Nghề làm xôi Phú Thượng đã đi vào câu ca của người xưa: “Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi”. Người dân Phú Thượng (Hà Nội) đã giữ gìn và phát triển nghề làm xôi truyền thống, định vị thương hiệu. Ngày 17/2 vừa qua, “Nghề làm xôi Phú Thượng” được ghi nhận trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến Phú Thượng vào một ngày đầu tháng 3, đâu đâu tôi cũng nhìn thấy nụ cười thân thiện của người dân. Có lẽ dư âm của niềm vinh dự to lớn ấy vẫn đang hiện hữu. |
Chị Nguyễn Thị Sinh (nhà số 3, ngách 343/10, ngõ 343 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) đã có thâm niêm gần 20 năm làm nghề nấu xôi bán (mà chị gọi là đi chợ xôi). Chị nhớ lại, hồi mới về làm dâu làng Phú Thượng đã thấy mẹ chồng nấu xôi gánh vào phố bán. Hồi đó, bà chỉ nấu mấy loại xôi phổ biến như xôi đỗ xanh, đỗ đen, xôi lạc…, khi vào mùa gấc thì nấu thêm xôi gấc, chứ chưa có xôi ngô, xôi xéo, xôi nếp cẩm, xôi chè… như bây giờ. Mỗi ngày nấu 3-5kg gạo nếp, mẹ chồng chị tranh thủ đi bán rồi trở về làm các công việc đồng áng, hay làm đào, trồng hoa... “Cuối những năm 80 thế kỉ trước, đa phần người lao động ăn sáng bằng cơm nguội, chỉ có những người khá giả mới dám mua xôi làm quà sáng, 200 đồng con là được một gói xôi vừng nóng hổi, thơm nức, ai sang thì mua 500 đồng con là có gói xôi đầy đặn ăn no bụng cả ngày rồi!”, chị Sinh nhớ lại. Nhờ thu nhập từ chõ xôi của mẹ chồng, suốt bao nhiêu năm gia đình chị không phải lo tiền thức ăn, thức uống và những chi tiêu lặt vặt khác. Sinh cháu thứ hai được 2 năm, một ngày mẹ chồng gọi chị Sinh lại bảo “để mẹ trông cháu, con đi bán xôi thay mẹ!”. Vậy là chị nối nghiệp của mẹ chồng từ đó. Nhờ khéo tay và tinh ý nên chị tiếp quản được ngay, không những giữ mối khách quen mà còn phát triển thêm nhiều khách nữa. Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nghề xôi mới trở nên thịnh hành. Nhờ đời sống khấm khá hơn, ai cũng ăn quà sáng, mà xôi là món ngon dân dã, hợp túi tiền, là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Trong vô vàn thức quà sáng, xôi Phú Thượng luôn chiếm cảm tình của nhiều người bởi hương vị thơm, dẻo, màu sắc hấp dẫn đặc biệt. Đó là lúc làng nghề xôi Phú Thượng như được tiếp thêm sinh khí mới. Theo thống kê, có đến 600 hộ dân của phường giữ nghề xôi. Hằng ngày, khoảng 3 giờ sáng là các nhà sáng đèn, đỏ lửa đồ xôi, để hơn 4 giờ sáng lại tỏa đi khắp ngõ ngách phố phường Hà Nội kịp phục vụ thực khách. |
Chị Nguyễn Thị Sinh (ngoài cùng, bên trái) bên tác phẩm dự thi trong Lễ hội truyền thống đình Phú Gia, xuân Giáp Thìn 2024. Nhờ tác phẩm này chị được vinh danh là "thợ nấu xôi giỏi". Ảnh: NVCC |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan – Quyền Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng nói rằng nghề nấu xôi nơi đây có từ bao giờ chưa ai biết, nhưng năm nay ở tuổi thất thập, bà đã là đời thứ 3 và đang tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Ở làng Phú Thượng trước đây (nay là phường Phú Thượng) có 3 làng cổ: làng Thượng Thùy còn gọi là làng “Bạt”, làng Gia Phú là làng “Gạ”, làng Phú Xá là làng “Xù”, trong đó có làng Gạ nổi tiếng hơn cả với nghề nấu xôi. Từ năm 2017, nhân dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận tổ chức Lễ hội xôi tại đình Phú Gia trong dịp hội làng, ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên, đồng thời là dịp để những người dân Phú Thượng lập nghiệp nơi xa trở về, cùng tôn vinh nghề truyền thống. Trong lễ hội, người dân Phú Thượng mở Hội thi nấu xôi và chia sẻ, trình diễn nhiều món xôi ngon để du khách mọi miền Tổ quốc thưởng thức, trải nghiệm. Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội. Mùng 8 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 17/2/2024), Lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng lần thứ VII được tổ chức. Năm nay, nhân dân Phú Thượng vinh dự tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh "Nghề làm xôi Phú Thượng" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - Bùi Thị Lan Phương, đây là dịp để tôn vinh di sản, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền phường Phú Thượng, các ngành liên quan của quận và nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống xôi Phú Thượng; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân. |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan bên mâm xôi trưng bày trong Lễ hội truyền thống đình Phú Gia, Xuân Giáp Thìn 2024. |
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền năm nay đã ngót nghét 60 tuổi, thành viên Ban Chấp hành Hội làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng chia sẻ, mỗi ngày gia đình bà nấu khoảng 10-15kg gạo nếp. Số lượng không lớn so với những gia đình có nhân lực trẻ, nấu mỗi ngày 30-50kg gạo nếp, phải dùng ô tô chở xôi đi bán. “Thu nhập từ nghề xôi cũng đủ trang trải cuộc sống. Cứ 15 kg gạo nếp nấu thành xôi, trừ chi phí nguyên liệu có thể kiếm được khoảng 300 đến 500 ngàn đồng, tùy thuộc người bán. Nếu ngày Rằm, mùng Một thì các hộ sẽ nấu nhiều hơn, lãi tăng thêm gấp rưỡi, gấp đôi. Nói chung hơn bù kém, mỗi tháng thu nhập cũng được trên 10 triệu đồng”, bà Huyền cho hay. Nghe qua thì tưởng đơn giản nhưng để chinh phục thực khách, để xôi Phú Thượng luôn thơm dẻo đặc biệt, màu sắc bắt là bao vất vả, công phu của người làm nghề. |
“Trước tiên, nguyên liệu phải được chọn kỹ lưỡng từ gạo nếp, gấc, đỗ xanh, lạc… Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều từ vùng Hải Dương, Hải Hậu (Nam Định), Bắc Ninh, Thái Bình; gấc chọn những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa, gấc vùng Nam Định, Hà Nam là ngon hơn cả; còn đối với lạc, cần lựa chọn những hạt lạc có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngon hơn...”, chị Nguyễn Thị Sinh bật mí. Gạo được ngâm khoảng 8-10 tiếng trước khi vo. Tùy thuộc vào các loại xôi mà người thợ sẽ chọn nguyên liệu trộn lẫn vào gạo trước khi đưa đi đồ. Trước khi trộn lẫn vào gạo thì các nguyên liệu này cũng được ngâm, luộc, hấp tùy theo bí quyết riêng từng người để đỗ xanh, ngô hay lạc được mềm, nở tơi. Ngày Rằm, mùng Một thì các hộ đồ thêm xôi ngũ sắc, với màu sắc được tạo nên từ các rau củ tự nhiên. Ví như màu tím được tạo nên từ lá cẩm, màu xanh được tạo nên từ lá nếp, màu đỏ từ gấc, màu vàng từ bột nghệ tươi… Sau khi ngâm xong, từng lớp gạo được cuộn trong các tấm vải màn rồi đặt ngay ngắn lên nhau trong nồi hấp, khi bật bếp lên rồi là phải nhanh tay cho các lớp gạo vào nồi, khi nào hơi bốc lên thì mới đậy vung lại. Người thợ xôi phải căn thời gian cho chuẩn xác, nếu quá đi độ 5 phút là xôi bị nát, mất ngon. Muốn xôi ngon dẻo, để lâu không bị cứng, một bí quyết của các thợ xôi là tuân thủ nguyên tắc “2 lửa”, tức là đồ xôi 2 lần. Lần 1, đồ trong khoảng 30 phút, xong xuôi phải nhanh tay lấy ra, tải đều mỗi loại xôi một rổ, rồi nhanh tay đảo xôi đều để xôi dẻo hơn, ngon hơn. Thông thường, khoảng 3-4 giờ chiều là các thợ xôi nổi lửa đồ lần 1. Sau khi xôi nguội sẽ được lưu trữ trong tủ lạnh để đến 3 giờ sáng hôm sau sẽ đồ lần 2, rồi đưa vào thúng, mỗi loại xôi để riêng trong từng lớp buồm cói, xếp lần lượt chồng lên nhau. Buồm này có tính chất giữ nhiệt, thoát được hơi mà lại giữ độ mềm cho xôi… Xôi xéo là một sáng tạo mới của thế hệ thợ xôi sau này. Trong đó, nắm xôi dẻo thơm, vàng óng có thêm hành phi, ruốc thịt, đỗ xanh bào và dầu rưới lên trên. Chị Sinh kể, giờ cũng có nhà cung cấp sẵn hành phi, ruốc thịt với giá rẻ hơn, nhưng chị vẫn tự mình làm để có được thành phẩm như ý. Ruốc chị để bán kèm xôi, nhưng nhiều người ăn thấy ngon đã đặt riêng để sử dụng như món ăn dự trữ, lại để được lâu dài. |
Nhưng từng ấy bí quyết là chưa đủ để tạo nên hương vị đặc trưng của xôi Phú Thượng. Các nghệ nhân bật mí rằng, xã Phú Thượng được Mẹ thiên nhiên ưu ái có nguồn nước sông Hồng, chính là nguồn nguyên liệu tự nhiên hiếm có cho nhân dân tạo nên được xôi dẻo, xôi ngon. Ở Phú Thượng, mỗi nhà có một cái giếng khoan, nấu xôi là nhất định sử dụng nguồn nước tự nhiên này thì xôi mới đạt hương vị đặc trưng nhất. “Nguồn nước đã được các cơ quan chức năng về thí nghiệm, kết luận chất lượng không thua kém nước máy. Nhưng nếu nấu xôi bằng nước máy thì xôi chất lượng kém xa như khi nấu bằng nguồn nước tự nhiên”, bà Loan khẳng định. Minh chứng thêm cho nhận định của bà Loan, chị Sinh cho biết, đã có lần chị mang gạo, đỗ về quê ngoại ở Hưng Yên để nấu xôi nhân ngày giỗ bố nhưng xôi kém ngon, dù vẫn công thức như thế, và do một tay chị thực hiện. Người dân Phú Thượng hiện đã áp dụng công nghệ vào việc nấu xôi. Thay vì đồ xôi trong các chõ đất, đun bằng bếp tro, bếp củi như các cụ trước đây thì nay xôi được đồ bằng nồi điện. Gạo sau khi ngâm, trộn với các nguyên liệu xong được đặt trong các miếng vải xô, xếp lần lượt từng lớp trong nồi, xong xuôi, người thợ chỉ cần bật bếp, đợi hơi bốc lên mới đậy vung lại, căn giờ lấy xôi ra. “Xôi đồ bằng nồi điện ngon hơn hẳn ngày xưa, bởi nồi này đều hơi và hơi ổn định”, bà Huyền khẳng định. Nói chuyện ngày xưa, bà Huyền nhớ lại kỷ niệm hồi nhỏ được mẹ giao nhiệm vụ trát chõ. Tức là, để đồ xôi, các cụ đặt 2 cái chõ lồng vào nhau, phải lấy tro trộn với nước trát kín vào các khe hở giữa 2 cái chõ, làm sao để khi nấu hơi không bị phì ra. Mùa hè không sao chứ mùa đông mẹ cứ hỏi “trát chõ chưa” là cô sợ lắm! Bây giờ, việc nấu xôi nhàn hạ hơn bao nhiêu, vệ sinh cũng được đảm bảo hơn, chất lượng xôi ngon hơn. Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Sinh chưa từng nghỉ bán vì ốm. Chị nói: “Ốm tôi cũng đi chợ chứ không muốn nghỉ. Hôm nào thấy người không khỏe tôi sẽ nấu ít đi, về nghỉ sớm. Mưa gió tôi vẫn đi, chỉ trừ có bão hay nhà có việc hiếu, hỉ, giỗ chạp thì mới nghỉ. Đi chợ quen rồi, thu nhập là một chuyện, mặt khác còn gặp gỡ các chị em trò chuyện, giao lưu cũng vui lắm!”. Tuy vậy, chị Sinh kể, thời gian đầu mới đi chợ xôi, vì không quen dậy sớm nên cứ nghe tiếng chuông đồng hồ báo thức lúc 3 giờ sáng là chị “sợ mất mật”. Thế rồi có những hôm mưa to, đang đi thì bất chợt sấm đánh “ùm” trên đầu, giật thót mình. Những khi đó chị từng nghĩ “vất vả như này chả thiết tha gì tiền nữa”. Sau vài phút nản lòng, chị lại tự trấn an bản thân không được bỏ cuộc, vì cuộc sống mưu sinh và cũng vì đã trót “phải lòng” nghề xôi mất rồi! Vậy mà thấm thoắt đã gần 20 năm chị theo nghề. “Chị sẽ bán xôi đến khi nào yếu không thể đi được nữa!”, chị bộc bạch. |
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền bên những mẻ gạo ngũ sắc đã ngâm đủ 10 tiếng trước khi đưa đi đồ thành xôi. |
May mắn hơn chị Sinh, bà Huyền có chồng phụ giúp. Ông phụ trách việc bê gạo đã ngâm đặt vào nồi hấp, trông coi nồi, rồi khi đồ xong là ông lại bê từng lớp xôi ra. “Nhìn thì đơn giản thế thôi, chứ nồi hấp nóng lắm đấy! Khi nấu, muốn kiểm tra hơi thì mình cần mở vung ra dứt khoát, chứ không nên mở he hé, hơi xộc lên là bỏng rát mặt ngay. Hoặc khi nhấc xôi vừa đồ xong ra ngoài, cần đeo găng tay len bên trong, rồi găng tay cao su bên ngoài cho đỡ nóng, động tác cần nhanh, và cẩn thận không để tay chạm vào nồi, không khéo là bị bỏng như chơi đó!”, ông vừa làm vừa chia sẻ. Ông đi bộ đội về, xong đi làm công nhân vài năm rồi về "một cục" vì lương thấp quá. Nhìn thấy vợ vất vả một mình sớm khuya, ông xót vợ nên tình nguyện giúp bà những công đoạn nặng nhọc, và cứ sáng sớm là ông lại chở bà ngồi đằng trước, cùng thúng xôi nặng đến 50-60 kg đằng sau, hai vợ chồng vượt gần 20 cây số vào tận Hà Đông để bán. “Nắng mưa là việc của giời, chứ vợ chồng tôi không quản ngại thời tiết, chỉ trừ bão to thì mới nghỉ bán”, bà Huyền kể. Cái xe máy cà tàng dựng một góc nhà luôn có sẵn thúng xôi chằng phía sau yên. Bà Huyền bảo: “Nghĩ thương cái xe toàn phải chở quá tải, nên cáng nào cũng cứ được một thời gian là gãy. Thấy cũng nguy hiểm, nên vài năm nay, hai vợ chồng tôi mỗi người một xe. Từ khi có cháu nội là tôi chỉ bán đến 8 rưỡi sáng rồi chạy về chăm cháu, xôi còn lại bao nhiêu ông nhà bán nốt”. Những hôm bà Huyền bận hay đi du lịch vài ngày cùng hội chị em, là ông một mình ngâm gạo, nấu xôi mang đi bán. “Ông nhà tôi không nề hà bất cứ việc gì. Kể cả khi tôi vắng nhà vài ngày thì mọi việc vẫn cứ đâu vào đấy. Tôi biết mình may mắn được chồng giúp đỡ, chia sẻ, nên thấy rất trân trọng”, bà Huyền chia sẻ. Hai con trai bà Huyền tuy không theo nghề xôi nhưng cứ đi làm về là xắn tay giúp đỡ bố mẹ, rồi tranh thủ đăng lên trang fanpage riêng để bán. “Từ đợt Covid-19 bùng phát, vài tháng phải nghỉ chợ xôi, tôi buồn tay buồn chân lắm. Con trai tôi thấy thế thì nghĩ ra cách tạo trang riêng trên để bán xôi qua mạng. Không ngờ khách đặt cũng khá nhiều, em nó tranh thủ đi ship hàng luôn giúp mẹ, thế là duy trì đến bây giờ”. “Làm nghề gì cũng phải yêu nghề đó! Phải sạch sẽ, đảm bảo chất lượng, nghĩ ra cách cải tiến làm sao để xôi ngày càng ngon hơn. Lạ cái là cả nhà tôi đều thích ăn xôi, có thể ăn cả ngày cũng được. Cháu nội tôi mới hơn 2 tuổi cũng thế, nó có thể ăn xôi trừ bữa luôn mới tài!”, bà Huyền tự hào. |
Vợ chồng bà Huyền cùng nấu xôi đem đi bán |
Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng được thành lập năm 2017. Ban đầu mới thành lập chỉ có khoảng 20 hội viên, hiện con số này đã lên tới 400. “Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các thành viên như chia sẻ kinh nghiệm làm xôi, bán xôi, hỗ trợ dùng điện một giá... Qua đó, giúp các thành viên gắn kết và cùng giữ nét truyền thống của làng”, nghệ nhân Nguyễn Thị Loan – Quyền Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng vui mừng chia sẻ. Hằng năm, các thành viên trong Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng còn tham dự các lớp tập huấn do chính quyền địa phương và các ngành tổ chức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan và nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến – Phó Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng là những người “truyền lửa”, đi đầu thực hiện các hoạt động không những của Hội Làng nghề mà còn trong các hoạt động của địa phương. Nhất là dịp người dân Phú Thượng tổ chức Lễ hội xôi đầu xuân hằng năm, hai nghệ nhân đã trực tiếp làm, hướng dẫn, chia sẻ, trình diễn nhiều món xôi ngon của Phú Thượng để du khách mọi miền Tổ quốc ghé thăm đều có thể thưởng thức và trải nghiệm. Năm 2019 xôi Phú Thượng được chọn là 1 trong 9 món ăn ngon nhất của Thành phố Hà Nội đi phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, bao gồm xôi vò chè đường và xôi xéo. Chính bà Loan và bà Tuyến trực tiếp nấu xôi phục vụ dịp đó. “Một ngày hai chị em tôi nấu 30kg gạo. Khách quốc tế xuýt xoa khen ngon. May sao phục vụ 3 ngày hôm nào cũng hết xôi, tôi thấy phấn khởi, vinh dự và tự hào lắm!”, bà Loan không giấu nổi niềm hạnh phúc. Nghệ nhân cũng mong muốn có thể đem xôi Phú Thượng giới thiệu tới đông đảo hơn nữa bạn bè trong nước và quốc tế. “Tôi nghĩ để vận chuyển xôi đến mọi miền Tổ quốc và kể cả ra nước ngoài không quá khó. Xôi nguyên tắc không có phụ gia, nên không để được lâu, nhưng mình có thể nấu xôi rồi hút chân không, vận chuyển bằng máy bay đi khắp nơi cũng chỉ mất mấy tiếng thôi. Đi nước ngoài thì có thể bảo quản lạnh được vài ngày, muốn ăn chỉ cần quay lò vi sóng là vẫn giữ được độ thơm dẻo gần như ban đầu. Quan trọng là có đơn hàng, nếu được như thế, chúng tôi dự định sẽ thành lập một đội chuyên phục vụ xôi xuất khẩu, bao gồm một số hội viên tay nghề cao”. Ước mơ là thế, tiềm năng sẵn có, nhưng trên thực tế, việc sản xuất, tiêu thụ còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có cửa hàng, cửa hiệu. Vì vậy, làng nghề xôi Phú Thượng rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý liên quan. Thêm vào đó, nghệ nhân Nguyễn Thị Loan cũng bày tỏ những trăn trở khi năm nay bà đã gần 70 tuổi, sức khỏe ngày một kém đi, sẽ không thể đủ minh mẫn, dẻo dai chèo lái Hội làng nghề, trong khi hiện tại vẫn chưa tìm được thế hệ kế tục. “Hàng kế tục bây giờ rất khó tìm kiếm. Người có trình độ bằng cấp không muốn giữ vai trò này, người lao động giản đơn thì chỉ muốn đi chợ xôi hằng ngày kiếm 300-500 ngàn đồng, đầu óc thảnh thơi không phải suy nghĩ, gánh vác trách nhiệm. Thương hiệu xôi bao năm qua đã mất công gây dựng nên được như hôm nay đâu phải là dễ. Nhưng để giữ được thương hiệu, phát triển lên một tầm cao mới thì khó hơn rất nhiều”, bà Loan trầm ngâm. Tôi hỏi: “6 năm giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội Làng nghề xôi Phú Thượng, cô có lương không?”. Nghệ nhân Loan cười xòa: “Con tôi nó cứ trêu mẹ toàn ăn cơm, uống nước nhà đi phục vụ nhân dân, tôi chưa hề biết đến một đồng phụ cấp chứ nói gì đến lương. Tôi làm với tâm niệm muốn lưu giữ làng nghề, phục vụ nhân dân là chính, chứ con cái nó nuôi! Nhiều lần tôi cũng muốn xin nghỉ nhưng con nó lại động viên mẹ cố gắng”. |
Cùng chung nỗi niềm với bà Loan, chị Sinh bùi ngùi: “Thế hệ trẻ bây giờ ít làm xôi lắm, đi làm các ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn... Làm xôi thì vất vả, dậy sớm, đi xa, mưa gió... Tôi bảo con, có chỗ mối này khách quen để lại cho con đi bán, tháng kiếm chục triệu không khó nhưng chúng nó cũng không làm... thà nó làm văn phòng lương 7-8 triệu/tháng nhưng mưa không đến mặt, nắng không đến đầu mà có vẻ oai hơn”. Chiều muộn, nói lời tạm biệt các bà, các chị làng nghề Phú Thượng để trở về, trong lòng tôi cứ vương vấn mãi suy nghĩ, vừa vui cũng lại vừa buồn. Thiết nghĩ, thương hiệu làng nghề xôi Phú Thượng từ bao đời trước vẫn được lưu giữ và phát triển cho đến hôm nay là công sức, tâm huyết của biết bao người như cô Loan, cô Tuyến, cô Huyền, chị Sinh… Cần phải làm gì để nghề xôi Phú Thượng được lưu giữ trường tồn đang là một bài toán còn chờ lời giải. |