Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân (GCCN) và NLĐ dưới sự lãnh đạo của Ðảng, vì vậy Công đoàn Việt Nam có nhiều đặc điểm khác biệt với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Trong thời kỳ mới, vị thế của Công đoàn Việt Nam được tiếp tục nâng cao; ngày càng phát triển, mở rộng và không thể thiếu trong quan hệ lao động; bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, ổn định, tiến bộ. Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, diễn ra từ ngày 24 đến 26/9/2018. Ảnh: Minh Châu. |
Kết quả điều tra, khảo sát đoàn viên của Đề tài: “Niềm tự hào của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” cho thấy, 30,7% cho rằng tổ chức Công đoàn có vị thế cao, 65,6% cho rằng Công đoàn có vị thế và 3,7% cho rằng Công đoàn, vị thế thấp so với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Tổ chức Công đoàn đã được tỷ lệ lớn đoàn viên công đoàn đánh giá có vị thế cao so với các tổ chức chính trị - xã hội khác là niềm tự hào của Công đoàn Việt Nam; chứng tỏ tổ chức Công đoàn được đoàn viên tin tưởng. Hoạt động của tổ chức Công đoàn, nhất là chăm lo cho NLĐ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời khẳng định Công đoàn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của đoàn viên, NLĐ. Là chỗ dựa vững chắc, tin cậy không chỉ vì Công đoàn đi đầu trong việc đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong tình hình mới, mà còn là tổ chức thu hút, tập hợp, giáo dục đoàn viên, NLĐ phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của dân tộc. Điều này, được minh chứng ở kết quả khảo sát, năm 2015 là 83,3%, năm 2021 là 90,7% đoàn viên công đoàn cho rằng tổ chức Công đoàn là chỗ dựa đáng tin cậy, sẵn sàng đứng ra bảo vệ, bệnh vực lợi ích chính đáng cho NLĐ hiệu quả nhất. Sự đánh giá khách quan của đoàn viên về tổ chức Công đoàn thể hiện sự tin tưởng, chỗ dựa đáng tin cậy đó. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 35,6% tin tưởng cao, 59,7% là tin tưởng và 4,8% tin tưởng thấp tổ chức Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ. Cho thấy, phần lớn đoàn viên, NLĐ phấn khởi, phần nào yên tâm, tin tưởng vào tổ chức Công đoàn đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ. |
Bệnh cạnh đó, vẫn còn một số đoàn viên chưa tin tưởng tổ chức Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên. Nguyên nhân vì Công đoàn có thời điểm, lĩnh vực, việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật chưa sâu; việc hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn, dịch bệnh chưa kịp thời; công tác đối thoại còn hình thức, chất lượng TƯLĐTT doanh nghiệp chuyển biến chưa được như kỳ vọng; số lượng, chất lượng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý chưa đáp ứng với mong muốn, nhu cầu của đoàn viên, NLĐ; hoạt động hỗ trợ, đại diện NLĐ tham gia tố tụng lao động tại Tòa án vừa hạn chế về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng. |
Để củng cố niềm tự hào của đoàn viên với tổ chức Công đoàn, qua đó tạo cơ sở vững chắc để tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát triển, khẳng định mình trong tình hình mới, cần: Thứ nhất, tiếp tục xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và NLĐ. Coi đây là nội dung then chốt để thu hút đông đảo NLĐ tham gia, ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Công đoàn. Thứ hai, Công đoàn cần tập trung nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là phương thức bảo vệ đoàn viên từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thương lượng và đối thoại, hướng tới thực chất và hiệu quả. Phát triển đồng thời các loại hình thỏa ước: thỏa ước doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, ngành. Hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng thỏa ước và sử dụng có hiệu quả thư viện thỏa ước lao động tập thể. Thứ ba, tổ chức Công đoàn chủ động tiếp tục chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài, diễn biến khó lường, tác động sâu sắc đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập, việc làm của đoàn viên, NLĐ.
|