Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sôngMột ngày đầu đông năm 2023, chúng tôi có cơ hội được tham gia buổi diễn tập trên sông Hồng của Đội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên sông, thuộc Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) PC07, Công an TP Hà Nội.

Tình huống diễn tập là: Nhận được tin báo một vụ hỏa hoạn xảy ra và có người nhảy xuống sông đã bị đuối nước, có người đang chới với, bị đuối sức, ngay lập tức Đội PCCC&CNCH trên sông tổ chức lực lượng, phương tiện triển khai đội hình. Chia thành 3 mũi tiếp cận hiện trường vụ hỏa hoạn, các chiến sỹ PCCC&CNCH vừa dập lửa, vừa triển khai phương án cứu người.

Nhanh chóng, các chiến sỹ cứu nạn, cứu hộ dũng cảm lao ra giữa dòng nước tiếp cận khu vực người gặp nạn để tìm kiếm, cứu người. Các tình huống diễn tập đều được lực lượng tham gia thực hiện một cách bài bản, thuần thục, dứt khoát.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Thiếu tá Bùi Duy Long - Phó Đội trưởng Đội PCCC & CNCH trên sông, Công an TP. Hà Nội.

Thiếu tá Bùi Duy Long - Phó Đội trưởng Đội PCCC & CNCH trên sông, Công an TP. Hà Nội cho biết, PCCC & CNCH cả trên cạn và trên sông là một trong những công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm, áp lực rất cao. Các vụ tai nạn, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào và đều không được báo trước. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, điều quan trọng nhất là các chiến sỹ phải được tập luyện thường xuyên để kỹ năng thuần thục, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, bởi vì trong công tác cứu nạn cứu hộ nói chung, và dưới nước nói riêng, chỉ cần sơ xuất nhỏ hậu quả cũng rất khó lường.

Việc tập luyện được duy trì hằng ngày với thời gian biểu từ 8 giờ 30 đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 16 giờ. Đầu tiên là các bài tập thể lực, từ cơ bản đến chuyên sâu với 11 bài thể lực cho lực lượng PCCC & CNCH. Tiếp theo là các bài tập chuyên sâu dưới nước, như kỹ năng bơi, lặn, triển khai các đội hình lặn bao gồm: lặn càng, lặn com-pa, lặn zic-zắc…

Ngoài ra, các buổi diễn tập được thực hiện tại nhiều đoạn sông, nhánh sông khác nhau nhằm làm quen với dòng chảy, địa hình với những bài tập luyện chuyên sâu để ứng phó tốt nhất các tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Các chiến sỹ phải vượt qua được những bài kiểm tra về thể lực, kỹ thuật bơi, lặn, cứu người… để có thể sẵn sàng tham gia chiến đấu.

8 giờ sáng hằng ngày, giao ban xong là anh em kiểm tra tất cả phương tiện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng để khi nhận lệnh là lên đường ngay. Theo điều lệ chiến đấu, từ lúc nhận tin báo vụ việc cho đến khi xuất xe ra khỏi đơn vị yêu cầu chỉ sau 180 giây đối với ca-nô và 90 giây đối với xe trên cạn.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông
Các chiến sỹ PCCC & CNCH trên sông, thuộc PC07, Công an TP Hà Nội tham gia buổi diễn tập tình huống dập lửa, cứu người trên sông Hồng đầu tháng 12/2023.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Đại úy Cao Hồng Hải, cán bộ Đội PCCC & CNCH trên sông, người đã có thâm niên 16 năm công tác trong ngành cho biết, cuối năm 2017, Đội PCCC & CNCH trên sông thuộc PC07, Công an TP Hà Nội mới thành lập. Trước đó, anh đã từng tham gia dập lửa, cứu người không biết bao nhiêu vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP Hà Nội. “Công tác cứu nạn cứu hộ trên cạn vốn đã khó thì cứu nạn cứu hộ dưới nước còn khó khăn gấp bội”, anh nhận định.

Khi lặn xuống một độ sâu nhất định thì xung quanh tối đặc, dù được trang bị đèn chiếu sáng cỡ mấy cũng chỉ nhìn được trong phạm vi 1 mét mà thôi! Ban ngày cũng không khác nào ban đêm, không nhìn thấy gì, miệng ngậm ống thở, chỉ có thể cảm nhận bằng tay, chân và cơ thể, khi chạm được vào vật gì là tay lập tức “tóm” lấy và đưa lên mặt nước.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Một chiến sỹ bơi ra giữa sông để cứu người.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sôngCác chiến sỹ quăng phao cho nạn nhân đang chới với trên sông.

Trên cạn còn nghe thấy tiếng nhau, chứ dưới nước không giao tiếp được. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn tính mạng và đạt hiệu quả cao nhất, anh em triển khai các đội hình lặn theo dây: 4-5 người lặn cùng một lúc, một người sẽ cầm một đầu dây, đứng tại vị trí được chỉ định, các anh em còn lại thì sẽ di chuyển dọc theo dây, cứ chạm tay nhau thì quay lại để dò tìm tiếp. Mỗi lượt lặn như thế chỉ kéo dài tầm 10-15 phút, một đội hình khác đã chờ sẵn để “chi viện”.

Anh Hải kể, có biết bao những nguy cơ xảy ra dưới nước, với các chiến sỹ trẻ mới vào nghề cũng là một thử thách không nhỏ. Đơn giản nhất như khi chạm vào một vật sắc nhọn dưới đáy sông cũng có thể khiến chiến sỹ giật mình, ống thở có nguy cơ buột khỏi miệng…

Anh Hải và đồng đội cũng không nhớ được bao nhiêu lần va vào vật sắc nhọn như thế trong quá trình ngụp lặn tìm kiếm nạn nhân, hay tang vật của những vụ trọng án… Chỉ biết, khi lên bờ thấy tay chân xước xát, chảy máu, anh em lại tự xử lý vết thương cho nhau, không đáng kể gì!

Đại úy Hoàng Xuân Dũng, cán bộ Đội PCCC và CNCH trên sông nhớ lại, có lần làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân bị đuối nước ở hồ Sóc Sơn, khi lặn xuống, anh và đồng đội bị không biết bao nhiêu lưỡi câu chùm và dây cước (của người dân đi câu cá đánh rơi) bám vào chân tay. Khi đó, không bình tĩnh xử lý, mà cuống cuồng lên rất có thể sẽ gặp bất trắc.

Triển khai đội hình lặn theo dây vừa giúp việc tìm kiếm sẽ phủ kín được khu vực dưới đáy sông, hồ, vừa đảm bảo an toàn cho các chiến sỹ. Khi gặp sự cố, các chiến sỹ sẽ giật dây để đồng đội biết mà hỗ trợ kịp thời. Bởi vậy, anh em trong nghề mới tếu táo đặt tên là “Sợi dây sinh tử”.

“Khi xuống lòng sông hồ mênh mông, phải tuyệt đối tuân thủ theo chiến thuật và mệnh lệnh của chỉ huy để đảm bảo an toàn cho mình và đồng đội, cũng như để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”, anh Dũng nói.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Đại úy Hoàng Xuân Dũng, cán bộ Đội PCCC & CNCH trên sông, thuộc PC07, Công an TP Hà Nội.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Đại úy Dũng vẫn còn nhớ kỷ niệm lần anh và đồng đội cứu được cháu bé 12 tuổi, không biết lý do gì mà cháu dựng xe đạp điện theo hướng từ Thanh Trì sang Gia Lâm, rồi khoác ba lô nhảy xuống sông tự vẫn. May mắn thay cháu thoát chết, và cố gắng bơi vào bờ. Nhận được tin báo, các chiến sỹ lập tức đến ngay hiện trường, thấy cháu đang chới với, có dấu hiệu đuối nước, rất nhanh chóng các chiến sỹ triển khai đội hình và đã đưa được cháu lên bờ an toàn, rồi đưa vào viện để theo dõi trước khi người nhà biết tin tìm đến.

Hay lần các anh cứu được người phụ nữ nhảy cầu cạn đoạn bãi giữa sông Hồng, may mắn thoát chết, tỉnh táo nhưng bị đa chấn thương. Lúc đó khoảng 12 giờ trưa nhận được tin báo, các anh lập tức mang phương tiện đến, tiến hành sơ cứu, nẹp tay chân cho nạn nhân.

“Cứu được người còn sống thì còn gì vui bằng! Sau mỗi lần như thế, anh em chúng tôi hạnh phúc lắm, tự hào lắm, sinh mạng nào cũng đáng quý, miễn chúng ta còn được sống, được thở đã là hạnh phúc rồi nhà báo ạ!”, anh nói với tôi.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông
Các chiến sỹ Đội PCCC & CNCH trên sông, thuộc PC07, Công an TP Hà Nội trong buổi diễn tập khống chế vụ hỏa hoạn trên sông Hồng.

“Trong lúc chờ lực lượng y tế đến bàn giao, tôi hỏi chuyện nạn nhân, động viên cô ấy cố gắng vượt qua biến cố trong cuộc sống, và có suy nghĩ tích cực hơn. Đây là việc các chiến sỹ cứu nạn cứu hộ làm thường xuyên mỗi khi nạn nhân còn tỉnh táo. Thứ nhất để trấn an tâm lý, thứ hai để kiểm tra độ tỉnh táo để nắm bắt được thông tin cùng như tình trạng ban đầu của nạn nhân”, anh Dũng chia sẻ.

Anh trầm ngâm: “Trong nghề này, chúng tôi tiếp xúc với xác người chết nhiều hơn là cứu được người còn sống. Dù là thế nào, khi làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng xác định phải làm với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất, để sau này khi nghĩ lại, không phải cảm thấy tiếc nuối một điều gì”.

Đã biết bao lần anh và đồng đội có cảm giác ngậm ngùi, xót xa khi đã nỗ lực hết sức để đến hiện trường nhanh nhất có thể nhưng nạn nhân đã không cầm cự được thêm. Có những nạn nhân cố tình hay sơ ý mà rơi xuống dòng nước đã cố gắng vùng vẫy chiến đấu với tử thần vì khao khát được sống. Tuy nhiên, có người may mắn, có người mãi mãi lìa xa cuộc đời này!

Nhiều tình huống, các anh còn làm công tác tư tưởng với người nhà nạn nhân. Bởi, quá đau xót trước mất mát, họ chỉ muốn nhảy cầu theo người thân của mình!

Nói đến đây, ánh mắt anh Dũng trùng xuống. Anh chỉ mong, mỗi người chúng ta hãy biết trân quý hơn mạng sống của bản thân, mà suy nghĩ cho thấu đáo, tìm cách vượt qua khó khăn trong cuộc sống, thay vì chọn cách tiêu cực như gieo mình xuống sông…

Đã làm nghề 16 năm, nhưng Đại úy Cao Hồng Hải chia sẻ thật lòng, đôi khi anh vẫn thấy “sờ sợ” sau mỗi lần vớt xác. Bởi, xác chết nổi trên sông đã trương phềnh, biến dạng, mùi nồng nặc. Không phải cứ vớt xác là đưa lên bờ được ngay vì có những chỗ không có điểm tiếp cận để đưa xác vào, hoặc có những khi người dân không cho đưa xác lên thì các anh phải di chuyển xác đến địa điểm thích hợp.

Cũng không biết bao lần anh đã trực tiếp buộc dây vào xác rồi đưa vào bờ cho đồng đội bên trên tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Nếu không có bản lĩnh, tình yêu nghề, lòng thương người thì có lẽ các anh không thể miệt mài làm công việc đó suốt bao nhiêu năm nay!

“Trên bờ, biết bao ánh mắt của người thân nạn nhân dõi theo chúng tôi. Người chết thì đã chết rồi, người sống chỉ có duy nhất ước nguyện là làm sao tìm kiếm được xác con em mình còn nguyên vẹn, đưa lên bờ an toàn. Cho nên, vượt qua nỗi sợ thông thường, chúng tôi cũng chỉ mong sao mình có sức khỏe, sự bình tĩnh, cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, vơi bớt phần nào nỗi đau cho gia đình nạn nhân”, Đại úy Hải trải lòng.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Đặc thù công việc của các chiến sỹ PCCC & CNCH nói chung là không có giờ giấc. Bất kể giờ nào, không phân biệt ngày lễ, Tết hay ngày thường, ngày làm việc hay ngày cuối tuần… kể cả lúc đang được nghỉ mà có lệnh triệu tập là anh em lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Kể ra, thời gian các anh ở đơn vị còn nhiều hơn thời gian ở nhà.

“Mùa hè còn đỡ, mùa đông lặn xuống nước lạnh khủng khiếp, anh em trên bờ chuẩn bị sẵn củi đốt để anh em lặn xong lên ngồi sưởi ấm ngay lập tức thì mới chống chọi được với cái lạnh thấu xương đó”.

Chưa kể, có những thời điểm phải tập trung lực lượng đảm bảo nhiệm vụ chính trị, các anh đi cả tháng mới về thăm nhà.

“Con tôi thì vẫn còn nhỏ. Mỗi lần thấy tôi đi làm nhiệm vụ là cháu hỏi “Bố ơi, bố có về không?”. Khi đó, tôi lại an ủi con: “Bố đi trực. Khi nào được nghỉ thì bố về với con!”, anh Hải kể.

Còn với anh Dũng thì vợ chồng đều phải đi trực đêm thường xuyên (vợ anh công tác trong bệnh viện) nên đôi khi cả tuần vợ chồng không gặp mặt. Thấy hoàn cảnh thế, cán bộ chỉ huy tạo điều kiện xếp lịch trực cho anh sao cho “khớp” lịch với vợ, cho vợ chồng gặp nhau mỗi tuần được 1-2 lần.

Đội PCCC & CNCH trên sông, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (PC07), Công an TP Hà Nội hiện tại có 25 người, trong đó có hơn 20 chiến sỹ trực tiếp chiến đấu, người nhiều tuổi nhất cũng chưa đến 40 tuổi.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Đại úy Cao Hồng Hải, cán bộ Đội PCCC & CNCH trên sông, thuộc PC07, Công an TP Hà Nội.

“Tuổi 40 đa phần anh em khó bám trụ được với nghề này, vì sức khỏe và sự tinh nhạy đã suy giảm. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, tuổi tác chưa bao giờ là trở ngại. Tôi sẽ còn cống hiến đến khi nào không thể cống hiến được nữa thì mới thôi!”, anh Hải chia sẻ.

“Điều gì đã giúp anh gắn bó với nghề trong 16 năm qua”, tôi hỏi.

“Anh em chúng tôi cùng nhau làm việc, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ chỉ huy giao. Khi chiến đấu, chúng tôi nhìn nhau làm việc, giúp đỡ nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngoài công việc, anh em sống với nhau rất chân tình, san sẻ buồn vui, cho nhau những lời khuyên và kinh nghiệm sống. Ai chọn thế nào thì chọn chứ tôi chọn ở lại với anh em!”, anh Hải nói.

“Sức khỏe bây giờ tuy không bằng trước, nhưng mỗi khi nhận nhiệm vụ mới là tôi chỉ muốn nhanh chóng đến hiện trường thật nhanh, để kịp thời cứu người. Khi đó, tôi quên mất mình năm nay bao nhiêu tuổi, tuổi tác không thành vấn đề, và đâu có quan trọng gì!”.

Chỉ có điều, công tác cứu hộ cứu nạn trên sông rất vất vả mà nhân lực lại mỏng, nên các anh mong tới đây Đội sẽ được bổ sung thêm quân số để san sẻ bớt công việc, Đội hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa.

“Vả lại, nghề này đa phần đến tuổi 40 là khó đáp ứng được rồi. Thế hệ chúng tôi hiện nay cũng đã ngấp nghé tuổi 40, nên cũng cần có những lớp chiến sỹ kế cận để tiếp nối công việc này. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay (từ cuối năm 2017), đơn vị chúng tôi chưa được bổ sung lực lượng mới”, Đại úy Cao Hồng Hải bày tỏ mong muốn.

Còn Đại úy Hoàng Xuân Dũng thì băn khoăn “Nghề nào rồi cũng có tuổi thôi, nhưng anh em chúng tôi cứ động viên nhau làm đến khi nào không thể thì báo cáo lãnh đạo cho chuyển vị trí khác. Nhưng, hiện tại chưa có lực lượng mới, anh em ở đây, người có tuổi đời trẻ nhất cũng đã 30, thì lấy ai để thay thế lớp chúng tôi!”.

Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông
Những chiến sỹ chiến đấu giữa lòng sông

Bài viết: HỒNG NHUNG

Ảnh: VĂN QUÂN

VIDEO: TRẦN YẾN - VĂN QUÂN - NGUYỄN HẰNG - HỒNG NHUNG