|
Mong được đi làm trong ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập |
Đây là niềm mong mỏi của những lao động không về quê, chọn ở lại thành phố để làm việc trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021. |
“Người ta nghỉ, còn mình đi làm ngày Tết” |
Dắt tay 2 đứa con nhỏ chừng 3 – 4 tuổi dạo chơi trên sân tập thể của khu trọ ở thôn Bầu, Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), chị Lê Thị Thu (31 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) vui cười khi dõi theo những hoạt động nô đùa của con dưới ánh nắng hanh hao của chiều Đông lạnh giá. Làm công nhân ở một công ty trong KCN Bắc Thăng Long đã hơn 10 năm, chị Thu chia sẻ rằng bản thân đã quen với công việc làm theo ca, kíp. Do làm theo kíp nên giờ giấc đi làm của chị đôi khi không giống như người bình thường. Chị kể có khi được nghỉ ngày thường nhưng lại đi làm vào thứ bảy, chủ nhật. “Nhiều lúc chồng trách là thứ bảy, chủ nhật người ta được nghỉ mà mình lại đi làm”, chị Thu bộc bạch. Khi chúng tôi hỏi “Vì sao chị và gia đình không về quê trong dịp nghỉ Tết Dương lịch?”, chị Thu cười nói: “Chị đi làm ngày Tết mà em. Chị cũng muốn về quê lắm nhưng công ty phân công rồi, với lại đi làm ngày này lương cũng cao hơn nữa. Tiền thưởng Tết Dương lịch không có vì công ty chị thưởng vào Tết Nguyên đán. Vợ chồng chị quyết định ở lại khu trọ, tranh thủ đi làm kiếm thêm chút thu nhập”. Vì đi làm vào ngày Tết Dương lịch nên có lẽ vợ chồng chị sẽ cho con đi chơi ở gần đây vào một ngày khác. Năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên cuộc sống của những người lao động bị tác động nhiều. Nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. “May mắn là công ty vẫn sắp xếp được công việc nên thu nhập của chị không bị giảm”, chị Thu cho biết. |
Chị Thu không về quê vì phải đi làm vào ngày Tết Dương lịch. |
Khó khăn lớn nhất đối với chị Thu có lẽ vẫn là giờ giấc để 2 vợ chồng có thể chia nhau chăm lo cho hai con nhỏ. Chị Thu cho hay: “Chị làm kíp từ 8h đến 20h, đôi khi phải làm cuối tuần, còn anh nhà chị thì làm theo ca, nên hai vợ chồng phải hỗ trợ, chú ý cân bằng giờ giấc để lo cho hai con. May mắn là hai đứa đã đi mẫu giáo, nên chỉ cần linh hoạt thời gian để đưa, đón con đi học”. Về mong ước trong năm 2021, chị nói: “Mong dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi, gia đình khỏe mạnh, công việc tiến triển và được tăng lương, chứ năm 2020 vừa qua chị thấy nhiều khó khăn quá”. |
Không về quê dịp Tết Dương lịch, anh Trần Quang Linh (21 tuổi, quê tại Lào Cai) cho biết: “Tôi mới làm công nhân được mấy tháng thôi, nhưng tranh thủ làm thêm công việc lặt vặt trong mấy ngày nghỉ này để kiếm thêm chút thu nhập. Tôi cũng mong về quê, nhưng đành chờ dịp Tết Nguyên đán. Thưởng Tết Dương lịch ở công ty chỉ được quà và lịch thôi, còn lại trông chờ vào Tết Nguyên đán. Hơn nữa, nhà tôi cũng xa nên ở lại làm thêm vừa kiếm được tiền, vừa tiết kiệm chi phí”. Anh Linh mong muốn sang năm 2021 có thể thay đổi công việc khác, đồng thời học thêm để nâng cao kiến thức. “Làm công nhân vốn không được lâu dài và thu nhập không cao nên tôi mong sẽ tìm được công việc khác trong năm 2021”. Mỗi người đều có một lý do khác nhau khi chọn cách ở lại thành phố và đi làm trong ngày nghỉ Tết, nhưng tựu trung lại ai cũng mong có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống ở thành phố và phụ giúp gia đình ở quê nhà. |
Nhiều công nhân tranh thủ rút tiền tại cây ATM sau giờ tan ca vào chiều cuối năm 2020. |
Đi làm vào ngày Tết Dương lịch 2021, công nhân, người lao động được nhận lương thế nào? |
Theo quy định tại Điều 112 về nghỉ lễ, Tết của Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong ngày Tết Dương lịch. Tết Dương lịch 2021 rơi vào ngày thứ sáu nên ngoài ngày nghỉ chính thức, người lao động sẽ có thêm 2 ngày nghỉ hằng tuần. Do đó, Tết Dương lịch, người lao động được nghỉ 03 ngày, từ ngày thứ sáu 01/01/2021 đến hết ngày chủ nhật 03/01/2021. Thế nhưng, do đặc thù công việc hoặc thực hiện theo sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động mà nhiều công nhân, người lao động vẫn đi làm vào ngày này thì sẽ được tính là làm thêm giờ và hưởng lương làm thêm giờ. Căn cứ theo quy định tại Điều 98 về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Cụ thể, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ nhận được ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày. Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm thì sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Bên cạnh đó, người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo thời gian làm việc thực tế, tiền lương làm thêm giờ, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết. Chính vì vậy, cùng với việc được hưởng nguyên lương (100% tiền lương) của ngày nghỉ lễ, Tết, nếu đi làm vào dịp Tết Dương lịch 2021, người lao động có thể nhận được tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường. |
Nếu đi làm vào dịp Tết Dương lịch 2021, người lao động có thể nhận được tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường. |
Một nữ công nhân đưa con dạo chơi gần khu trọ ở thôn Bầu, Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). |