e magazine
03/02/2021 08:15
Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau”

03/02/2021 08:15

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3, ngành Y tế đã huy động nguồn nhân lực nhiều nhất từ trước đến nay với chiến dịch thần tốc nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành Y đang miệt mài truy tìm virus SARS-CoV-2 và xác định một cái Tết không ở bên gia đình.
Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau”

Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin

để lại phía sau”

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3, ngành Y tế đã huy động nguồn nhân lực nhiều nhất từ trước đến nay với chiến dịch thần tốc nhằm nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, dập dịch. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành Y đang miệt mài truy tìm virus SARS-CoV-2 và xác định một cái Tết không ở bên gia đình.

Sáng nay, các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu, xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid -19 trên bệnh nhân ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.

Kết quả cho thấy 11/16 mẫu liên quan đến 2 ổ dịch Hải Dương (Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam) và Quảng Ninh đều có trình tự gene tương tự virus B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh. Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Chủng virus cũ trước đây có chu kỳ lây lan trong thời gian từ 4 - 5 ngày thì với chủng mới chỉ trong 1 - 2 ngày.

Những ngày này, nhiều y tá, điều dưỡng phải xa con nhỏ. Những lái xe cứu thương chạy xe không ngừng nghỉ. Những sinh viên ở lại tâm dịch sẵn sàng trực chiến... Tất cả đều sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh.

Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau”

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: BYT

Khi TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) trở thành ổ dịch, hơn 600 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương được huy động tham gia chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Em Hoàng Thị Xuân - một sinh viên của nhà trường được phân công nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Cầu Dòng (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh). Gia đình của Xuân neo người. Bố mẹ Xuân chỉ sinh được hai cô con gái thì chị gái em vừa lấy chồng xa. Nhà càng vắng vẻ hơn. Bố mẹ Xuân đã chuẩn bị tinh thần cả hai con gái đều ăn Tết xa nhà. Nghĩ đến cảnh chỉ có bố mẹ ở nhà đón Tết, mong ngóng con về, Xuân lại chạnh lòng thương cha mẹ. Nhưng nghĩ đến sự nguy hiểm của dịch bệnh có thể làm bao gia đình phải xa nhà trong dịp Tết, Xuân đã lựa chọn góp một phần sức lực nhỏ bé cho tuyến đầu Hải Dương và động viên để cha mẹ yên tâm đón Tết.

Em cho biết: “Vừa nghe tin dịch bệnh bùng phát, chúng em đã viết đơn tình nguyện xin được ở lại tham gia vào công tác chống dịch Covid-19. Những tin nhắn, dòng thư từ người thân, bè bạn ủng hộ và động viên khiến em cảm thấy tự hào về quyết định của mình, tự hào là sinh viên ngành Y” - Xuân chia sẻ.

Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau”

Các sinh viên nhiệt tình tham gia công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: BY

Cũng giống như cô bé Xuân, Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thị Hiền là hai chị em họ, đồng thời cũng là sinh viên năm 3 trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Mặc dù đã về quê nhà ở Thái Bình nghỉ Tết cùng cha mẹ, nhưng khi nhận được sự vận động, triệu tập của nhà trường, hai chị em đã không ngần ngại xin phép bố mẹ lên đường đến tâm dịch.

“Bố mẹ chúng em ban đầu cũng lo lắng. Nhưng vì chúng em đã chọn nghề này là nghề cứu người, phải chấp nhận gian khổ hy sinh và rèn luyện. Bố mẹ em cũng ngậm ngùi động viên em cố gắng, chú ý bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình. Cả nhà sẵn sàng chờ em trở về khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy phải ăn Tết xa nhà nhưng đổi lại chúng em có một cái Tết thực sự ý nghĩa cho hành trang sinh viên ngành Y” – Nguyễn Gia Tài tâm sự.

Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau” Những người “ưu tiên chống dịch trước, gia đình xin để lại phía sau”

Sinh viên tham gia truy vết F0 và nhân viên y tế lái xe vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: BYT

Cùng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ ngành Y, những cán bộ, nhân viên y tế tại Hải Dương cũng phải gửi con về ông bà để yên tâm chống dịch.

Công tác tại Trung tâm Y tế Chí Linh đã hơn 10 năm nhưng đây là lần đầu anh Nguyễn Đăng Thu (nhân viên lái xe cứu thương) vận chuyển bệnh nhân trong tình trạng có nguy cơ cao như vậy. Anh chia sẻ: “Nhiệm vụ của tôi là vận chuyển người bệnh tới khu cách ly, từ khu cách ly tới trung tâm điều trị. Từ đầu dịch tới giờ, tôi vận chuyển gần 100 bệnh nhân, cũng chỉ có thể tranh thủ lúc nào không phải di chuyển thì chợp mắt một chút. Ba anh em trong đội lái xe chúng tôi luôn túc trực 24/24 với tâm thế sẵn sàng đưa đón bệnh nhân”.

Dù vất vả nhưng anh luôn nghĩ về kết quả chiến thắng dịch bệnh, khi đó anh sẽ cùng gia đình tận hưởng cái Tết muộn ý nghĩa.

Anh tâm sự: “Khi tiếp xúc với người bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bản thân tôi ý thức được rằng trước tiên phải tự bảo vệ bản thân để giảm thiểu việc lây lan ra cộng đồng. Nếu để nói là vất vả thì công việc của tôi chưa đáng gì so với các cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, tôi chỉ mong được góp một phần sức lực nhỏ vào công cuộc phòng, chống dịch. Phải xa vợ, xa con nhưng chúng tôi luôn thường trực suy nghĩ ưu tiên chống dịch trước, gia đình thì xin để lại phía sau”.

Cùng công tác trong Trung tâm Y tế TP Chí Linh với anh Thu, chị Hoàng Thị Thanh (nhân viên phụ trách môi trường) cũng gạt đi những nỗi lo thường nhật để tập trung chống dịch.

Chị Thanh kể: “Hai vợ chồng đều công tác trong trung tâm y tế. Chồng tôi làm kỹ thuật viên X-quang, một công việc mà bệnh viện dã chiến rất cần để có thể đưa máy móc, thiết bị được sử dụng hiệu quả, giúp y bác sĩ trong điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe người bệnh Covid-19. Tôi là nhân viên môi trường, liên quan đến rác thải y tế, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Vợ chồng tôi có hai con. Cháu lớn nhà tôi 5 tuổi và cháu bé chỉ mới 2 tuổi. Ngay khi dịch bệnh bùng phát và phải cách ly hoàn toàn trong viện, chúng tôi còn chưa kịp về nhà thăm con. Ông bà hai bên đều sống ở tỉnh khác. Vợ chồng tôi đành “nuốt nước mắt” gửi con ở nhà một người trông trẻ. Những lúc nhớ con, thương con và nghĩ đến ngày Tết không thể về đưa con đi chơi, sắm sửa quần áo mới, tôi đã nén giọt nước mắt khóc thầm".

Theo chị Thanh, dù nỗi niềm riêng khó sẻ chia, nhưng hai vợ chồng chị rất quyết tâm trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh, để đảm bảo bà con an tâm đón Tết.

Tết chỉ còn cách xa chúng ta rất ít ngày. Nhưng bên trong “Sở chỉ huy” đặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương, 25 thành viên gồm cán bộ y tế và các sinh viên đang làm việc không kể ngày đêm, khẩn trương truy vết từng F0 với tinh thần: Nhanh chóng, thần tốc, triệt để nhằm nhanh chóng khoanh vùng nguồn lây, dập dịch thành công.

Việc khoanh vùng nguồn lây nhanh và chuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đội truy vết đặt biệt này.

Theo TS.BS Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - thành viên đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương, công tác truy vết là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng nhằm nhanh chóng khoanh vùng nguồn lây, dập dịch thành công. Bộ Y tế luôn nhấn mạnh và chú trọng về vấn đề này đồng thời soạn sổ tay về thực hành kỹ năng truy vết để triển khai truy vết bài bản, hiệu quả”.

Việc truy vết yêu cầu phải nhanh chóng, thần tốc và triệt để, vì vậy cần huy động rất nhiều lực lượng bao gồm các sinh viên. Đến ngày 30/1, tổ truy vết huy động được 600 sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, trong đó 300 sinh viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm; 300 sinh viên còn lại chia làm 2 lực lượng, một nhóm tỏa xuống các địa phương truy vết và một nhóm tập trung tại CDC Hải Dương truy vết các ca bệnh F0 điều tra dịch tễ liên quan, danh sách tiếp xúc gần chuyển xuống địa phương thực hiện cách ly.

Sau khi các đối tượng lấy mẫu cộng đồng có thông tin về ca bệnh, ngay lập tức tổ truy vết sẽ thực hiện gọi điện truy vết dịch tễ, các đối tượng tiếp xúc gần và thống kê báo cáo, lập danh sách chuyển đi cho địa phương. Trung bình một ngày có 40 - 50 ca F0 cần truy vết, nhóm truy vết chia làm 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội sẽ phụ trách 10 - 15 trường hợp, đảm bảo truy vết hết các bệnh nhân trong ngày.

Khó khăn lớn nhất là trong quá trình điều tra, nhiều bệnh nhân không nhớ được tên hay số điện thoại của những người tiếp xúc gần, khiến tổ truy vết gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra dịch tễ.

Bạn Trần Thị Hoàng Lan (sinh viên năm 3 Khoa Phục hồi chức năng - Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) tâm sự: “Khi dịch bùng phát, tất cả sinh viên trong trường đã viết đơn tình nguyện tham gia công tác chống dịch và luôn trong trạng thái sẵn sàng khi được huy động. Khi tham gia vào hoạt động, ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng vì tình hình chung, chúng em luôn cố gắng nỗ lực hết mình”.

Chỉ còn ít ngày nữa là sẽ đến thời khắc năm mới thiêng liêng với cuộc sống tinh thần của mỗi con người. Và những y bác sĩ, sinh viên ngành Y, nhân viên y tế đang thần tốc làm việc căng mình để nhanh chóng dập dịch. Họ quyết tâm không để dịch bệnh cướp đi giây phút thiêng liêng đó của người dân.

Mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân mới là thành công thực tế của Đại hội Mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân mới là thành công thực tế của Đại hội
“Tôi rất khỏe” nhưng nhiều người sẽ rất mệt! “Tôi rất khỏe” nhưng nhiều người sẽ rất mệt!
Lịch trình dày đặc của 4 công nhân mắc Covid-19, nhiều người trở thành F1 Lịch trình dày đặc của 4 công nhân mắc Covid-19, nhiều người trở thành F1

------

Bài viết: Duy Minh

Thiết kế: Duy Minh

Xem phiên bản di động