Khó khăn dồn dập đến với gia đình Ytha Sari (dân tộc Chăm, quê ở Châu Đốc, tỉnh An Giang) khi dịch bệnh bùng phát ở tỉnh Long An. Nhất là nửa tháng qua, chồng cô được gọi vào nhà máy làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Mấy mẹ con ở trong khu vực phong tỏa thiếu thốn đủ đường. Lúc con khát sữa, khóc vật vã vì thèm, Ytha Sari phải pha nước đường để con bú bình cho căng bụng. “Em thất nghiệp 3 tháng nay rồi. Chồng em cũng phải nghỉ ở nhà 2 tháng do dịch bệnh. Nửa tháng trước các chú ở công ty mới kêu chồng em đi chích vắc xin rồi vô nhà máy làm “3 tại chỗ” để chạy sản lượng. Chỉ còn 3 mẹ con ở nhà trọ. Tiền hết, nợ nần nhiều quá!” – cô công nhân 29 tuổi nói như khóc với chúng tôi. Hai vợ chồng Ytha Sari kết hôn đã gần 8 năm. Cả hai bên gia đình đều nghèo khó. Mẹ cô mất khi Ytha Sari mới 12 tuổi. Khi bố “đi bước nữa”, hai chị em sống với nhau. Ngày lấy chồng, cô mới 18 tuổi. Chăm sóc bà nội chồng đến khi bà qua đời, Ytha Sari mới lên Long An ở trọ cùng chồng và xin việc làm. |
cầm cố cả giấy tờ xe để lấy tiền sinh hoạt Ytha Sari không nhớ chồng của mình năm nay nhiêu tuổi. Cô chỉ nhớ chồng khoảng 32, 33 tuổi. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, cuộc sống của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải nơi đất khách quê người. Hằng tháng, vợ chồng cô vẫn gửi 2 triệu đồng về nhờ ông bà chăm sóc đứa lớn. Còn đứa nhỏ theo bố mẹ ở trọ trên này. 3 tháng trước, khi các trường học kết thúc năm, các con của Ytha Sari được nghỉ học, cô phải xin nghỉ làm ở công ty tư nhân để trông tụi nhỏ. Không may, một tháng sau công ty của chồng ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chồng cô không thể đi làm. Tiền tích lũy không có. Vợ chồng cô quyết định đưa nốt đứa con lớn lên sống cùng nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Khó khăn nhất là trong những ngày xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) – nơi gia đình cô thuê trọ phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. |
Đám cưới của vợ chồng Ytha Sari |
“Nhiều ngày tiền gần hết, em mua đồ ăn chỉ có trứng và rau. Thằng nhỏ chủ yếu uống sữa. Hồi trước em đi làm có lương nên cũng hay thay đổi các loại sữa cho con. Sau này, em nghỉ làm nên chỉ có tiền cho thằng nhỏ uống ít sữa tươi. Lúc hết tiền thì dừng hẳn. Nó khát sữa và khóc dữ lắm. Có những ngày thương con quá, em đành pha nước đường cho nó uống. Có chút gạo em để dành nấu cháo buổi sáng, nấu cơm buổi trưa. Ba mẹ con chủ yếu là ăn mì gói. Mì gói vừa là thức ăn, vừa là đồ chơi của đứa nhỏ. Chơi chán rồi lại được mẹ nấu cho ăn. Hết ăn mì nấu rau thì lại mì xào rau, xào trứng. Tội nghiệp! Thằng lớn ngán mì quá, nói với mẹ: Con sợ mì như sợ ma. Giờ có gạo rồi, em mừng quá” – Ytha Sari nói. |
Nơi gia đình Ytha Sari thuê trọ |
Khu nhà trọ mà Ytha Sari thuê toàn bộ là người ở các tỉnh khác nhau. Dịch bệnh xảy ra, ai cũng khó khăn nên không ai giúp được ai. Nhiều lúc tủi thân, Ytha Sari khóc một mình. Hai đứa con nhỏ chưa hiểu chuyện gì khiến mẹ phải khóc. Chồng vào nhà máy càng khiến Ytha Sari tủi phận vì không có ai san sẻ. Nhưng khóc rồi vẫn phải chấp nhận số phận. Ytha Sari tự an ủi thân phận mình còn may mắn hơn nhiều người không có việc làm, bị mắc bệnh và chưa nhận được những món quà như của cô. Lúc bí bách quá, trong phòng trọ còn gì có giá trị, vợ chồng cô đều cầm cố, bán lấy tiền lo sinh hoạt. Ytha Sari phải bán cả đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng 18k được 4,1 triệu đồng. Cầm cố giấy tờ xe máy được thêm 1,5 triệu đồng. Tiền thuê trọ, điện nước mỗi tháng 1,1 triệu đồng. Đến giờ, cô vẫn còn nợ 2 tháng tiền nhà trọ chưa trả. Tiền hàng hóa là hơn 1,6 triệu đồng. Tiền rau, cá hơn 800.000 đồng. |
nhận quà mừng rơi nước mắt May sao, lúc khó khăn túng quẫn, có người gửi cho cô địa chỉ fanpae Công đoàn tỉnh Long An. Cô nói: “Trong lúc vào facebook xem thông tin thì có biết Công đoàn sẽ hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Em nhắn tin cho fanpage thì được chị Cúc (chị Lê Thị Thu Cúc - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An) kết bạn zalo và hỏi han tình hình. Chị kêu em gửi địa chỉ. 3 giờ chiều hôm đó, các chị có đến tận khu nhà trọ gửi em quà hỗ trợ. Em đứng trong hàng rào nhận quà gồm 2 lon sữa, 1 thùng mì, 10 kg gạo, 1 chai nước tương, 1 chai nước mắm mà em muốn khóc luôn. Thằng nhỏ nhà em thèm sữa quá, uống liền tù tì 4 bình sữa hơn 200ml/bình. Các con em nhiều ngày rồi mới được ăn cơm no nê thế” – cô kể. |
Đứa con nhỏ của Ytha Sari |
Nói về trường hợp của mẹ con Ytha Sari, chị Lê Thị Thu Cúc – Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An chia sẻ với chúng tôi: “Ba mẹ con ở trọ tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách trụ sở LĐLĐ tỉnh 81 ki- lô - mét. Em công nhân này từng làm việc ở Công ty TNHH Công nghiệp Kingtec Việt Nam – một doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn. Khi người lao động khó khăn, mong muốn có sự hỗ trợ, với tình cảm của tổ chức Công đoàn, chúng tôi đã kêu gọi được các nhà hảo tâm giúp đỡ cho trường hợp này. Đây là hoàn cảnh thực sự đáng thương, nhất là với các cháu bé còn đang trong độ tuổi cần được chăm sóc”. Chị Lê Thị Thu Cúc còn cho biết, hằng ngày, các tổ công tác của LĐLĐ tỉnh Long An đều đến từng xã có công nhân, lao động khó khăn để trao quà hỗ trợ. Có rất nhiều trường hợp gia đình công nhân nhiều người là F0 hoặc có trường hợp qua đời để lại con nhỏ bơ vơ. Mỗi cán bộ công đoàn không khỏi xúc động và chủ động sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn đó bằng nhiều hình thức. |
Chị Lê Thị Thu Cúc - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An gửi quà cho mẹ con Ytha Sari |
------
|
Bài viết: Duy Minh |