e magazine
30/09/2020 07:10
"Sửa đổi luật công đoàn để làm tổ chức Công đoàn mạnh lên"

30/09/2020 07:10

Dự kiến tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Tạp chí LĐ&CĐ có cuộc phỏng vấn TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về chủ đề: “Sửa đổi Luật Công đoàn nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
"Sửa đổi luật công đoàn  để làm tổ chức công đoàn mạnh lên"

Dự kiến tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu vào Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi. Tạp chí LĐ&CĐ có cuộc phỏng vấn TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về chủ đề: “Sửa đổi Luật Công đoàn nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

***

PV: Ông có thể cho biết những ưu điểm và mặt tồn tại của Luật Công đoàn năm 2012?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Luật Công đoàn năm 2012 được sửa đổi cùng quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động nên cơ bản đáp ứng tinh thần trong Hiến pháp về quyền của người lao động (NLĐ) và đồng bộ với Bộ luật Lao động năm 2012.

Tuy nhiên, Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động ra đời trước Hiến pháp năm 2013. Một số nội dung về các quyền cơ bản của con người, quyền và nghĩa vụ lao động của công dân được quy định cụ thể hơn trong Hiến pháp. Do đó, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012 còn một số quy định cần sửa đổi đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp.

Một là, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các hiệp định về thương mại bảo hộ mậu dịch tự do và quá trình hội nhập đòi hỏi Luật Công đoàn cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hai là, trong quá trình tổ chức thực hiện, phát triển, công đoàn còn có hạn chế nhất định. Vì sao nhiều cơ sở, trong đó có doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế mà có NLĐ không tham gia công đoàn? Ở một số nơi, NLĐ vẫn bị chèn ép. Hay nói cách khác, NLĐ vẫn còn có những vấn đề mà các công đoàn cơ sở không thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Rõ ràng có vướng mắc về quy chế, thủ tục cần sửa đổi để phát huy vai trò của công đoàn, nhất là quy định nhằm giúp công đoàn tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Ba là, về mặt tổ chức, các cấp công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ cấp Trung ương tới địa phương. Nhưng trong cơ chế tổ chức chính trị, bộ máy của công đoàn cấp địa phương lại do cấp ủy, chính quyền quyết định về mặt biên chế nên tác động đến mặt tổ chức của công đoàn. Và hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang báo cáo Bộ Chính trị về phương án tổ chức bộ máy của công đoàn phù hợp với tình hình mới.

Xuất phát từ những yêu cầu và thực tiễn đó, Luật Công đoàn cần được sửa đổi nhằm đáp ứng mong mỏi của Đảng, Nhà nước đối với tổ chức Công đoàn.

"Sửa đổi luật công đoàn  để làm tổ chức công đoàn mạnh lên"

PV: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cùng khả năng ra đời của tổ chức đại diện khác của NLĐ; làm thế nào để tổ chức Công đoàn Việt Nam khẳng định được vai trò đại diện, bảo vệ NLĐ trong lần sửa đổi Luật lần này, thưa ông?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Bộ luật Lao động năm 2019 đã điều chỉnh một phần về mặt tổ chức của công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ. Khi ký kết các hiệp định thương mại tự do và nhất là Hiệp định CPTPP, yêu cầu quan trọng là Bộ luật Lao động phải cho phép hình thành các tổ chức đại diện của NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn.

Nếu như công đoàn không mạnh hơn, không hấp dẫn hơn thì sẽ có một bộ phận NLĐ lựa chọn tổ chức đại diện khác của NLĐ. Điều đó có thể sẽ làm giảm lực lượng của tổ chức Công đoàn. Chính vì vậy, Bộ luật Lao động cho phép thành lập tổ chức này nhưng có nguyên tắc.

Đó là: Tổ chức này hoạt động phải có bộ máy, có nguyện vọng để thành lập và có thể độc lập hoạt động. Phương châm hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong quan hệ lao động và phải do cơ quan nhà nước quyết định thành lập. Cùng với đó, quy định yêu cầu các tổ chức đại diện NLĐ, các nhóm NLĐ hình thành tổ chức của mình cũng có điều kiện chặt chẽ.

Một vấn đề nữa là tổ chức đại diện khác của NLĐ chỉ có một mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Còn Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trên diện rộng. Trong khi, tổ chức đại diện NLĐ chỉ hoạt động trong lĩnh vực hẹp, chỉ thành lập ở cơ sở doanh nghiệp mà không có hệ thống như Công đoàn Việt Nam.

Việc hình thành tổ chức đại diện NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn là thách thức với Công đoàn Việt Nam nhưng cũng tạo sự cạnh tranh để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động nhằm thu hút NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn.

Công đoàn đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ thông qua thương lượng tập thể, tiền lương tối thiểu và tổ chức nhiều hoạt động lớn khẳng định uy tín của tổ chức như chương trình Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, nhà ở xã hội cho công nhân, hỗ trợ công nhân nghèo…

Công đoàn vẫn luôn có vai trò hết sức quan trọng, là cánh tay đắc lực của Đảng trong suốt 91 năm qua. Mục tiêu của sửa đổi Luật Công đoàn là làm sao để công đoàn phải mạnh lên, phát huy được vai trò, trách nhiệm bảo vệ cả hệ thống công đoàn. Việc sửa luật phải dựa trên quan điểm công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội được quy định trong Hiến pháp và Luật Công đoàn năm 2012. Chức năng nhiệm vụ của công đoàn là bao trùm, là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

"Sửa đổi luật công đoàn  để làm tổ chức công đoàn mạnh lên"
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
"Sửa đổi luật công đoàn  để làm tổ chức công đoàn mạnh lên"Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

PV: Luật Công đoàn sửa đổi cần lưu ý những vấn đề gì để đồng bộ hóa pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho công đoàn hoạt động tốt nhất?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Lần này đưa ra vấn đề có tính chất quyết định là Luật Công đoàn phải đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động. Bộ luật Lao động đã đi trước một bước cho phép thành lập tổ chức đại diện NLĐ. Tất cả các quan hệ của công đoàn với doanh nghiệp, cơ sở được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động.

Thứ nhất, làm sao để tổ chức Công đoàn trở thành hệ thống chính trị - xã hội thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Công đoàn mong muốn biên chế, tổ chức, bộ máy của công đoàn từ Trung ương tới địa phương do công đoàn Trung ương quyết định trên nguyên tắc phải tinh giản biên chế, hợp lý hóa bộ máy và không được tăng biên chế. Quỹ trả lương cho Công đoàn Việt Nam từ nguồn kinh phí 2% không nằm trong ngân sách. Ngân sách chỉ hỗ trợ khi Nhà nước giao cho công đoàn nhiệm vụ cần thiết. Lâu nay chúng ta hoạt động theo cách đó rồi.

Thứ hai, khi tổ chức đại diện NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn ở cấp cơ sở hình thành thì 2% kinh phí được sử dụng để phục vụ các hoạt động công đoàn sẽ có sự phân bổ hợp lý giữa công đoàn cơ sở và tổ chức đại diện NLĐ. Vì lệ phí công đoàn do NLĐ và người sử dụng lao động đóng góp thì nó phải được dùng để phát triển quan hệ lao động và phát triển hệ thống công đoàn tại các doanh nghiệp. Từ đó, đảm bảo sự bình đẳng giữa tổ chức Công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Điều quan trọng là làm sao trong Luật Công đoàn sửa đổi phải quy định để đảm bảo tổ chức Công đoàn phải làm quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ vì hai bên đều có mục tiêu chung tại doanh nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Sửa đổi luật công đoàn  để làm tổ chức công đoàn mạnh lên"

Bài: Thu Chinh

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động