Nằm trong con ngõ nhỏ, xóm chạy thận gồm những dãy nhà cho thuê với diện tích khá khiêm tốn, mỗi căn phòng chưa đến 10m2, lối đi chung chỉ vừa đủ cho 2 người tránh nhau. Cả dãy trọ dùng chung 1 nhà vệ sinh và nhà tắm. Con ngõ nhỏ hẹp với những căn phòng lụp xụp, chật hẹp nhưng là nơi ăn, chốn ở của nhiều người lao động đặc biệt. Ảnh: M.A Hằng ngày, 6 bệnh nhân suy thận ra vào trong khu nhà trọ với 8 căn phòng khiêm tốn ấy. Ngày nắng nóng thì oi bức, ngột ngạt, đến khi trời mưa, rét thì cắt da cắt thịt. Dường như sự khắc nghiệt ấy luôn thách thức nghị lực sống của những bệnh nhân kém may mắn này. Bà Phạm Thị Tảo (quê Hưng Yên) tập tễnh từng bước. Ở tuổi 63, sức khỏe của bà không còn đủ để chống chọi lại cơn đau sau mỗi lần chạy thận. 18 năm gắn bó với xóm chạy thận cũng là từng ấy năm chứng kiến đủ mọi câu chuyện vui buồn tại đây. Bà Phạm Thị Tảo chia sẻ, căn bệnh này khiến sức khỏe giảm đi nhiều, khiến cho bà cũng như nhiều người ở đây không thể kiếm được một công việc để lo cho bản thân. Ảnh: M.A Bà Tảo chia sẻ, căn bệnh này khiến kinh tế gia đình của hầu hết các bệnh nhân tại đây kiệt quệ. Tiền hằng tháng cho việc chạy thận và chi tiêu hằng ngày bà đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của con cái. Mang trong mình căn bệnh thận đa nang, cuộc sống của bà phụ thuộc vào những ống tiêm, những ngày bám trụ lâu dài với bệnh viện. Con trai bà Tảo cũng phải chạy thận vài năm gần đây, tiền đi làm được bao nhiêu lại chi trả thuốc men, viện phí. Bà Tảo cho biết, nhiều bệnh nhân ở đây khi còn khỏe, cũng phải làm đủ thứ nghề, từ xe ôm, đến bán nước quanh bệnh viện để kiếm tiền sinh hoạt cũng như chạy thận. Căn bệnh này cũng không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Hằng tháng, dù tiết kiệm thì mỗi người cũng phải mất 3 - 4 triệu cả tiền sinh hoạt lẫn tiền thuốc. Sức khỏe không đảm bảo để đi làm, gia đình khó khăn, nhiều người cũng bất lực nhìn thời gian trôi qua hằng ngày. Bản thân bà Tảo cũng đã phải cắt đi hai quả thận. Cứ đều đặn hằng ngày, nếu khỏe bà tự đạp xe đạp qua bệnh viện Bạch Mai để chạy thận, còn nếu đau và yếu, bà lại đặt xe ôm để đi. Mỗi một lần chạy thận cũng mất 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng. Với những người như bà, ngừng chạy có nghĩa là từ chối sự sống. Hiện tại, bà bán hộp nhựa để kiếm thêm số tiền ít ỏi phụ việc ăn uống. Bà Tảo buôn bán hộp nhựa để kiếm thêm chút thu nhập ít ỏi trang trải cuộc sống. Ảnh: M.A “May mắn là gạo thường được những hội thiện nguyện gửi đến nên tiết kiệm được tiền mua, rau thịt thì mỗi bữa có một nắm… Chỉ có tiền điện, tiền nước, tiền phòng là nhiều nhất”, bà Tảo nói. Căn phòng trọ của bà được chủ cho thuê với giá 900 nghìn đồng chưa tính tiền điện, tiền nước. Căn phòng nhỏ cũng chỉ đủ kê chiếc giường bé với bộn bề những quần áo, đồ đạc. |
Anh Hanh là người ở xóm chạy thận lâu nhất. 21 năm chạy thận, cũng là từng ấy năm chịu đựng những cơn đau một mình. Anh Hanh trước đây cũng có một mái ấm gia đình đầy đủ. Nhưng căn bệnh này khiến vợ chồng anh mỗi người một nơi. Anh chia sẻ, khi còn sức khỏe, anh vừa chạy xe ôm, vừa đi đánh giày để kiếm thêm thu nhập điều trị bệnh. Nhưng tiền kiếm bao nhiêu cũng không đủ. Sức khỏe anh cũng dần suy yếu sau mỗi lần chạy thận. Mỗi tuần 3 lần chọc kim đặt cầu ròng rã trong 21 năm đã khiến những mạch nhỏ li ti ấy không còn chịu đựng nổi. Hai cánh tay anh nổi cục. Bệnh thận khiến mọi chức năng suy giảm. Anh buồn vì mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Với bệnh nhân chạy thận, cầu tay là sự sống của họ. Khi cái cầu tay ấy vỡ hoặc không còn nối tiếp nữa, họ sẽ chết. Với người ngoài khó mà thấu hiểu được điều ấy. Những vết lồi lõm, bầm tím trên tay cho dù có khiến người khác thương cảm thì với các bệnh nhân thận, đó vẫn là cái để họ hy vọng rằng họ sẽ vẫn còn được tồn tại. Không chỉ có những bệnh nhân lớn tuổi, ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị, người ta còn bắt gặp những bệnh nhân còn rất trẻ. Chẳng còn sức sống của tuổi thanh xuân, bệnh nhân trẻ ở đây gầy guộc với ánh mắt buồn vời vợi. |
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Trang nhận thêm việc làm tranh giấy với thu nhập ít ỏi mỗi ngày, vừa để lo cho cuộc sống, vừa để vơi đi nỗi buồn. Ảnh: D.L.
Vũ Thị Trang, SN 1994, ở Nam Định, đã gắn bó với xóm chạy thận này được 9 năm. 8 năm trước, đang lứa tuổi đôi mươi, khi mà các bạn cùng trang lứa còn đang tung tăng, vô lo vô nghĩ, học hành thì Trang rơi nước mắt bước vào buồng bệnh và gắn cuộc đời với chiếc máy lọc máu. Những vết kim châm dần dần khiến cơ thể cô không còn sức sống, những ước mơ cũng trở nên xa vời. Trang tâm sự, lúc mới phát hiện bệnh cô buồn lắm. Cô cũng mong được đi học, được đi chơi như các bạn. Hơn nữa, cô cũng mong đón nhận những ân cần của những người bạn khác giới. Cũng muốn tiếp tục xây dựng những ước mơ về cuộc sống… “Em cũng có đôi lần muốn nghĩ quẩn. Thế nhưng nhìn thấy các ông, các bà, các cô chú ở đây đều cố gắng chống chọi, em cũng dần đối diện với hoàn cảnh” – Trang nói. Dù sao cũng còn sức trẻ, Trang hằng ngày vẫn nhận những bức tranh giấy về hí hoáy làm những khi không phải lên bệnh viện. Trang cho biết, mỗi bức tranh giấy nho nhỏ như thế hoàn thiện cô được trả công 15 nghìn đồng. Một ngày cô chỉ làm được 10 bức bởi sức khỏe có hạn, số tiền kiếm được ít ỏi nhưng cũng thêm thắt được chút ít để lo chi phí nhà cửa, điện nước và thuốc thang. Mỗi bệnh nhân ở đây, với những người còn sức khỏe thì cố gắng đi làm để vơi bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng với những người không còn sức khỏe như bà Tảo hay anh Hanh, họ sống phụ thuộc vào người khác. Một mình lủi thủi trong căn phòng nhỏ chật hẹp, bất giác nhìn sang phòng đối diện, hàng xóm của mình đang phải chịu đựng cơn đau và trận sốt một mình do vừa đi chạy thận về lúc trưa, anh Hanh lại khẽ tiếng thở dài không nói thành lời. Có lẽ những nỗi đau vô hình chỉ có những con người đặc biệt ở đây mới cảm nhận được. |
Bài viết: MINH ANH Đồ họa: An Nhiên |