Thuyền viên có thuộc nhóm ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19? |
Dự kiến sẽ có khoảng 117.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 chính thức nhập khẩu về Việt Nam trong cuối tháng 2 này. Và lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ thuộc nhóm người được tiêm những mũi đầu tiên. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các loại vắc xin phòng chống virus SARS-CoV-2 để người dân sớm được tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, dự kiến trong cuối tháng 2/2021 sẽ có khoảng 117.000 liều vắc xin về đến Việt Nam. Bộ Y tế đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ các đối tượng ưu tiên để được tiêm vắc xin phòng SARS-CoV-2. Đồng thời Bộ Y tế cũng trình Thủ tướng Chính phủ phương án sử dụng vắc xin từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. |
Thuyền viên tàu đánh cá. Ảnh: Minh Toàn |
Bộ Y tế đã đàm phán với Liên minh toàn cầu về vắc xin, chương trình COVAX Facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Công ty AstraZeneca của Anh cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều trong năm nay. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna... để có thêm vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước. Theo Luật Truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, những mũi tiêm phòng đầu tiên sẽ ưu tiên cho 11 nhóm đối tượng sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch bao gồm: Khoảng 500.000 nhân viên y tế, trên 100.000 nhân viên tham gia phòng, chống dịch (Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, nhân viên làm việc tại các khu cách ly...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu của các linh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước… ; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. |
Thuyền viên Việt Nam đón Tết trên tàu khi tàu hành trình quốc tế. Ảnh: TVCC
|
Đến nay, thông tin về vắc xin tiêm ngừa Covid-19 vẫn được mọi người dân mong chờ, trong đó, có các thuyền viên Việt Nam. Đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, có hơn 1.000 thuyền viên bị mắc kẹt ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù thị trường cung ứng lao động thuyền viên luôn khan hiếm lao động, thuyền viên không quá khó khăn để tìm việc làm, nhưng cuộc sống và công việc của họ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Thậm chí khi tàu cập bến Việt Nam, họ cũng không được lên bờ theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu xảy ra việc lây nhiễm Covid-19 trên tàu thì hệ quả rất tai hại. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bên cạnh 11 nhóm ưu tiên trên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt phương án khi nguồn cung vắc xin tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vắc xin một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Để có thêm nguồn vắc xin phục vụ phòng, chống dịch, Bộ Y tế cũng khuyến khích các đơn vị trong nước chủ động đàm phán, nếu có nguồn vắc xin có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để nhập khẩu. |
|