|
Tết Nguyên đán kết thúc cũng là thời điểm mà nhiều lao động khăn gói rời quê hương để bắt đầu một hành trình mới: Hành trình đi tìm việc làm. |
Vợ chồng Đinh Văn Tư (20 tuổi), quê ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, vừa quyết định “liều một phen”, xuống Hà Nội tìm việc. Họ quen nhau qua game online từ năm 2017, khi đang học lớp 11, cho đến tháng 8/2020 thì cưới. Cảnh làm ruộng đủ ăn nhưng vất vả, lam lũ khiến cả hai cùng “chán”. Tết vừa rồi, sau cuộc trò chuyện với một người cậu bên nhà vợ, đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vợ chồng Tư bàn nhau ly hương. Mùng 10 Tết, họ gói ghém quần áo vào cái túi xách, cố nhét thêm 4 chiếc bát con, 4 đôi đũa, 2 bát to, 2 chiếc đĩa, rồi bắt xe xuống Hà Nội. Cả hai vừa lớn lên thì cưới, chưa một lần đi xa, họ vừa vui, vừa hồi hộp mường tượng chân trời mới. |
Tư (bên phải) theo cậu ra Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tìm việc làm.
Xe lao vun vút, những cánh đồng quê khuất dần sau cửa kính. Trong lúc vợ gục đầu vào vai mình ngủ thiếp, thì Tư nhẩm tính sẽ phải chi tiêu ra sao với số tiền 3,5 triệu – toàn bộ vốn liếng giắt lưng của cả hai vợ chồng, trong khi tìm việc. “Tạm thời bọn em ở phòng trọ của gia đình cậu mợ. Nay cậu đưa em đi tìm phòng, đi 6 - 7 chỗ nhưng chưa thuê được. Giá cao quá, mỗi phòng từ 1 đến 2 triệu/tháng. Phòng rẻ người ta thuê hết rồi. Trong khoảng từ 700 – 900 nghìn là em sẽ thuê, nếu không sẽ tìm tiếp”, Tư chia sẻ về phương án tìm chỗ “an cư”. Tư cho biết, sẽ nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Toto Việt Nam – doanh nghiệp đang có kế hoạch tuyển dụng, cũng là nơi người cậu của mình đã gắn bó trên 10 năm. “Em mong muốn sớm có công việc ổn định, có thể làm lâu dài. Bây giờ có gia đình rồi, sau này còn có con, sẽ đỡ vất vả. Tính của em trầm, hiền, có thể chịu đựng được công việc công ty”, Tư bộc bạch. |
Sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động có nhu cầu tìm việc làm tại các khu công nghiệp. |
Dù chưa bao giờ đi ở trọ, nhưng Tư hiểu rằng để ổn định cuộc sống thì trước mắt phải sắm sửa nhiều vật dụng cần thiết, phải chịu khó, vì sẽ rất vất vả. Đó là những lời khuyên của cả 3 người chị gái đang làm công nhân ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, dành cho Tư. “Vợ chồng em chưa có phương tiện đi lại, phải tạm đi bộ. Nếu xin được việc thì sáng dậy sớm đi bộ đi làm, coi như tập thể dục. Chiều nay em mua một nồi cơm điện loại nhỏ và 1 cái chảo hết 400 nghìn”. Tư tính xa: “Khi nào nhận lương tháng đầu thì mua bếp gas. Bây giờ cứ cắm tạm nồi cơm rồi mua đồ ăn sẵn”. Hai cậu cháu Tư tập trung tìm việc trên bảng tuyển dụng. Chiều hôm qua, người cậu chở Tư ra bảng tin tuyển dụng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long để tìm việc cho vợ. Ở đó, hầu như lúc nào cũng có người đến tìm kiếm việc làm. Tư đọc kỹ hàng chục thông báo tuyển dụng, chụp lại thông tin rồi về bàn với vợ. “Ngày mai em nộp hồ sơ vào ToTo, còn vợ phù hợp với công ty nào thì nộp vào đó. Bọn em sẽ đi cùng nhau”, Tư chia sẻ.
|
Người lao động tìm kiếm việc làm tại bảng tuyển dụng.
Cũng mới xuống Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tìm việc được 2 hôm, Lê Công Hậu (25 tuổi) và người bạn may mắn tìm được phòng trọ giá 1 triệu đồng/tháng. Tạm yên tâm, chàng trai quê Hạ Hòa, Phú Thọ vừa sục sạo trên mạng xã hội, vừa đi ra bảng tuyển dụng gần cổng khu công nghiệp để tìm việc. Từng có 3 năm làm công nhân Công ty Sam Sung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên), rồi nghỉ việc do hết hợp đồng lao động. Theo Hậu, đó cũng là thời điểm công ty ít việc, lương thấp do ảnh hưởng bởi Covid-19. Sau đó Hậu về quê lái xe dịch vụ. Thu nhập bấp bênh, tháng nhiều, tháng ít, cho đến đầu năm nay thì anh buộc phải “treo niêu”. |
Lê Công Hậu (phải) và bạn cũng đang sốt ruột tìm việc. |
“Mọi năm, sau Tết, khách đi lễ hội rất nhiều. Năm nay do Covid-19 nên không có một ai thuê xe. Bây giờ nếu tìm được một công việc với mức lương thấp hơn kỳ vọng thì em vẫn sẽ làm, còn hơn là thất nghiệp ở nhà”, Hậu chia sẻ. Hậu tỏ ra khá sành sỏi và tự tin với kinh nghiệm làm điện công nghiệp của mình: “Em chuẩn bị duy nhất 1 bộ hồ sơ. Em là kỹ thuật viên, gửi CV qua email của công ty. Họ sẽ gọi em đến phỏng vấn. Nếu họ đồng ý nhận thì mới yêu cầu giấy tờ. Em chỉ mong trong thời gian ngắn nhất sẽ xin được việc, xuống đây rồi cũng thấy sốt ruột”. Nam, người bạn cùng quê với Hậu, từng đi bộ đội, rồi trở thành nhân viên bán hàng trong nội thành Hà Nội. Vừa rồi Covid-19 trở lại, Nam chính thức mất việc, vội chuyển nhà trọ sang Đông Anh tìm cơ hội việc làm trong khu công nghiệp. Nam nói: “Việc gì cũng được, cứ họ nhận là được. Mức lương không quan trọng!”. |
Công nhân may bám trụ nhà máy, gồng mình để “ổn định”
Làn sóng đại dịch thứ ba tiếp tục tác động mạnh đến công nhân ngành may mặc do hoạt động xuất khẩu của các nhà ... |
Hải Phòng: Nữ điều dưỡng dương tính với Covid-19 vừa đi chúc Tết, ăn hóa vàng
Dù không đi ra khỏi Hải Phòng, nhưng nữ điều dưỡng có lịch trình đi lại rất phức tạp khi đi siêu thị, uống cà ... |
Phát động cuộc thi ảnh "Trai xinh - Gái đẹp các khu công nghiệp" từ 22 - 28/2
Sau khi tuần đầu chào Xuân Tân Sửu 2021 khép lại, Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn tiếp tục phát động cuộc thi ... |