|
Trong chống dịch thì vaccine ngừa Covid-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm lung lay hệ thống y tế và nền kinh tế toàn cầu. Thời gian vừa qua dịch bệnh có dấu hiệu suy giảm nhưng lại nhanh chóng bùng phát trở lại cho thấy mức độ nguy hiểm và khả năng chấm dứt trong thời gian gần là không thể. |
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (U.S - CDC) định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity) là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng và/ hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người. |
Vaccine Nanocovax được nghiên cứu, phát triển trong nước bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Ảnh VGP
Tiêm phòng vaccine có thể là biện pháp hiệu quả và kinh tế duy nhất để kiểm soát đại dịch. Việc ngăn chặn môt đại dịch đòi hỏi phải sử dụng tới mọi công cụ có sẵn. Vaccine kết hợp với hệ miễn dịch để cơ thể của chúng ta sẵn sàng chống lại virus nếu bị phơi nhiễm. Việc kết hợp giữa tiêm vaccine Covid-19 và làm theo khuyến nghị của CDC để bảo vệ bản thân và người khác giúp mang tới sự bảo vệ tốt nhất cho chúng ta khỏi Covid-19. |
|
Tuy nhiên, hoạt động bài xích vaccine ở Việt Nam bắt đầu manh nha và hiện nay đang có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ thông qua internet. Trên một số thảo luận, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy các ý kiến khẳng định rằng họ không tiêm vaccine do không tin cậy về sự an toàn cũng như cho rằng vaccine không phù hợp với sự thay đổi của các biến chủng. ThS Mạc Văn Trọng, chuyên gia vaccine của Công ty TNHH Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thông tin, vaccine nào cũng có tác dụng phụ nhưng đó là những phản ứng cảm nhiễm liên quan đến tá dược có biểu hiện tấy đỏ, hơi đau, ngây ngấy sốt sau khi tiêm. Đấy là những phản ứng thông thường của bản chất kháng nguyên. Trong lĩnh vực công nghệ sản xuất vaccine, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang chạy đua để tốc độ ra vaccine kịp với tốc độ biến chủng của virus. Hiện tại, trên thế giới cũng mới chỉ có một số vaccine đã thương mại hóa và chứng minh được có thể chống lại các biến chủng từ Nam Phi, biến chủng ở Anh. Còn đa số các vaccine còn lại chưa chứng minh được sẽ chống lại được tất cả các biến chủng còn lại bởi vì công nghệ sản xuất vaccine đó dựa trên trình tự gen kháng nguyên đặc hiệu của SARS-CoV-2. Đó là đoạn gen chung chứ không phải đặc hiệu cho biến chủng này hay biến chủng kia. Muốn chứng minh có bảo vệ được biến chủng đó hay không phải đưa ra tiêm chủng mới chứng minh được. Cũng theo ThS Mạc Văn Trọng, dù có khó khăn ban đầu nhưng sự ra đời của các loại vaccine Covid-19 sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu ngăn ngừa đại dịch đang diễn ra mà về lâu dài nó có tác dụng tăng tính chủ động về vaccine, nhất là các vaccine đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần lắp ráp phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vaccine mới, giảm tải rất nhiều. |
Vaccine là biện pháp hiệu quả và kinh tế duy nhất để kiểm soát đại dịch Covid-19 |
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tất cả các loại vaccine này đều giúp phát triển hệ miễn dịch để phát hiện và chống lại virus gây bệnh Covid-19. Đôi khi quy trình này có thể gây ra các triệu chứng. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phát triển khả năng bảo vệ khỏi virus gây bệnh Covid-19. Tại cuộc họp diễn ra chiều 26/2, có sự tham gia của một số cơ quan báo chí, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đồng tình với Bộ Y tế khi khẳng định vaccine là giải pháp căn cơ nhất để chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, việc vaccine có phản ứng phụ là đương nhiên. Đây là điều xảy ra với bất cứ vaccine nào trên thế giới, dù là vaccine tốt nhất. Bên cạnh đó, theo ông Cường, trên không gian mạng bắt đầu xuất hiện phong trào anti-vaccine (chống sử dụng vaccine), do đó cần phải xử lý những nguồn tin xấu, tin độc này. |
Các chuyên gia của Vabiotech đang nghiên cứu và sản xuất vaccine trong phòng thí nghiệm. |
Ông Cường cho biết, theo các nhà sản xuất, qua thử nghiệm, triển khai tiêm phòng, vaccine Astra Zeneca đạt tỷ lệ sinh kháng thể 80%. Tuy nhiên, đã xuất hiện thông tin vaccine này không có hiệu quả với một số biến chủng virus. Đây không phải là thông tin chính thức. “Vaccine là giải pháp căn bản nhất để chống lại virus. Tất cả các vaccine Covid-19 được cấp phép đều được xem xét cẩn thận và đánh giá tỷ lệ sinh kháng thể hiệu quả. Các thông tin về việc vaccine không hiệu quả đều là nguồn không chính thống, chưa được kiểm chứng”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói. Hiện tại, các tổ chức y học hàng đầu thế giới đều khuyến cáo tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu và lạc quan nhất để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, từ đó virus SARS-CoV-2 sẽ không còn cơ hội để tiếp tục gây ra đại dịch. Tính đến ngày 28/2, thế giới cần 4,6 năm để tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 cho 75% dân số. Các đánh giá mới đây cho thấy, từ 70 đến 90% dân số toàn cầu cần được tiêm chủng trước khi thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi có thêm nhiều người được tiêm chủng, giới chuyên gia sẽ sớm đưa ra ý tưởng tốt hơn nhằm tăng hiệu quả của các loại vaccine trong việc làm giảm hoặc ngăn chặn khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 (Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập). |
Các chuyên gia của Vabiotech nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm.
“Đắp mộ cuộc tình” để “Gánh mẹ” bình yên!
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cấp dưới “dẹp loạn” karaoke, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cấm karaoke ...từ
|