Nếu chưa có một công việc mới, người lao động hãy cân nhắc kỹ trước khi nghỉ việc. Nghỉ việc trong giai đoạn này khá nguy hiểm cho người lao động. Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đang khá thấp, trong khi đó lượng người đang tìm việc lại rất cao!
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Hoa được một người thân trong gia đình giới thiệu cho một chỗ quen để làm việc. Làm được hơn một năm, Hoa xích mích với đồng nghiệp nên đùng đùng nộp đơn xin nghỉ việc.
Đang dịch Covid-19, tìm việc mới sẽ khó khăn, nhiều người khuyên Hoa nên suy nghĩ kỹ, ít nhất hãy để hết năm. Người thân của Hoa nhắn: “Chỉ giúp xin việc cho một lần, sau đó nếu muốn thay đổi công việc thì tự nộp đơn phỏng vấn”. Hoa bất chấp mọi lời khuyên, quyết tâm nghỉ việc vì… “tức cái con nhỏ đó đến không chịu được”.
Sau khi nghỉ việc, Hoa làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tháng đầu tiên, Hoa chưa vội tìm việc ngay, ai giới thiệu chỗ này chỗ kia, Hoa ừ hử cho qua, không quan tâm lắm vì xác định sẽ nghỉ… xả hơi! Tháng thứ hai, ở nhà mãi cũng chán, Hoa lên các trang giới thiệu việc làm để tìm việc. Đảo qua đảo lại, tìm gần chục trang vẫn không thấy vị trí nào ổn. Một vài doanh nghiệp tuyển, lương cao thì lại không phù hợp với chuyên môn của mình, một số khác thì lương quá thấp, công ty nhỏ, chế độ bảo hiểm xã hội không rõ ràng…
Hết 3 tháng nhận trợ cấp thất nghiệp, Hoa không còn thu nhập nào khác nên buộc phải tìm việc làm mới. Thế nhưng, đến nay đã gần nửa năm mà Hoa vẫn còn đang thất nghiệp.
Hãy cân nhắc kỹ trước khi nộp đơn nghỉ việc vì giai đoạn này nhu cầu tuyển dụng thấp, lượng người tìm việc lại cao. |
Theo chị Nguyễn Huyền Trang – Phụ trách nhân sự của một tập đoàn chuyên về giáo dục tại TP.HCM, câu chuyện của Hoa không phải là cá biệt. Đăc biệt, những bạn trẻ mới ra trường giống như Hoa được người quen giới thiệu một chỗ làm tốt, chưa từng biết cảm giác nộp đơn xin việc, hồi hộp chờ gọi điện phỏng vấn, chờ kết quả nên không biết quý công việc mình đang có.
“Ở bất cứ đâu, ngay cả gia đình của chính mình còn xảy ra khúc mắc, kình cãi, hiểu lầm thì ở doanh nghiệp chuyện đó là đương nhiên. Một môi trường đông người, nhiều thế hệ, đa tính cách, chuyện đó không thể nào tránh khỏi. Nếu Hoa có kinh nghiệm, bạn ấy sẽ biết cách dung hòa, giải quyết mâu thuẫn cá nhân”, chị Huyền Trang chia sẻ.
Theo chị Huyền Trang, đối với một người đi làm, cần xác định đâu là mục tiêu của mình cần hướng đến. Ví dụ như thu nhập tốt không? Có cơ hội thăng tiến không? Định hướng phát triển của doanh nghiệp có phù hợp với mục tiêu bản thân mình không? Mình sẽ tiến bộ trong môi trường này?…. Không nên vì tức giận, mâu thuẫn với đồng nghiệp mà nghỉ việc để dẫn đến thiệt hại cho bản thân.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, nghỉ việc vào giai đoạn dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn như hiện nay, trong khi bản thân chưa có một công việc mới thì sẽ rất nguy hiểm cho người lao động.
Người lao động chỉ nên nghỉ việc khi cơ hội mới hội tụ các yếu tố sau: Thứ nhất, người lao động cần tìm hiểu rõ tính chất của công việc mới là gì, ngắn hạn hay cố định, ngành nghề đó có chịu tác động của dịch bệnh hay không? Thứ hai, công ty bạn đang cân nhắc tham gia có nguồn lực tài chính thế nào? Công ty đó đã từng hay đang sa thải nhân lực không? Nếu có thì vì lý do gì và cách làm của họ ra sao? Ý kiến người lao động có được lắng nghe, cũng như quyền lợi của người lao động có được bảo vệ, ít nhất là theo quy định của luật hay không?
Ông Sơn cũng thông tin thêm, tình hình tuyển dụng từ nay đến cuối năm, ngành thương mại điện tử vẫn sẽ là ngành thu hút nhiều nhân lực nhất, trong khi đó, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề vẫn sẽ là may mặc, dệt may, bất động sản, nhà hàng, khách hàng.
Bên cạnh đó, chị Huyền Trang cũng có lời khuyên cho những bạn trẻ đang tìm việc trong giai đoạn thị trường tuyển dụng đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 như: Hãy xem việc tìm việc làm như là một công việc toàn thời gian, tập trung hết sức, có lịch trình cụ thể; Tăng cường kết nối trực tuyến; Bám sát các mối quan hệ vì biết đâu sẽ có người giúp đỡ bạn trong khả năng của họ; Chuẩn bị các kỹ năng cho phỏng vấn trực tuyến, sử dụng các ứng dụng trao đổi từ xa và đặc biệt chuẩn bị tâm lý làm việc từ xa để sẵn sàng cho mọi công việc!
Hãy xem tìm việc làm như là một công việc toàn thời gian, tập trung hết sức! |
Bài: An Phương
Đồ họa: Ngô Thụy