"Liều thuốc" chiến thắng Covid-19

“Từng lọt vào tốp 20% bệnh nhân trở nặng, điều trị ở khu có bệnh lý nền nên với mình, dịch bệnh Covid-19 thật sự rất nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm. Mình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi vượt qua được nó”, anh Phạm Quyết Thắng (SN 1991, phường 2, Tân Bình, TP HCM) chia sẻ.

Những ngày không thể quên

Dù đã kết thúc 14 ngày cách ly ở nhà sau thời gian điều trị tại bệnh viện, thế nhưng, di chứng về virus SARS-CoV-2 xâm nhập khiến những cơn ho, tằng hắng vẫn chưa chấm dứt.

Anh Phạm Quyết Thắng là người con quê Ninh Bình. Năm 2009, anh đặt chân đến thành phố mang tên Bác để học tập và quyết định gắn bó lâu dài. Anh Thắng quản lý một dãy phòng trọ nhỏ, ngày 10 hằng tháng, anh đi thu tiền trọ của những người thuê lớn tuổi và cũng chính điều này đã đưa anh vào “cuộc chiến” khó khăn nhất cuộc đời.

Ngày 10/7, như mọi khi, anh Thắng đến thu tiền trọ, thời điểm đó, một người đàn ông thuê trọ không may ủ mầm bệnh. Đến ngày 13/7, khi bắt đầu bị sốt, anh Thắng vẫn không có sự nghi ngờ nào bởi ca ủ bệnh vẫn chưa được phát hiện.

“Lúc đó, thời tiết TP HCM rất nóng, tối ngủ sẽ bật máy quạt hơi nước, đến sáng hôm sau lên cơn sốt, mình lại nghĩ là do để hơi nước phả vào người cả đêm nên ốm. Hơn nữa, thời gian tiếp xúc với những người ở trọ là rất ngắn, khoảng 30 giây, mình chỉ đến lấy tiền rồi đi”, anh Thắng cho biết.

"Liều thuốc" chiến thắng Covid-19

Anh Thắng trong ngày chuyển viện sang Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn.

Không chút nghi ngờ, anh Thắng tự điều trị bằng thuốc cảm tại nhà và được bạn cùng phòng nấu nước xông. Uống thuốc 2 ngày bệnh tình có đỡ nhưng không hết, anh lại tiếp tục mua thêm thuốc cảm cúm thông thường để điều trị. Chỉ đến ngày 16/7, khi nhận được cuộc gọi từ khu trọ thông báo đã có người nhiễm bệnh thì anh Thắng mới nghi mình nhiễm Covid-19.

“Trưa ngày 16, mình đến bệnh viện xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính nên bệnh viện yêu cầu làm xét nghiệm PCR một lần nữa để khẳng định. Sau khi xét nghiệm, bệnh viện đưa mình đi khu cách ly tạm thời để chờ kết quả chính thức. Lúc đó, mọi suy nghĩ tiêu cực, lo lắng cứ dồn dập đến”, anh Thắng nhớ lại.

Đến khu cách ly, anh chưa xuất hiện triệu chứng khó thở nên được ở nơi những bệnh nhân có dấu hiệu nhẹ. Điều này giúp anh Thắng yên tâm phần nào. Tuy nhiên, vốn là người có bệnh lý nền về máu não nên sau 4 ngày, anh Thắng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để điều trị. Vì trục trặc hệ thống dữ liệu, phải 2 ngày sau, anh mới chính thức đến nơi điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý nền. Đi cùng chuyến xe chuyển viện hôm ấy có thêm 2 bệnh nhân khác.

“Liều thuốc” lạc quan

Mặc dù khoảng thời gian điều trị đã lùi xa nhưng với anh Thắng, những ngày “chiến đấu” chống virus SARS-CoV-2 đã trở thành những ký ức không thể quên trong cuộc đời. Ngày đầu tiên anh vào khu điều trị đặc biệt đã là ngày thứ 7 kể từ khi phát bệnh. Bệnh chuyển biến xấu khi anh Thắng cảm thấy khó thở, người mệt mỏi.

“Lúc nhận phòng, mình thật sự rất tâm lý. Phòng 20 người, toàn các bệnh nhân lớn tuổi hoặc người có vấn đề về thần kinh. Có đến một nửa bệnh nhân trong phòng phải thở oxy. Mình cảm giác rất u uất, lo lắng, bản thân lại khó thở. Nhất là về đêm, thở sâu, hít thật nhiều thì tức ngực, thở dốc thì lại thiếu oxy. Những giấc ngủ cứ chập chờn, 1-2 tiếng ngủ, 1-2 tiếng giật mình thức giấc, lo lắng, suy nghĩ nhiều thứ. Hơn nữa, vì là điều trị bệnh nhân nặng nên ngày nào cũng có người mất, có lúc là ở tại phòng của mình”, anh Thắng nhớ lại.

Phòng điều trị của anh Thắng.

"Liều thuốc" chiến thắng Covid-19

Điều này đã khiến thời gian đầu anh điều trị rất khó khăn. Vậy nhưng, qua vài ngày nhận được sự động viên, chia sẻ của các y, bác sĩ và người nhà, anh dần thích ứng, tích cực hơn trong điều trị.

Như nhiều bệnh nhân khác, ngày đầu tiên nhập viện, anh Thắng được đo huyết áp, đo nồng độ oxy trên đầu ngón tay, xét nghiệm máu, xét nghiệm kháng thể xem cơ thể anh đã sản sinh ra kháng thể đẩy lùi virus chưa? Sau đó, bác sĩ lấy kết quả và kê đơn thuốc.

“Thuốc thì mình được cấp 1 viên hạ sốt và 1 viên C sủi mỗi ngày, bổ sung canxi, bổ sung B1, B6, B12, ai có triệu chứng đau họng thì bác sĩ cho thêm thuốc ngậm đau họng. Những ai già yếu quá phải thở oxy thì dùng thuốc riêng để điều trị bệnh nền, uống ngày 3 buổi sau bữa ăn. Người yếu quá thì phải tiêm kháng sinh, ai có thêm sữa hay thuốc bổ thì cứ uống bình thường”, anh Thắng cho biết.

"Liều thuốc" chiến thắng Covid-19

Anh Thắng bổ sung nhiều thuốc bổ trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, theo anh Thắng, "liều thuốc" hiệu quả nhất để kháng bệnh chính là sự lạc quan của mỗi người.

“Mỗi khi kê đơn thuốc hay thăm khám, các bác sĩ dặn dò bệnh nhân uống đủ liều theo hướng dẫn nhưng cái quan trọng nhất là giữ cho mình một tinh thần lạc quan, bình tâm, tâm lý luôn thoải mái thì bệnh tình sẽ cải thiện”, anh Thắng chia sẻ.

Từ những lời căn dặn, động viên của bác sĩ, anh dần thoát khỏi tâm lý lo sợ ban đầu và xung phong hỗ trợ bệnh viện một số công việc như đi phát cơm, đưa thuốc cho các bác lớn tuổi hơn. Mỗi ngày, anh Thắng và nhiều bệnh nhân khác cùng phòng đều cố gắng hoàn thành những bài vận động nhẹ. Trong căn phòng hơn 40m2, mỗi buổi chiều, mọi người lại tranh thủ đi bộ nhưng vẫn tuân thủ nghiêm việc sát khuẩn và đeo khẩu trang. Gặp nhau trong hoàn cảnh bệnh tật nhưng các bệnh nhân cùng phòng đã luôn chia sẻ, động viên nhau điều trị tốt.

Lời cảm ơn từ trái tim

Trải qua 15 ngày điều trị và 3 lần xét nghiệm âm tính, ngày 4/8, anh Thắng được bệnh viện thông báo sẽ xuất viện. Nhận được giấy ra viện, anh Thắng đọc tỉ mỉ từng chữ rồi reo vui như đứa trẻ được nhận quà bánh.

Trong cuộc chiến này, hơn ai hết, anh cảm nhận được rõ mất mát và đau thương khi chứng kiến những bệnh nhân rời xa vòng tay gia đình. Trong lần xóm trọ của anh bị Covid-19 quét qua, ngoài anh Thắng còn thêm 5 bệnh nhân dương tính khác, trong đó có cả bạn cùng phòng anh. Vậy nhưng, chỉ có 5 người được hưởng niềm vui đoàn tụ với gia đình, một cô thuê trọ (51 tuổi) phát bệnh từ 22/7, đến 24/7 đã không thể qua khỏi.

"Liều thuốc" chiến thắng Covid-19

Niềm vui vỡ òa khi anh Thắng được cầm trên tay giấy ra viện.

“Từng lọt vào tốp 20% bệnh nhân trở nặng, điều trị ở khu có bệnh lý nền nên với mình, dịch bệnh Covid-19 thật sự rất nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm. Mình cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi vượt qua được nó”, anh Thắng tâm sự.

Cũng trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, anh Thắng luôn dành sự ngưỡng mộ, khâm phục rất lớn cho các “chiến sĩ áo trắng”.

“Mình vượt qua được những ngày tháng khó khăn đó, một phần lớn ở sự tận tâm, tận tụy của các y, bác sĩ. Ở đó, có những người đã 2-3 tháng chưa được về nhà, họ dù có mệt mỏi vẫn vượt qua để động viên bệnh nhân. Rồi những đêm trắng cấp cứu các trường hợp nguy kịch. Chứng kiến tất cả mình thật sự rất thương và muốn gửi thật nhiều những lời cảm ơn đến các y, bác sĩ”, anh Thắng tâm sự.

Với nhiều người dân sinh ra hay tìm đến TP HCM để lập nghiệp thì có lẽ đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến thành phố “ốm” lâu đến vậy. 12 năm ở đây, không quá dài, nhưng cũng đủ để anh Thắng dành nhiều tình cảm cho mảnh đấy này. Vì vậy, chàng trai trẻ vẫn luôn dành lời cảm ơn cũng như niềm mong muốn thành phố mau "khỏi bệnh”.

Bài viết, ảnh: Xuân Hậu