Muôn kiểu chống rét của công nhân lao động |
Miền Bắc đang trong những ngày lạnh sâu, có thời điểm nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C khiến việc sinh hoạt, lao động của công nhân gặp nhiều khó khăn. |
Nhặt củi khô đốt lửa sưởi ấm |
Đã 4 năm nay, ông Long (Sơn Tây, Hà Nội), công nhân Công ty CP Quản lý và Đầu tư xây dựng đường bộ Hà Nội được giao nhiệm vụ quản lý, trông coi 2 cầu vượt đường nhánh Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ông cho biết, công việc này đơn giản, nhưng đòi hỏi phải thường xuyên ở ngoài trời cho nên có những nỗi vất vả… rất riêng. Và sự vất vả ấy chủ yếu đến từ thời tiết. Mấy ngày Hà Nội rét căm căm, quãng đường hơn 20km từ nhà đến địa điểm làm việc dường như xa hơn đối với ông Long. Dù đã chuẩn bị áo trong áo ngoài, quàng khăn, đeo găng tay, đi ủng… nhưng ông Long vẫn so vai rụt cổ bởi không thể chịu nổi cái lạnh cắt da cắt thịt. |
Ông Long ngồi sưởi ấm bên đống lửa |
Cũng may, chủ quán nước trà nóng ngay dưới chân cầu vượt đi bộ có nhóm một đống lửa, sưởi ấm cho cả chủ lẫn khách. Ông Long chọn đó làm nơi lui tới hằng ngày, thỉnh thoảng sang bên đường gom chút củi khô, đốt thêm cho đỡ lạnh. “Thời tiết này, nếu không có đống lửa sưởi ấm thì chết lạnh mất. Chỉ mong những đợt lạnh chóng qua, để những người lao động ngoài trời như chúng tôi đỡ khổ”, ông Long nói. |
Cách giữ ấm hiệu quả của nhiều người lao động là đốt củi |
Tại các “chợ người” ở Hà Nội (gầm cầu vượt đường Bưởi, cầu Mai Động…), nhiều cửu vạn cũng gom cành cây, gốc cây khô để đốt lên, sưởi ấm. Họ thường đứng túm tụm theo từng nhóm, có khi lên tới hàng chục người để chờ việc. Phơi mặt ngoài đường từ sáng đến đêm, những đống lửa đã giúp họ chống chọi với giá lạnh. Anh Nguyễn Bá Cảnh (quê Yên Thành, Nghệ An) cho hay: “Anh em chúng tôi đứng đây chờ việc, vừa sưởi ấm, vừa trò chuyện cũng vui. Một khúc thân cây có thể đủ sưởi ấm 2-3 ngày cho cả nhóm”. |
Chăn ấm, đệm êm để đảm bảo sức khoẻ |
Hơn 10 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) với hàng ngàn buổi làm ca đêm, song những ngày qua chị Trọng Thị Hồng Thương vẫn cảm thấy nản mỗi khi ra khỏi phòng trọ để đến công ty. Gần Tết, chị Thương được phân công làm ca đêm, từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Thời điểm đi làm và tan làm đều vào lúc nhiệt độ giảm sâu nhất trong ngày, cho nên đó thực sự là một “cực hình” đối với chị. |
Chị Trọng Thị Hồng Thương - công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) |
“Tôi phải mặc áo len, áo phao, đeo khăn, găng tay, trùm kín đầu và bịt khẩu trang chống rét nhưng vẫn cảm thấy rét cắt da cắt thịt. Mùa này mọi người cũng hạn chế đi ra đường vào ban đêm, mà thời điểm đó mình mới bắt đầu ra khỏi nhà để tới công ty. Thực sự rất là ngại nhưng biết làm sao được, công việc mà!”, chị Thương nói. Để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cả gia đình, vợ chồng chị Thương đã trang bị đầy đủ đệm, chăn ấm trên chiếc giường rộng rãi. Sàn phòng trọ cũng được trải tấm thảm cho ấm cúng. Chị thường ngủ nhiều giờ rồi dậy ăn uống, nghỉ ngơi trước khi đi làm ca đêm. |
Công nhân trùm kín cơ thể khi ra ngoài đường |
“Để đảm bảo sức khoẻ làm ca đêm mùa này, trước hết phải giữ ấm cơ thể, tránh bị cảm lạnh, cúm… Ngoài ra cũng phải ăn uống đủ chất, đặc biệt uống nhiều nước ấm”, chị Thương chia sẻ. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh khiến các phản ứng miễn dịch của cơ thể trở nên chậm chạp, các vi khuẩn, virus có thể dễ dàng xâm nhập. Do đó, để đảm bảo sức khoẻ trong mùa lạnh, cơ thể cần được giữ ấm. Ngoài ra, mỗi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: đảm bảo dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung đầy đủ vitamin và duy trì việc luyện tập thể dục thể thao… |
Ý Yên |