Có công việc ổn định, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng, Lê Thị Hương Lan (quê Thái Nguyên) cho rằng gia đình mình may mắn hơn nhiều vợ chồng công nhân khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. |
có lúc trong túi không có nổi 50.000 đồng |
Sinh ra và lớn lên tại xã Tiền Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Lê Thị Hương Lan, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên có gia cảnh khó khăn. Bố mẹ chia tay khi chị em Hương Lan còn nhỏ. Một mình mẹ của Lan cặm cụi làm việc, nuôi hai chị em khôn lớn. Con gái nhà nghèo, học hết cấp 3, Lan học nghề may rồi làm công nhân. Lan gặp chồng là Ngô Quang Trưởng (sinh năm 1987) và quyết định kết hôn vào 10 năm trước. Đều là công nhân, thu nhập thấp, cuộc sống hai vợ chồng hết sức khó khăn. “Khi kết hôn, chúng em còn rất trẻ. Em 22 tuổi. Còn anh ấy 25. Em làm công nhân may, lương 1,8 triệu đồng/tháng. Anh ấy làm nghề rèn, lương 2 triệu đồng/tháng. Lúc cưới, cả hai bên gia đình rất nghèo. Chúng em chỉ được tổ chức buổi rước dâu, gặp mặt với khoảng 60 người. Nếu làm đám cưới linh đình, mang công nợ, hại vợ chồng sợ không thể trả hết nợ được. Làm đám cưới nhỏ vậy mà còn phải vay mượn chị à” – Hương Lan kể với chúng tôi. Lan kể, cuộc sống khó khăn bắt đầu khi cô làm dâu, làm vợ. Hai vợ chồng thường xuyên phải chịu áp lực về tiền bạc. Không ít lần, hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Tiền lương tháng nào lĩnh về đều phải lo dành dụm trả nợ, còn lại trang trải cuộc sống sinh hoạt. Hết tiền, có lúc trong túi không còn đến 50.000 đồng. Nhiều ngày, nhiều tháng, hai vợ chồng có gì ăn nấy. |
Vợ chồng Lan - Trưởng tham gia đám cưới tập thể năm 2020 do LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên tổ chức |
“Lúc căng thẳng nhất là lúc không có tiền, nhiều chuyện xảy ra. Hồi ấy, chúng em ăn triền miên đậu phụ. Mỗi bữa chỉ mất 2.000 đồng là mua được 4 tấm. Khi em mang thai con đầu lòng, cả hai mẹ con đều không có sữa, dinh dưỡng cũng không có gì. Em thường xuyên nghĩ ngợi. Nhưng em là đứa tính lầm lì, ít nói và nhẫn nhịn. Em không muốn con phải rơi vào hoàn cảnh như chính mình: Cha mẹ chia tay, con cái thiếu thốn tình cảm. 10 năm của cuộc hôn nhân, nếu như không nhẫn nhịn, kiên trì, có lẽ vợ chồng em không còn cùng đi với nhau đến ngày hôm nay” – Lan kể lại. 10 năm sống cảnh “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, hai vợ chồng Lan – Trưởng có với nhau hai mặt con. Con trai lớn đã học xong lớp 2. Bé con cũng đã vào lớp 1. Sau 10 năm chung sống, hai vợ chồng mới thật sự được tận hưởng một đám cưới đúng nghĩa khi đăng ký tham gia đám cưới tập thể do LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên tổ chức năm 2020. “Gọi là đám cưới nhưng 10 năm trước, chúng em thật sự chỉ làm 10 mâm cơm để báo hỷ với họ hàng, đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký rồi theo nhau về. Trong lòng dù không nói ra nhưng chúng em đều mơ về một đám cưới đầy đủ, được trao nhẫn cưới, được sự chúc phúc của đông đảo họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… Do vậy, chúng em đã đăng ký với LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên để được “cưới lại” một lần trong đời. Thực sự, đám cưới đó đã khiến vợ chồng em thay đổi rất nhiều” – Ngô Quang Trưởng cho biết. |
"đám cưới của công đoàn khiến vợ chồng em thay đổi" |
Là một người chồng, Trưởng luôn áy náy vì một đám cưới nhỏ bé và khiêm tốn quá khiến vợ phải tủi thân. Bởi lúc trước, hai bên gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhà Trưởng đông anh, chị em. Nhà Lan, mẹ còn phải lo cho em gái ăn học. Bố mẹ hai bên đều làm nông nghiệp, quanh năm làm lụng chỉ đủ ăn. Thực sự lúc ấy, hai vợ chồng đã “liều” khi quyết tâm làm đám cưới. Trong suốt 10 năm của cuộc sống hôn nhân, Trưởng luôn mong vợ được mặc chiếc váy cưới đẹp, được trang điểm thật xinh. Nhưng phải đến khi đăng ký tham gia đám cưới tập thể, ước mơ của anh mới thành hiện thực. Khi nhận được kế hoạch tổ chức đám cưới tập thể của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên đã thông báo tới công nhân lao động. Tuy nhiên, việc lựa chọn các cặp đôi công nhân lao động lại không hẳn dễ dàng. Vì có nhiều cặp đôi, nhiều hoàn cảnh công nhân khó khăn cần công đoàn hỗ trợ. Cuối cùng, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn được cặp đôi Lê Thị Hương Lan và Nguyễn Quốc Trưởng. Hơn 1 năm sau “đám cưới lại”, cô vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp khó tả của một cô gái sắp sửa lấy chồng. “Vợ chồng em đến với đám cưới không kịp chuẩn bị gì, ngoài hai đôi dép mới. Trong lòng em bồi hồi khó tả. Còn chồng em, dù ngày thường cứng rắn là vậy cũng rơi nước mắt. Chồng em bảo, lần đầu tiên, đám cưới của hai vợ chồng được diễn ra trước sự chứng kiến của bao nhiêu con người. Cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui, vừa xúc động. Tim em đập thật nhanh, không kìm nén được. Các con em cũng vui sướng khi thấy đám cưới của bố mẹ. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân của em ai cũng nói: Đám cưới của hai vợ chồng em rất vui. Đó là kỷ niệm mà chúng em không bao giờ quên được” – Hương Lan xúc động kể. |
Người thân của Hương Lan vui mừng khi tham dự đám cưới của hai bạn |
Điều Lan tiếc nuối nhất, đó là mẹ cô không thể tham dự đám cưới. Vì mắc bệnh tim, bà phải tránh xúc động mạnh. Ở nhà xem đám cưới con mình “qua ti vi”, bà rơi nước mắt. Thấy con gái có đám cưới đủ đầy, trái tim bà như muốn vỡ ra vì hạnh phúc. “Giá trị lớn nhất mà đám cưới tập thể của công đoàn mang lại cho chúng em đó là khiến chúng em thay đổi rất nhiều. Em yêu đời hơn. Chồng cũng thay đổi nhiều về tính cách, không còn cục cằn như trước. Hai chúng em đều nghĩ, thì ra, cuộc sống dù khó khăn đến mấy vẫn luôn phải lạc quan, phải nhìn về phía trước. Đã xác định người đi cùng mình suốt cuộc đời thì phải tin tưởng, phải đồng lòng. Như bản thân em, sau 10 năm vất vả, em cũng đã được bằng bạn bằng bè: Được là cô dâu xinh đẹp và có một đám cưới tươm tất” – Hương Lan hạnh phúc nói. Trò chuyện với chúng tôi, Hương Lan như trẻ lại với nụ cười trên môi. Lan kể, từ “ngày cưới” đến giờ, ai cũng khen Lan xinh đẹp hơn trước. Bản thân Lan cũng thấy mình trẻ trung hơn. “Chồng em bảo, ước gì 10 năm nữa, hai vợ chồng lại được một lần nữa làm đám cưới, vui như thế” – Hương Lan vừa làm thủ tục đăng ký tiêm vaccine Covid-19, vừa nói với chúng tôi. Cặp đôi Lan - Trưởng (hàng thứ nhất, ngoài cùng bên phải) tại đám cưới tập thể dành cho công nhân năm 2020 |
hạnh phúc là giữa mùa dịch có việc làm, có thu nhập |
Theo cô, hạnh phúc trong lúc này với hai vợ chồng, không gì hơn là có công việc ổn định. Hai vợ chồng đã bước đầu vượt qua thời khốn khó. Quốc Trưởng làm việc tại TP Thái Nguyên, thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Hương Lan cũng có thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Cuộc sống hai vợ chồng không lấy gì làm dư dả, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. “Dịch bệnh phức tạp nhưng hai vợ chồng em vẫn được đảm bảo việc làm, thu nhập, làm đủ ngày công. Hai vợ chồng đều làm ở gần nhà. Căn nhà cấp 4 dù nhỏ thôi nhưng cũng đủ để gia đình em sinh hoạt. Em thấy như vậy đã là hạnh phúc. Trong khi nhiều cặp vợ chồng công nhân khác phải nghỉ việc, ngừng việc, thậm chí là nhiễm Covid-19, phải cách ly, có cuộc sống khó khăn hơn chúng em rất nhiều” – Hương Lan tâm sự. "Xác định tổ chức Công đoàn là “bà mối” se duyên và cũng là “người bạn tâm tình” để giúp vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc, LĐLĐ tỉnh đang có kế hoạch tổ chức đám cưới tập thể năm 2021 với mong muốn vun đắp khởi đầu cho những gia đình hạnh phúc trong tương lai. LĐLĐ tỉnh vẫn luôn dõi theo các cặp đôi để kịp thời giúp đỡ khi có khó khăn, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các cấp công đoàn tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động" - ông Phạm Văn Quang - Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết. Video đám cưới tập thể năm 2020 tại Thái Nguyên |
Duy Minh |