|
Tăng ca, thêm việc để tích góp lo cho năm học mới của các con, thế nhưng chị Bé vẫn phải bật khóc bất lực khi chứng kiến con chật vật, xoay xở khi thiếu những thiết bị cần thiết để tham gia những giờ học online. |
Quanh co theo lối đường bê tông tại thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ cuối làng của chị Trần Thị Bé (công nhân Công ty TNHH SX Bao bì Carton Hòa Bình, Đà Nẵng). Trong căn nhà đã xuống cấp, em Nguyễn Trần Mỹ Duyên (con chị Bé, học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Thành Tài) vừa kết thúc giờ học online trên lớp. Nhiều năm qua, thành tích học tập của Duyên và em gái là nguồn động viên lớn cho chị Bé nỗ lực tăng ca sớm hôm. |
Chị Bé và em Duyên (con gái chị). |
Năm học 2021-2022, do dịch bệnh Covid-19, Duyên và em gái không thể đến lớp mà chủ yếu là những giờ học trực tuyến. Vì là học sinh chuyển cấp, nên rất nhiều điều Duyên vẫn còn bỡ ngỡ. Mỗi ngày, cả Duyên và em mình đều có giờ học sáng và chiều. Trùng nhau giờ lên lớp nên những ngày đầu cả hai chị em phải nhường nhau chiếc điện thoại cũ của mẹ. Không đành lòng nhìn con mất học, mỗi sáng sớm, chị Bé lại sang nhà hàng xóm để mượn thêm chiếc điện thoại cho con. “Hàng xóm biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại có hai con đang đi học nên mọi người cho mượn chiếc điện thoại. Hết giờ học, các con lại mang sang trả”, chị Bé tâm sự. Nhưng có máy vẫn là chưa đủ, để có thể tham gia giờ học trực tuyến, các con của chị Bé đã kéo chiếc bàn học gần nơi bắt được sóng wifi nhà hàng xóm. Có những ngày sóng yếu, chiếc bàn học lại được bê ra ngoài sân, hai chị em cũng đội nắng để tham gia giờ học. “Sóng wifi bắt nhà hàng xóm nên nhiều giờ học em bị rớt mạng, phải chạy ra ngoài để bắt sóng. Các thầy cô cũng hiểu và thông cảm nhưng như vậy sẽ khó tiếp thu kiến thức hơn”, Duyên tâm sự. Dịch bệnh khó khăn, công ty phải cắt giảm người lao động, chị Bé nằm trong danh sách phải tạm nghỉ. Thế nhưng, năm học mới bắt đầu với hàng trăm chi phí phải lo, chị Bé đã viết đơn xin công ty được tiếp tục đi làm. Cứ khi nào có lịch, chị lại xin tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Vậy nhưng, bao nhiêu nỗ lực của người mẹ vẫn là chưa đủ để cho các con được học tập. |
Nhìn các con xoay xở học hành, nhiều lần chị Bé rơi nước mắt, tủi hổ vì nghèo một phần nhưng phần nhiều là thương các con ham học mà người mẹ không thể cho con được nhiều hơn. Thức khuya, dậy sớm, ăn uống tằn tiện để tích góp thêm từng đồng, mong muốn lớn nhất của chị Bé vẫn là các con học được cái chữ bằng bạn bằng bè, đến nơi đến chốn để sau này đỡ vất vả. “Tôi một mình nuôi hai con ăn học thật sự rất vất vả. Tăng ca để có thêm thu nhập lo cho các con, nhưng năm học mới, nhiều sách vở, vật dụng phải mua sắm nên chẳng đủ. Đời tôi khó rồi, chỉ mong các con sau này nhờ cái chữ mà bớt cực khổ. Vậy mà, đến việc cho các con được học hành đàng hoàng bằng bạn bè tôi cũng chẳng làm tròn”, chị Bé rơi nước mắt. Thương mẹ vất vả, trong 9 năm qua, Duyên luôn là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Góc học tập với nhiều giấy khen của em là niềm tự hào lớn cho chị Bé. Năm học mới, mong muốn lớn nhất của cô học trò nhỏ là có điều kiện để tham gia tốt hơn những giờ lên lớp. Duyên tự hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để không phụ công mẹ vất vả sớm hôm. |
Chị Bé rơi nước mắt thương con ham học nhưng chẳng thể tạo được điều kiện tốt cho con. |
Cùng hoàn cảnh với chị Bé, anh Võ Thanh Dũng (công nhân Công ty TNHH Nguyên Huy, Đà Nẵng) phải một mình gà trống nuôi con trong 6 năm qua. Vợ mất, mẹ lại lớn tuổi đau ốm, một tay anh Huy phải làm thêm đủ nghề để cho hai con đang tuổi đến trường. Ngày không dịch bệnh, ngoài giờ làm anh Dũng nhận thêm các công việc khác để có thêm kinh phí lo cho các con. Thế nhưng, nhiều tháng qua, thành phố thực hiện giãn cách, các con lại bước vào năm học mới với nhiều chi phí cần lo khiến người cha không khỏi muộn phiền. “Hai đứa cùng học online mà chỉ có một cái điện thoại của tôi nên bọn nhỏ tự sắp xếp nhau, đứa này nhường đứa kia. Nhìn các con học hành như vậy, mình cũng xót lắm, nhưng bây giờ không có tiền nên đành động viên chúng cố gắng. Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh thì tôi mới có thể đi làm thêm để lo cho gia đình”, anh Dũng chia sẻ. Vốn dĩ, với đồng lương công nhân thì cuộc sống của họ đã thiếu trước, hụt sau. Vậy nhưng, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài còn khiến hành trình kiếm cái chữ của con chị Bé, anh Dũng thêm muôn phần khó khăn. Hơn lúc nào hết, chặng đường đến trường của các con cần thêm những tấm lòng hỗ trợ. |
Con gái anh Dũng với ước mơ giản dị có được thiết bị để được tham gia đầy đủ các tiết học. |