|
“Hơn 10 năm làm công tác công đoàn, chưa năm nào chúng tôi có ngày 8/3 đặc biệt như năm nay. Mọi kế hoạch đều bị đảo lộn. Rất mong người lao động sớm được trở lại sản xuất, chúng tôi sẽ cố gắng bù đắp và tổ chức ngày này cho các nữ công nhân, dù muộn nhưng cũng phần nào động viên tinh thần cho họ”, chị Nguyễn Thị Hoài Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Brother nói. Sắp lại những túi đồ đã được phân loại cẩn thận lên từng xe hàng, chuẩn bị ngày mai phát cho công nhân thuê trọ, người già neo đơn và các hộ gia đình trong thôn Tân Cờ, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng - Hải Dương), chị Vũ Chính tâm sự: “13 năm làm công nhân cho Công ty TNHH Brother (Cẩm Giàng), ngày 8/3 năm nào cũng nhận được hoa và quà. Năm nay, do dịch Covid-19, đến ngày 8/3, công ty vẫn chưa có kế hoạch hoạt động trở lại. Có lẽ, năm nay nữ công nhân vùng dịch như chúng tôi sẽ đón ngày này muộn hơn so với mọi năm”. Chị Chính (áo đen) sắp đồ chuẩn bị đi phát quà cho công nhân thuê trọ, người già neo đơn... trong thôn. Ảnh: NVCC Ngày 8/3, phụ nữ khắp nơi được tôn vinh, được nhận những bó hoa, món quà ý nghĩa và những lời chúc tốt đẹp nhất. Dù không hoa, quà, nhưng với chị Chính, Quốc tế Phụ nữ năm nay có lẽ là ngày đặc biệt hơn mọi năm vì chị được tiếp tục đồng hành cùng hội phụ nữ trong thôn tặng quà cho công nhân thuê trọ, người già neo đơn, gia đình khó khăn. Chị cho hay: “Năm nay, ngày 8/3 khác với nhiều năm, không có hoa hay quà nhưng tôi thấy hạnh phúc bởi làm được việc ý nghĩa. Trong thôn, có nhiều công nhân nữ xa quê thuê trọ, họ thực sự khó khăn, lúc này thay vì hoa, tôi tặng quà là trứng, gạo, nước mắm, bột canh… Và tôi chỉ mong dịch sớm đẩy lùi, để những công nhân vùng dịch như chúng tôi được trở lại làm việc, ổn định cuộc sống". Chị Chính cùng hội phụ nữ thôn phát quà cho nữ công nhân thuê trọ. Ảnh: NVCC Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoài Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Brother (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: “Công ty hiện có 11.000 công nhân lao động, trong đó nữ công nhân chiếm tới 75%. Hàng năm, ngày 8/3, Công đoàn Công ty đều tổ chức tặng hoa, quà và gửi lời chúc mừng. Kế hoạch cho ngày 8/3 năm nay, công đoàn cũng đã chuẩn bị lên danh sách, mua quà tặng nhưng vì dịch bệnh nên đành hoãn lại. Đành chờ công ty hoạt động trở lại, công đoàn chúng tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể, có thể kết hợp lồng ghép các chương trình để cùng tổ chức”. “Hơn 10 năm làm công tác công đoàn, chưa năm nào chúng tôi có ngày 8/3 đặc biệt như năm nay. Mọi kế hoạch đều bị đảo lộn. Mong người lao động sớm được trở lại sản xuất, chúng tôi sẽ cố gắng bù đắp và tổ chức ngày này cho các nữ công nhân, dù muộn nhưng cũng phần nào động viên tinh thần cho họ”, chị Liên chia sẻ thêm. Mong người lao động sớm trở lại làm việc, công ty sẽ cố gắng tổ chức ngày 8/3 cho các nữ công nhân. Ảnh: N.L Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, với những nữ công nhân xa quê ở lại vùng dịch, lại càng mong muốn được quan tâm, chúc mừng và động viên. Trong căn phòng nhỏ (thôn Tân Cờ, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng), bạn Cao Thị Tình bộc bạch: “Hàng năm, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, dù ít hay nhiều nhưng công ty đều có quà và tổ chức liên hoan nhỏ cho công nhân nữ. Nhưng năm nay, vì dịch Covid -19, em lại bị cách ly và công ty cũng chưa hoạt động trở lại. Đón ngày 8/3 ở nơi trọ chỉ có một mình, em thấy chạnh lòng, nhớ gia đình và các con ở quê xa. Nhưng điều quan trọng với em lúc này chỉ mong sớm hết dịch bệnh, được trở lại làm việc để lo trang trải cuộc sống. Chờ sang năm có ngày 8/3 vui hơn chị ạ”. Căn phòng nơi bạn Cao Thị Tình thuê trọ. Ảnh: NVCC Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bạn Cao Thị Tình ở phòng trọ chỉ có một mình. Ảnh NVCC Những ngày này, khắp mọi nơi, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh tặng quà, nhận quà trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Nhưng với nữ công nhân vùng dịch Hải Dương, lúc này, họ chỉ mong sớm được trở lại với công việc, ổn định cuộc sống thế là đủ. |
Bài viết: Hoàng Linh
|