e magazine
24/08/2023 19:38
“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

24/08/2023 19:38

Hóa ra, đời sống của những người làm vận tải hành khách đường sắt giờ khó khăn hơn tôi tưởng. Song, họ vẫn gắn bó, vẫn yêu nghề. Điều đó khiến tôi nhớ đến bài thơ “Những ngày nghỉ học” của nhà thơ Tế Hanh, với những câu thơ đầy tâm trạng: “Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”...
“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Sinh năm 1972, gương mặt phong trần đầy vẻ nam tính và điển trai, Trưởng tàu SE9 Vũ Thanh Minh không khỏi bồi hồi nhớ về những kỷ niệm sâu sắc anh đã trải với nghề. “Với tôi, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm. Chuyến tàu an toàn, đúng giờ là những chuyến tàu mang lại hạnh phúc nhất cho cán bộ, nhân viên đoàn tàu. Nhưng kỷ niệm thì lại gắn với những sự cố”, anh cười buồn. 14 giờ 30 phút chiều ngày 20/2/2017, như thường lệ, Trưởng tàu Vũ Thanh Minh đi kiểm tra đoàn tàu. Công việc của anh là phải để mắt đến mọi thứ, từ kiểm tra, nhắc nhở nhân viên phụ trách từng toa; đôn đốc chuẩn bị bữa ăn cho hành khách đến theo dõi hành trình của đoàn tàu. Mọi thứ được anh kiểm tra, đối chiếu lại lần nữa trên sổ nhật trình do Phó trưởng tàu ghi chép.

Mới sang xuân, đoàn tàu Nam - Bắc vừa qua đèo Hải Vân, không khí ấm áp, trời trong; kết quả kiểm tra không cho anh thấy điều gì bất thường. Trở về toa chỉ huy, anh cảm thấy vui và hài lòng. Bỗng nhiên, anh nghe thấy tiếng còi tàu rú lên từng hồi gấp gáp. Đoán có sự cố, anh ngó qua cửa sổ, tiếng phanh rít lên và cảm giác đoàn tàu nặng nề đang cố gắng ghìm mình đi chậm lại. Với trọng lượng gần một nghìn tấn, nếu tốc độ chạy tàu vào khoảng 70km/giờ, con tàu cần 500 đến 700 mét trượt để dừng hẳn. Ngoài của sổ, đoàn tàu vẫn lướt đi loang loáng... Một va chạm mạnh khiến anh bị hất tung lên, đầu óc choáng váng. Trong tích tắc, anh biết đã có một vụ tai nạn nghiêm trọng, toa chỉ huy của anh bị lật ngửa lên. Đồ đạc rơi rào rào. Theo phản xạ tự nhiên và kỹ năng được huấn luyện trong tình huống hiểm nghèo, anh cố co mình lại, hai tay ôm đầu tránh chấn thương. Sau đó là tiếng inh inh âm âm trong tai anh. Mỗi phút lúc ấy dài như một thế kỷ...

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Gần như ngay lập tức, anh Minh choàng dậy. Trách nhiệm trưởng tàu nhắc anh phải nắm bắt, xử lý tình hình. Có ai bị thương vong không? Thiệt hại ra sao? Nguyên nhân tai nạn là gì? Ở khu gian này cần liên lạc cấp cứu các đầu mối nào? Một loạt công việc được sắp xếp, hình thành trong óc anh. Sờ nắn không thấy bị tổn thương ở đâu, anh quan sát, tìm búa bảo hiểm đập vỡ ô cửa kính chui ra ngoài.

Cảnh tượng trước mắt anh thật hãi hùng. Mấy toa tàu bị lật nghiêng. Chiếc đầu máy dường như vẫn thở phì phò, nằm chếch trên đường ray, dầu vẫn không ngừng chảy. Hành khách hốt hoảng, nhốn nháo kêu cứu. Toa phó trưởng tàu sát toa chỉ huy của anh bị bẹp một góc. Cách một đoạn, chiếc xe tải đi qua đường ngang bị con tàu đâm - nguyên nhân gây ra tai nạn – bị bẹp rúm...

Vụ tai nạn khiến tài xế và phụ lái chiếc xe tải tử vong tại chỗ. Phó trưởng tàu của anh cũng tử vong, kẹt cứng trong khoang toa tàu. Anh Minh vừa liên lạc lực lượng cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy địa phương, báo cáo về công ty; vừa khẩn trương chỉ đạo nhân viên hướng dẫn sơ tán hành khách, tổ chức cứu hộ hiện trường... Đến tối muộn, thi thể không nguyên vẹn của người bạn, người em thân thiết Phó trưởng tàu mới được lực lượng chức năng đưa ra khỏi toa tàu. Đường thông, một đầu máy được điều đến kéo đoàn tàu tiếp tục chạy ra Bắc...

“Anh hỏi sợ không ư? Sợ chứ. Nhưng tôi không mất tinh thần. Suốt cuộc đời gắn bó với nghề, tôi chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn, nhẹ có, nặng có, nhưng đó là vụ tai nạn khiến tôi ám ảnh nhất. Có lẽ vì đoàn tàu mất đi một cán bộ, tôi mất đi người phụ tá... Tuy nhiên, tôi chỉ nghỉ một hai hôm rồi lại tiếp tục đi làm. Tôi cũng phải nói thêm, dù thỉnh thoảng còn có tai nạn, vận tải hành khách đường sắt vẫn là phương thức vận tải an toàn bậc nhất hiện nay. Hành khách đi tàu đừng quá lo lắng”, Vũ Thanh Minh trả lời câu hỏi về tâm trạng, cảm xúc của anh sau vụ tai nạn.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều làm trong ngành Giao thông vận tải; trong đó cha anh là công chức của bộ; mẹ anh là nhân viên kế toán ở Ga Hà Nội. Anh hay được mẹ dẫn theo đến cơ quan. Từ nhỏ anh đã quen với hình ảnh những đoàn tàu. “Trước đây, ngành có quy định ưu tiên hàng năm cho gia đình cán bộ được đi nghỉ mát, tham quan theo đoàn tàu một lần miễn phí. Nên đường sắt, những đoàn tàu thân thuộc với tôi từ thuở ấu thơ. Tôi biết mình thuộc về nơi này, công việc này. Tốt nghiệp phổ thông, tôi đi học trường Trung cấp Đường sắt và gắn bó với nghề đến nay đã gần 30 năm”.

Câu chuyện của tôi với anh Minh trên hành trình Bắc - Nam của đoàn tàu SE9 thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi anh hay phải chạy đi xem xét một khâu, một công đoạn nào đó; hoặc nhắc nhở anh em nhân viên chuẩn bị thao tác mỗi khi đoàn tàu dừng đón khách tại các ga. “Nhiều thứ phải lo anh ạ. Đơn giản như việc tiếp nước tại các ga lớn để bảo đảm luôn đủ nước phục vụ hành khách. Bể nước của đoàn tàu không chứa được nhiều”, anh giải thích cho tôi mỗi khi chạy đi.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Trưởng tàu SE9 Vũ Thanh Minh - Ảnh: Hải Dương

Năm 2004, ở tuổi 32, anh được bổ nhiệm làm Trưởng tàu. Lúc đó anh là Trưởng tàu trẻ nhất của ngành Đường sắt Việt Nam. Anh Minh mỉm cười: “Thú thật là tôi rất tự hào. Không tự hào sao được khi đã tiếp nối xứng đáng truyền thống gia đình. Dù không nói ra, tôi tin cha mẹ cũng rất tự hào về tôi”. Tôi bảo với anh Minh, vậy là anh như con của bác sĩ nối nghiệp cha mẹ mình trở thành bác sĩ; như con giáo viên lại trở thành thầy giáo giảng dạy trên giảng đường; như người thợ mỏ, thợ dệt tiếp tục xuống lò hay vào ca như ông bà, cha mẹ trước đây. Anh cười lớn: “Đúng vậy! Nên khi vợ chồng tôi bàn nhau phải có một trong hai đứa nghỉ lo việc nhà thì cả hai nhất trí để tôi theo nghề, dù vợ tôi công tác ở một doanh nghiệp và có thu nhập tốt hơn tôi”.

Lê Xuân Quyết, Trưởng tàu SE2 Nam - Bắc cao ráo, trắng trẻo và nhìn trẻ hơn nhiều so với năm sinh 1982 của anh. Giống như anh Minh, cha Quyết cũng từng là trưởng tàu. Anh bảo, mơ ước lớn nhất từ nhỏ của anh là trở thành trưởng tàu như bố. Khoảng 25 năm trở về trước, khi ngành hàng không chưa phát triển, đường sắt là lựa chọn đầu tiên của hành khách Bắc - Nam. Cha làm trưởng tàu có lẽ “oách” như cơ trưởng máy bay bây giờ. Bạn bè cùng trang lứa nhìn anh với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Niềm mơ ước của anh cháy bỏng, mãnh liệt đến nỗi anh không bao giờ nghĩ mình sẽ lựa chọn nghề thứ hai. Thỉnh thoảng được theo bố rong ruổi trên những chuyến tàu, anh cảm thấy không có nghề nào trên đời tuyệt vời như thế. Học xong phổ thông, không một chút đắn đo, chàng trai quê Thanh Hóa quyết tâm thi vào Trường Trung cấp Đường sắt.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

“Vào làm việc rồi em mới thấy, thì ra đó không chỉ là mơ ước của em. Con em cán bộ vận tải đường sắt có lẽ cũng mơ ước như em. Tỷ lệ cán bộ, nhân viên trên các đoàn tàu hiện phải tới 70% là cha truyền con nối; nghĩa là có cha hoặc mẹ, hoặc cả cha cả mẹ từng làm đường sắt. Thậm chí, có tới khoảng 40% có ông bà, cha mẹ từng làm ngành Đường sắt. Tức là họ đã ở thế hệ thứ ba gắn bó với ngành này”, anh Lê Xuân Quyết cho biết.

Tôi nhẩm tính, đường sắt xuyên Việt được người Pháp xây dựng, thông tuyến vào năm 1936, đến nay là 87 năm. Nếu bình quân trên dưới 20 năm là một thế hệ thì 87 năm tương đương thế hệ thứ tư, thứ năm. Liệu có cán bộ nào trên những đoàn tàu này là lao động đời thứ tư, thứ năm cha truyền con nối ấy? “Trên đoàn tàu này có một trường hợp rất đặc biệt”, Quyết nói: “Đó là bạn Phương và chồng là Trưởng, cả hai vợ chồng cùng làm việc ở đây”.

Trương Thị Phương sinh năm 1990, nhỏ nhắn, tươi tắn. Bố của Phương cũng từng là trưởng tàu (bây giờ thì điều này không còn làm cho tôi ngạc nhiên nữa). Phương làm công việc phát thanh trên tàu. Cứ mỗi ga tàu sắp dừng, tiếng của Phương lại trong trẻo, đĩnh đạc vang lên, nhắc hành khách kiểm tra hành lý, tư trang, kèm lời chúc hành khách có một chuyến đi an toàn, vui vẻ.

Quê Phương ở bãi biển Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Theo nghiệp bố (bố Phương cũng từng làm việc trên tàu), Phương cũng thi vào Trường Trung cấp Đường sắt ở Long Biên (Hà Nội). Tại đây cô gặp chồng tương lai. Hai người yêu nhau. Họ nói cho nhau những thuận lợi, khó khăn khi thường xuyên phải đi xa, nhất là những dịp lễ, Tết. Cô bảo, hai vợ chồng cưới nhau xong, xác định có con thì một đứa nghỉ. May thay, ông bà nội ở Phú Xuyên (Hà Nội) còn khỏe, làm ruộng, nhận trông con cho hai vợ chồng. “Thế là chúng em vẫn được làm nghề, vẫn được đi”, Phương nói.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Anh Trần Thế Bảo, sinh năm 1972 ở Bắc Ninh là tổ trưởng công đoàn của đoàn tàu SE9 Bắc - Nam. Anh nói, những năm qua, do sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải khác, dẫn đến hành khách của vận tải đường sắt ít. Thu nhập bình quân của người lao động như thời gian này (mùa hè, nhiều khách du lịch, học sinh, sinh viên nghỉ hè đi chơi...) thì có thể được 7 đến 8 triệu đồng/ tháng; còn lại chỉ đạt bình quân khoảng 5 triệu đồng, có khi thấp hơn. “Hai năm Covid-19, chúng tôi không có việc làm, không thu nhập, không cả được đóng bảo hiểm”, anh Bảo thở dài.

Công đoàn của cơ quan anh cố gắng chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Được trưởng tàu ủy thác và giao trách nhiệm, công đoàn tổ chức dịch vụ trên tàu, bán các hàng hóa, chủ yếu là đồ ăn, thức uống cho hành khách và nấu ăn cho cán bộ, nhân viên. Công việc vất vả, nhưng bù lại mỗi người có thêm một khoản thu nhập gọi là... “Cũng nhờ làm dịch vụ, công đoàn có khoản quỹ chăm sóc anh em lúc ốm đau. Chúng tôi còn đến thăm được nhà của tất cả cán bộ nhân viên đoàn tàu rồi đấy”, anh Bảo nói.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Anh Nguyễn Văn Hải, phụ trách toa số 6 kể, anh quê ở Nam Định, lấy vợ Bắc Giang. Vợ anh cũng làm công nhân. Hết chuyến đi, anh tranh thủ bắt xe về với vợ. Hễ có tin tai nạn đường sắt hay thời tiết thất thường là anh chủ động điện về trước để gia đình khỏi lo. Ngoài những lúc hướng dẫn hành khách lên, xuống tàu, chỉ dẫn, giải đáp thắc mắc của hành khách, giúp đỡ họ những việc cần thiết, cứ gần đến giờ ăn cơm anh lại xuống bếp phụ với anh em bộ phận dịch vụ nấu nướng. “Đoàn tàu giảm tối đa nhân sự. Mỗi người đều phải đảm đương nhiều việc để có thêm thu nhập. Em làm thêm việc nấu cơm cũng vất vả, nhưng mỗi chuyến đi về có đồng mua quà cho con”.

Vừa nói chuyện với tôi, anh vừa tranh thủ quét những mẩu giấy, rác vương vãi. Anh ao ước thu nhập của cán bộ đoàn tàu làm thế nào ổn định được ở mức khoảng 7 đến 8 triệu đồng/ tháng. “Mùa này có việc, tàu chạy nhiều thu nhập còn tạm được. Những lúc ít khách, thỉnh thoảng mới đi thì thu nhập chẳng được bao nhiêu. Có khi em chỉ đủ tiền đi về giữa Hà Nội, Bắc Giang”.

Trưởng tàu Vũ Thanh Minh thì cho rằng, áp lực là điều các anh phải chịu trên suốt hành trình từng chuyến tàu. Làm thế nào để tàu đi về an toàn? Làm thế nào cải thiện đời sống cho anh em? Làm thế nào hài lòng cho hành khách? “Thời buổi công nghệ thông tin, một chút sơ sảy, toa lét có hành khách thiếu ý thức dẫm chân lên, nôn mửa... là hành khách chụp ảnh đưa lên mạng. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức, nhưng những sự cố lại thường do những hành khách thiếu ý thức gây ra, điều tiếng thì đoàn tàu chịu”, anh nói, giọng đượm buồn.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Tôi không khỏi chạnh lòng khi những cán bộ, nhân viên các đoàn tàu, một thời từng là biểu tượng của một nghề nghiệp được khát khao, nay lại đang trầy trật đến thế. Tại sao họ vẫn bám nghề? “Em không biết”, Phương nói và cười. “Có người bảo nhà em chỉ vài bước là ra bãi biển Hải Tiến, nơi mấy năm nay bắt đầu sôi động. Em còn trẻ, sao không bỏ quách cái nghề nay đi. Về quê làm gì chả sống. Nhưng em không nghĩ thế. Dù nhiều chuyến đi xuyên Tết nhớ con đến phát khóc, dù lương thấp, em cũng chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề”. Còn anh Nguyễn Văn Hải, trong câu chuyện bất chợt “khoe” với tôi: “Em có bà chị ở Nam Định, chị ấy có xe tải phải thuê tài xế. Chị bảo em nghỉ việc về lái xe cho chị ấy, mỗi tháng chị trả ít nhất 10 triệu đồng. Đó là khoản tiền gấp đôi lương em. Em cũng suy nghĩ mãi, nhưng sau rốt vẫn ở lại với nghề”.

Theo anh Hải, công việc trên các đoàn tàu giờ ít sức hút với giới trẻ. Ngay cả Trường Trung cấp Đường sắt cũng khó khăn trong tuyển sinh. Các bạn học xong, đi làm một thời gian, thấy thu nhập thấp nhiều người cũng bỏ việc. Chỉ những người có truyền thống gia đình, những người đã gắn bó lâu năm vẫn trụ lại. “Không biết nghề này sẽ ra sao?”, anh tỏ ý băn khoăn. “Anh Bảo thì sao? Có lúc nào vì thu nhập thấp anh định bỏ nghề không?”, tôi hỏi. Anh Bảo trầm ngâm: “Thật ra, chính gia đình cũng khuyên tôi nghỉ đi. Tôi có hai con gái, các cháu đều học giỏi, đều tốt nghiệp đại học và đi làm ngân hàng. Các chảu bảo bố nghỉ việc đi, có thể xin làm bảo vệ công ty nào đó vừa gần nhà, công việc ổn định, lương chả kém gì, có khi còn hơn. Nhưng đã theo được đoàn tàu đến giờ, tôi không muốn nghỉ”.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”

Anh Nguyễn Văn Hải, phụ trách toa số 6, tàu SE2 - Ảnh: Hải Dương

Anh Bảo nói, những cán bộ, nhân viên đoàn tàu này với anh đã là gia đình thân thiết từ lâu. Người gắn bó nhiều thì trên dưới 20 năm, người ít cũng gần chục năm. Mọi người ở với nhau nhiều hơn với vợ, với chồng, với con. Mọi vất vả vui buồn đều chia sẻ với nhau. Sau mỗi chuyến tàu, vừa chia tay đã nhớ... “Đoàn tàu như người tình, mình yêu đoàn tàu từ lúc đang xuân sắc, giờ có già, nhăn nheo thì vẫn yêu thôi”, anh Bảo hóm hỉnh. “Em thì không biết nói văn hoa. Chỉ biết, em được làm công việc yêu thích từ thuở còn thơ thì cứ theo. Đó có lẽ là sự yêu nghề”, Trưởng tàu SE2 Lê Xuân Quyết nói.

“Tôi thì có lúc cũng “dao động”, Trưởng tàu SE9 Vũ Thanh Minh giãi bày: “Bạn bè cùng trang lứa, có bạn rất thành đạt, làm doanh nghiệp, công ty. Có bạn rủ bỏ công việc này đi làm với bạn, tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhưng truyền thống gia đình, trách nhiệm với anh em, với cả người đã khuất như bạn Phó trưởng tàu vụ tai nạn tháng 2/2017 đã giữ tôi ở lại”. Vũ Thanh Minh kể thêm, hàng trăm hàng nghìn lần cùng những con tàu đi dọc dài đất nước, mỗi lần đi anh vẫn ngạc nhiên trước những bình minh hay những hoàng hôn. “Đất nước mình thật đẹp”, anh nói và xuýt xoa với một lòng tự hào không giấu giếm. Vì thế, anh yêu những chuyến đi. Gần 30 năm làm việc anh chưa bao giờ nghỉ quá một tuần. Nếu phải nghỉ vì lý do nào đó, anh nhớ cảm giác bồng bềnh của đoàn tàu, nhớ tiếng bánh xe nghiến ken két trên đường ray; và nhớ anh em. Có khi nửa đêm, mờ sáng, bất chợt nghĩ ra việc gì lại điện hỏi anh em, hoặc đơn giản hỏi chuyến đi ra sao, có an toàn không. Nắm được những thông tin ấy, nghe được những giọng nói thân thương ấy anh mới yên lòng.

Và nhiều khi, chưa hết kỳ nghỉ, anh lại ra đi...

HẢI DƯƠNG

Ảnh: HẢI DƯƠNG, NVCC

Video: HẢI DƯƠNG - HẢI YẾN - TUYẾT HẰNG

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động