Theo bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rất nhiều hành vi cụ thể biểu hiện về quấy rối tình dục đối với lao động nữ do Tổng Liên đoàn tổng hợp, đề xuất đã được ghi nhận trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2019.
3 nhóm hành vi quấy rối tình dục được luật hóa
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được giải thích tại Khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Dự thảo Nghị định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới đã cụ thể hóa quấy rối tình dục tại nơi làm việc (đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất) gồm: Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục; ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục; đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương thưởng. Trong đó phần nhiều nội dung quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nơi làm việc an toàn
Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động gồm cả những địa điểm hay những việc có liên quan đến công việc như: Các hoạt động xã hội liên quan đến công việc; hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn liên quan đến công việc; hội thoại trên điện thoại liên quan đến công việc; các hoạt động giao tiếp liên quan đến công việc qua phương tiện điện tử.
Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, Văn phòng luật sư Hạnh Nguyễn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ: “Pháp luật hiện hành đã có nhiều quy định đảm bảo an toàn cho công nhân lao động nói chung và nữ công nhân nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi không tránh khỏi những vướng mắc. Bất cập ở chỗ là xử lý những hành vi phạm tội đó không dễ. Bởi ngoài những hành vi lời nói, động chạm thì nhiều chị em chỉ hiểu khi động vào vùng nhạy cảm mới là quấy rối tình dục. Những hành vi nhỏ và không có người thứ ba chứng kiến, phụ nữ thường xấu hổ, nói ra sợ bị kì thị đánh giá. Hay khi chính người thực hiện hành vi quấy rối tình dục là cấp trên của mình.
Đối tượng quấy rối tình dục có thể bị sa thải
Theo báo của Cục Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2019, tại 335 khu công nghiệp đã thu hút 3,7 triệu lao động làm việc. Trong đó 60% lao động là nữ. Trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử, tỷ lệ lao động nữ lên đến 70 - 80%. Tại các khu công nghiệp, nhiều nữ công nhân tuổi đời còn rất trẻ (dưới 20), chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống. Vấn đề quấy rối tình dục đối với lao động nữ được hết sức quan tâm.
Bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Kết quả khảo sát đề tài dự án năm 2016 trên 1.500 nữ công nhân lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước thời điểm Bộ luật Lao động 2019 được xây dựng và ban hành, có tới 20,2% phiếu khảo sát cho thấy đã từng bị quấy rối tình dục. Thời điểm đó Bộ luật Lao động năm 2012 chưa có chế định cụ thể xử lý hành vi này và cũng chưa nêu rõ hành vi. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng khái niệm, tình huống và cách giải quyết giúp nữ công nhân lao động nhận diện hành vi quấy rối, xử lý quấy rối. Từ đó. Tổng Liên đoàn đã tham gia với Chính phủ ban hành quy định riêng về lao động nữ, nêu rõ nhiều nội dung về chống quấy rối tình dục".
Công nhân lao động trao đổi về rắc rối tại nơi làm việc |
Nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực đến vật chất và tinh thần của lao động nữ khi bị quấy rối. Nữ công nhân đang ngày càng quan tâm đến vấn đề này. Ngày càng nhiều người hiểu ra rằng những câu chuyện “đùa” có tính chất tình dục (ví dụ ám chỉ hay nhắc đến các bộ phận sinh dục/tình dục trên cơ thể) làm mình khó chịu thì không còn ở mức đùa vui nữa, hay có những người thấy được bản chất quyền lực không cân bằng giữa người bị bạo lực - vốn thường là nhân viên cấp dưới - và người gây ra bạo lực - vốn thường là người quản lý. Không chỉ thế, nhiều anh chị em còn chỉ ra rằng đi làm về đến nhà vẫn còn bị đồng nghiệp gửi tin nhắn quấy rối, gạ gẫm,.. thì đó cũng là một hình thức quấy rối.
Do đó, việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không phải là trách nhiệm của mỗi cá nhân người lao động đơn lẻ. Không ai có thể tự bảo vệ mình một cách tuyệt đối nếu môi trường làm việc của họ không có những cơ chế chính thức để phòng chống quấy rối tình dục.
Do đó, sau khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực và Nghị định quy định về chính sách lao động nữ của Chính phủ được ban hành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ ban hành hướng dẫn các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở đưa các nội dung chống quấy rối tình dục vào thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động và xây dựng biện pháp chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đồng thời ban hành sổ tay hướng dẫn về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể quy định thành một văn bản riêng và là phụ lục đính kèm của nội quy lao động. Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với đặc điểm của người sử dụng lao động; việc bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm thẩm quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan; hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật.
Theo luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh, khi gặp tình huống quấy rối tình dục khó giải quyết, nữ công nhân lao động có thể tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý. Trong phạm vi giải quyết của đơn vị, nữ công nhân nên báo với người phụ trách trực tiếp quản lý của mình. Trong trường hợp người có hành vi không đúng mực là quản lý thì báo với công đoàn. Còn nếu gặp vướng mắc lớn hơn như bị quấy rối đến mức hiếp dâm thì nhờ Ủy ban nhân dân, Liên đoàn Lao động nơi doanh nghiệp đóng trụ sở can thiệp. Hoặc trong trường hợp cảm thấy bất an chưa biết nói chuyện với ai thì nên gặp người hành nghề tư vấn pháp luật để được hướng dẫn.
Theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động.
Nếu không may mình là người bị quấy rối thì cần thể hiện thái độ rõ rệt với người quấy rối mình, tìm cách chia sẻ với những người khác và báo cáo lên bộ phận quản lý. Bởi lẽ, việc phòng, chống hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhằm mục đích phát triển quan hệ lao động hài hòa, tạo môi trường làm việc lành mạnh, an toàn, năng suất và chất lượng cao.
Bài: Duy Minh
Ảnh: Duy Minh
Đồ họa: Duy Minh