Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động là người nước ngoài của Hàn Quốc (EPS); đến nay, Nghệ An có gần 10.000 lượt lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc và có trên 3.300 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, với mức lương khoảng từ 1.000 - 1.500 USD/người/tháng. Qua việc thực hiện chương trình EPS đã góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho các địa phương. Theo số liệu thống kê, tỉnh Nghệ An có số lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc không về nước năm 2019 là 2.288 người. Vì vậy, trong năm 2019, có đến 9 huyện, thành, thị của Nghệ An, lao động bị tạm dừng tham gia kỳ thi Tiếng Hàn theo chương trình EPS, gồm Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do sự chênh lệch thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, một bộ phận doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp, trong đó có lao động Việt Nam; chính sách xử phạt đối với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp và người lao động bất hợp pháp chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội của một bộ phận người lao động chưa tốt; một số người lao động không nắm được quy định của chương trình, nhẹ dạ, cả tin đã mất một số tiền cho các đối tượng cò mồi, trung gian nên lấy lý do này để ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. |
Thời gian qua, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định |
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; tạo cơ hội cho những người lao động đang có nguyện vọng, đủ điều kiện được đi làm việc tại Hàn Quốc, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 539/UBND-KH về việc tuyên truyền, vận động giải quyêt đối với người lao động Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định, giai đoạn 2019 – 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời ban hành 15 văn bản chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị tuyên truyền cho lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn; thông báo danh sách những lao động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng trên đài truyền thanh địa phương và niêm yết danh sách tại trụ sở UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, khối để nhân dân biết nhằm góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền, răn đe những người cố tình chống đối pháp luật. Phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước và các địa phương tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền vận động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng về nước theo đúng quy định. Kết quả trong năm 2020, Nghệ An đã giảm số lượng các huyện, thành, thị bị tạm dừng tham gia kỳ thi Tiếng Hàn theo Chương trình EPS xuống còn 3 đơn vị, gồm huyện Nghi Lộc, huyện Nam Đàn và thị xã Cửa Lò. Thực hiện theo Quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An xử lý tiền ký quỹ do bỏ trốn khỏi nơi làm việc của 160 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc; bổ sung vào ngân sách tỉnh số tiền 16 tỷ đồng. |
Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tỷ lệ lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc |
Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: "Để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động giải quyết đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc không về nước theo đúng quy định, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể như: Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội bằng những hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và xã hội về những hậu quả và hệ lụy ảnh hưởng đối với tình trạng người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc không về nước đúng quy định, ở lại cư trú bất hợp pháp; vận động gia đình người lao động ở trong nước và trực tiếp tới người lao động tại Hàn Quốc để vận động người lao động về nước đúng quy định; UBND các xã, phường yêu cầu gia đình người lao động ký cam kết về việc vận động con em họ về nước đúng thời hạn; thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền với đầy đủ các thành phần lãnh đạo các ban, ngành cấp xã và các đồng chí bí thư, trưởng thôn, trưởng, phó các tổ chức đoàn thể thôn, xóm trên địa bàn xã. Đặc biệt, thành phần tham gia hội nghị phải có đại diện các gia đình người lao động hết hạn hợp đồng phải về nước; thành lập tổ tư vấn cấp xã gồm Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, cán bộ văn hóa và cán bộ LĐTB&XH để giúp UBND xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đến tận nhà các gia đình có người thân cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc để kêu gọi con em trở về nước. Đồng thời thực hiện nghiêm túc Quyết định 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; đảm bảo 100% người lao động phải ký quỹ trước khi xuất cảnh. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tạo điều kiện, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước làm việc". |
Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định tại thị xã Cửa Lò
Các buổi tuyên truyền luôn có đầy đủ các thành phần liên quan tham gia
Tỉnh Nghệ An đang phấn đấu đến trước năm 2023 toàn tỉnh không còn địa phương nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống mức tối thiểu dưới 30% theo bản thỏa thuận đã ký giữa 2 chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. |
Kiều Anh