|
Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng 28/12/2021. |
SÁNG KIẾN làm lợi cho công ty trên 3,843 tỷ đồng |
Từ năm 2018-2020, anh Dương Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Phát triển sản phẩm mới công đoạn xử lý bề mặt, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã có hơn 50 ý tưởng cải tiến được ghi nhận. Năm 2021, anh tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” với sáng kiến “Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu”. “Đó là sáng kiến thay đổi về công nghệ xử lý màu. Chúng tôi tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng titanium đắt đỏ”, anh Hùng chia sẻ. Anh Dương Văn Hùng tại phòng làm việc. Sau khi cải tiến, hiệu quả thấy rõ bởi thời gian tháo lắp sản phẩm giảm 14 lần, tình trạng bẩn, xước gần như được loại bỏ. Sáng kiến của anh Hùng được đưa vào sản xuất từ tháng 3/2021, làm lợi cho công ty trên 3,843 tỷ đồng, ước tính mỗi năm làm lợi khoảng 30,7 tỷ đồng. Điều đặc biệt, sáng kiến của anh được Tập đoàn Samsung phổ biến toàn cầu. Người đàn ông quê Thái Nguyên nói rằng, khi thực hiện cải tiến, anh mong muốn giảm chi phí sản xuất, tạo nhiều đơn hàng cho công ty, đem lại công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. “Tôi cũng muốn khẳng định trí tuệ Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới”, anh Hùng nói thêm. Theo anh Hùng, để đạt được kết quả như vậy đòi hỏi có suy nghĩ khác biệt, không theo lối mòn, cần nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và sự ủng hộ, giúp đỡ của tập thể; lãnh đạo và BCH Công đoàn công ty tạo điều kiện. |
Thượng úy Lê Thị Hòa chia sẻ tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, sáng 28/12/2021. |
Đối với Thượng úy Lê Thị Hòa, cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền – Bộ Công an, sáng kiến được nảy sinh từ “sự thôi thúc của con tim”, sau những đêm trăn trở về việc làm thế nào giảm bớt nhiệt độ cơ thể cho nhân viên y tế khi họ phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ để làm việc trong những ngày hè oi bức. Hằng ngày, chứng kiến các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch bị mất nước, phồng rộp da, choáng, ngất do sốc nhiệt, chị Hòa suy nghĩ và đề xuất ý tưởng tạo ra sản phẩm “áo chống sốc nhiệt”. Được sự ủng hộ của lãnh đạo khoa, bệnh viện cùng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, ngay trong đêm 2/6/2021, “xưởng may dã chiến” được thành lập. Chị Hòa và đồng nghiệp sử dụng vải cotton, xốp cách nhiệt, túi đá khô dạng gel, miếng lót bằng bông siêu thấm…, là những chất liệu dễ kiếm, giá rẻ để may áo. Những chiếc “áo chống sốc nhiệt” sau đó được Hội đồng Khoa học của bệnh viện nghiệm thu, đánh giá cao. Khi mặc áo, nhiệt độ cơ thể sẽ được giảm từ 5 - 7 độ mà không ảnh hưởng đến tác dụng của áo bảo hộ. Gần 5.000 bộ áo chống sốc nhiệt đã được cung cấp cho cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch và một số đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhờ đó, giảm thiểu tối đa việc nhân viên y tế bị sốc nhiệt khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Trên đây là hai trong số 128 tác giả được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, có 183 tác giả và 7 tập thể có số lượng sáng kiến tham gia nhiều nhất trên hệ thống phần mềm trực tuyến trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” cũng được Tổng Liên đoàn tặng Bằng khen dịp này. Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tham dự Lễ tuyên dương. Vinh danh các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. |
"SÁNG KIẾN là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở,..." |
Báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua 80 ngày cao điểm cập nhật Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” (từ 10/3 đến 31/5/2021) có tổng số 250.177 sáng kiến tham gia, vượt hơn 300% so với mục tiêu đề ra. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả từ chương trình này. Nội dung sáng kiến đa dạng, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực ngành, nghề, bao gồm sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao; sáng kiến tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới; sáng kiến trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc; cải cách hành chính,… Theo đánh giá kết quả từ cơ sở, các sáng kiến tham gia chương trình đã được ứng dụng và mang lại giá trị làm lợi ước đạt 148.967 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều sáng kiến có ý nghĩa lớn cho cộng đồng xã hội và khó có thể quy đổi chính xác. Phát biểu tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng những tập thể và cá nhân có sáng kiến và thành tích xuất sắc, tiêu biểu được tôn vinh; ghi nhận và đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam có sáng kiến cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của tổ chức Công đoàn và đất nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội bằng việc tổ chức chương trình ý nghĩa này. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” |
“Có nhiều sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng và cũng có rất nhiều sáng kiến bình dị, gần gũi nhưng rất thiết thực, hiệu quả, góp phần xử lý những bất cập hằng ngày trong sản xuất, công tác... Dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến đó, ý tưởng đó, kinh nghiệm đó đều là tấm lòng, sự tâm huyết với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và đất nước; là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở, lao động hăng say của đoàn viên, người lao động”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Thủ tướng tin tưởng rằng, các tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương hôm nay “đã cố gắng rồi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa, đã hành động quyết liệt rồi sẽ tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã thành công rồi sẽ thành công, thành công nhiều hơn nữa, tiếp tục trăn trở, không ngừng vươn lên, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn, đạt những thành tích cao hơn, xứng đáng là hạt nhân, là tấm gương sáng, lan tỏa đến mọi người như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"”. |
"Các sáng kiến tham gia chương trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất lao động, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời điểm cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam |
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá, thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” là minh chứng sinh động về sự say mê lao động, sáng tạo, tinh thần vượt khó, khát vọng cống hiến của đoàn viên, người lao động cả nước, khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp Công nhân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Từ thành công của chương trình, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong đoàn viên, người lao động cả nước từ tháng 9/2021 đến năm 2023. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi đoàn viên, người lao động cả nước, đặc biệt là các điển hình tiên tiến xuất sắc được tôn vinh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó, hăng hái thi đua, nhân lên niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. |
Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 60 tác giả đại diện cho 128 tác giả có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu nhất trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ tuyên dương. |