạnh của cuộc đời mình.
Cháu Nguyễn Đức Hiếu - con nữ công nhân Đào Thị Minh (tử vong do Covid-19). Ảnh: THC |
Thiếu tình thương của cha từ khi lọt lòng, 6 tuổi mồ côi mẹ Cháu Nguyễn Đức Hiếu đang học lớp 3A2, Trường Tiểu học xã Vân Nham 1, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Hiếu thiếu vắng tình thương của cha từ khi chưa lọt lòng. Mẹ của Hiếu - chị Đào Thị Minh xuống Bắc Giang làm công nhân tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam. Cách đây 2 năm, khi địa phương này trở thành “tâm dịch”, chị Minh không may mắc Covid-19 và qua đời, Hiếu trở thành trẻ mồ côi khi mới 6 tuổi. “Ông bà nội và bố đẻ chối bỏ trách nhiệm và không quan tâm đến cháu. Cháu lớn lên hoàn toàn dựa vào sự chăm sóc của mẹ và gia đình ông bà ngoại. Tương lai phía trước thật khó khăn là điều trước khi mất chị Minh luôn day dứt” – chị Chu Thị Đào, dì của cháu Hiếu cho biết. Theo phong tục địa phương, chị Minh là phận gái đã đi lấy chồng nên không được lập bàn thờ, hương khói ở nhà bố mẹ đẻ. Do đó, một phần tro cốt của chị đã được gia đình đưa lên chùa. |
Cháu Hiếu cùng bạn thân. Ảnh: THC |
Ở cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên, bạn bè được cha mẹ quan tâm, chăm sóc còn Hiếu thì chất chứa nỗi cô đơn trong lòng vì mất mẹ. Trong ký ức của Hiếu là những ngày cuối tuần mẹ về thăm rồi vội vàng trở lại nhà máy. Đó cũng là khoảng thời gian đẹp đẽ, hạnh phúc với cậu bé, dù ngắn ngủi. “Thương con phải thiếu vắng tình cảm cha mẹ nên chị Minh thường nấn ná đến sáng sớm hôm sau mới bắt xe xuống nhà máy làm việc. Chị khẽ gỡ bàn tay con đang nắm chặt áo mẹ rồi nhẹ nhàng ra khỏi nhà. Nhưng khi tỉnh giấc, không thấy mẹ, cháu Hiếu nằng nặc khóc đòi, không ai dỗ được. Sau vài lần như vậy, cháu khăng khăng đòi mẹ đưa ra bến xe để tiễn mẹ đi làm. Dù mùa đông hay mùa hè, trời mưa hay nắng, cứ vào 5 giờ sáng là cháu theo ông bà tiễn mẹ lên xe. Lần nào cháu cũng dặn mẹ sớm về nhà với mình” – chị Đào nhớ lại. |
Ông Đào Trọng Xuân đón cháu đi học về. Ảnh: THC |
Một thời gian dài sau khi mẹ qua đời, Hiếu mới hiểu rằng mình không bao giờ được gặp lại mẹ nữa. Càng lớn, cháu càng thu mình, sống lặng lẽ. Ông Đào Trọng Xuân thắt ruột gan mỗi lần nhìn thấy cháu trầm lặng, không vui đùa. Ngày ngày đến trường, Hiếu ít cười nói. Một đứa trẻ mới 8 tuổi đã phải tự mình chịu nỗi đau và không chia sẻ cùng ai. Vì cháu thiếu thốn tình thương của cha, lại mất đi mẹ nên làm được điều gì cho cháu vui, ông bà đều cố gắng bù đắp. Ông bà chỉ mong sao Hiếu trở lại vui vẻ như trước nhưng cháu vẫn lặng yên. |
Cháu Nguyễn Đức Hiếu khi ở nhà. Ảnh: ThC |
“Trước đây, cháu rất hồn nhiên, nói chuyện ngộ nghĩnh và hay cười. Nhưng khi mẹ mất, cháu không còn như vậy nữa. Cháu đã biết mẹ mãi mãi không trở về với mình. Chúng tôi không cầm được nước mắt nhưng không biết làm sao để cháu trở lại như trước. Chúng tôi chỉ biết yêu thương, bù đắp cho cháu nhiều hơn” - ông Đào Trọng Xuân, ông ngoại cháu Hiếu kể. |
Cô giáo Đỗ Thị Lam - Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A2 kể, suốt mấy năm học, Hiếu rất ít nói, không sôi nổi tham gia hoạt động của lớp, sống nội tâm. Gương mặt cháu luôn buồn rầu. Trong lòng cháu có nỗi buồn không thể bày tỏ cùng ai. “Là giáo viên chủ nhiệm, hằng ngày, tôi chủ động hỏi thăm sức khỏe, việc học tập và gần gũi tâm tình với em. Những lúc mở lòng, em chảy nước mắt khi nói về mẹ. Em nhớ những kỷ niệm ngày mẹ còn sống như được mẹ mua quà, được mẹ đưa đi chơi. Em luôn mong lớn lên có việc làm tốt, chăm sóc cho ông bà. Tôi cũng như các thầy cô trong trường rất đồng cảm, luôn dành sự quan tâm đặc biệt để bù đắp phần nào sự thiệt thòi mà cháu phải chịu đựng ngay từ khi chào đời” - cô Lam cho biết. Đồng hành với Hiếu, không chỉ gần gũi, chia sẻ với tâm tư của cháu, hỗ trợ Hiếu trong học tập, cô giáo Lam còn tạo điều kiện để Hiếu tham gia các hoạt động tập thể nhiều hơn, gắn kết hơn với các bạn. Vì vậy, cháu đã tự tin hơn, chia sẻ với cô giáo và bạn bè những cảm xúc, suy nghĩ trong lòng cũng như biết nhờ cô giáo, bạn bè giúp đỡ khi gặp khó khăn. |
Cháu Nguyễn Đức Hiếu nhận được nhiều Giấy khen trong quá trình học tập. Ảnh: ThC |
Tương lai gập ghềnh Tương lai của cháu Nguyễn Đức Hiếu còn rất khó khăn, chưa có gì đảm bảo. Ông bà ngoại của cháu tuổi đã cao, ngoài trông vào vài sào ruộng không có thu nhập nào khác. Ngay khi chị Minh mất, các cấp công đoàn đã kịp thời chia sẻ, hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn và vận động đoàn viên, người lao động đóng góp ủng hộ. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện để Hiếu nhận được sự ủng hộ dành cho bạn học sinh nghèo. Các nhà hảo tâm cũng đã đóng góp, gây quỹ bảo trợ giúp cháu có tiền sinh hoạt, học tập đến năm 18 tuổi với số tiền 3 triệu đồng/tháng. Ông Đào Trọng Xuân chia sẻ: “Với gia đình tôi, sự hỗ trợ ấy rất đáng quý. Hiện tại, số tiền đủ chăm lo cho một đứa trẻ. Tôi luôn chắt chiu, sử dụng số tiền ấy thật tiết kiệm, đúng mục đích. Mỗi lần nhận được số tiền đó thông qua nhà trường, sử dụng vào bất cứ việc gì tôi đều thông báo cụ thể để nhà hảo tâm thống nhất, ủng hộ. |
Cháu Nguyễn Đức Hiếu cùng bạn bè đi học về. Ảnh: ThC |
Hiện tại, số tiền hằng tháng đó đủ trang trải, lo chi phí học tập, sinh hoạt của một đứa trẻ. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe của mình ngày một yếu, cháu Hiếu ngày một lớn lên. Tôi rất mong muốn để lại cho cháu một cuốn sổ tiết kiệm để cháu có điểm tựa nhỏ nhưng vững chắc mà lực bất tòng tâm. Cả cuộc đời dài phía trước của cháu có ai bầu bạn, đỡ đần, sẻ chia. Đêm đêm, nghĩ đến tương lai của cháu, tôi không ngủ được. Một đứa trẻ còn non nớt như vậy đã phải đối mặt với bao khó khăn của cuộc đời.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023 diễn ra từ 17/3 đến 19/3/2023, tại Bảo tàng Hà Nội, Chi hội Nhà báo Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức chương trình “Mua kẹo lạc – Gửi tình thương”. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động này, chúng tôi xin dành tặng cho em Nguyễn Đức Hiếu – học sinh lớp 3A2, Trường Tiểu học Vân Nham 1 (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Mỗi gói kẹo lạc quý vị mua tại Hội báo năm nay, sẽ giúp Hiếu một bữa ăn để vượt qua khó khăn, đồng hành cùng em trên chặng đường sắp tới. |
Thực hiện: HÀ VY |