e magazine
23/12/2020 18:18
“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”

23/12/2020 18:18

Tôi bắt đầu câu chuyện với Thảo bằng một câu hỏi “Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”. Thảo ngơ ngác rồi như giật mình: “Chắc chết quá chị ơi. Không có thưởng Tết là không có Tết, em với con sẽ không được gặp nhau”
“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”

Tôi bắt đầu câu chuyện với Thảo bằng một câu hỏi “Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”. Thảo ngơ ngác rồi như giật mình: “Chắc chết quá chị ơi. Không có thưởng Tết là không có Tết, em với con sẽ không được gặp nhau”

Tính đến Tết năm nay, Thảo đã có thâm niên 20 năm làm công nhân ở Sài Gòn. 20 năm xa quê, Thảo vẫn giữ chất giọng đặc trưng của xứ Nghệ. Hiện Thảo đang là công nhân của Công ty Thượng Đình (huyện Hóc Môn, TP.HCM), chuyên may mặc xuất khẩu. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng của công ty giảm sút nên sản xuất cầm chừng. Công nhân ngày làm, ngày nghỉ. Thảo và đồng nghiệp của mình hầu như chỉ nhận lương cơ bản. Với 8 năm gắn bó, mức lương cơ bản hiện tại của Thảo được hơn 5 triệu đồng/tháng.

Thảo thuê một chỗ trọ gần công ty, ở ghép với một bạn nữa để chia đôi tiền phòng. Hàng tháng, với số tiền hơn 5 triệu đồng, Thảo phải tính toán kỹ lưỡng để không phải vay mượn thêm. Thảo bảo: “Em từng có chồng nhưng bây giờ thì hết rồi”. Chồng Thảo có người khác khi con trai của hai người còn đỏ hỏn. Thảo kể: “Đời công nhân có gì đâu, ly hôn chẳng có gì ngoài mấy cái chén, dăm đôi đũa, một hai cái nồi, cái chảo. May đứa con còn quá bé nên tòa tuyên cho theo mẹ. Vậy là em được con”.

Thảo một mình nuôi con từ đó.

“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”
Thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn, công nhân trông chờ vào thưởng Tết để trang trải cuộc sống

Ông bà nội thương cháu nên đưa cháu về chăm để Thảo yên tâm đi làm. Nhận lương ra, việc đầu tiên của Thảo là gửi ngay về cho ông bà nội 2 triệu đồng. Sau đó là tiền nhà trọ, điện, nước hết tầm 1 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng Thảo dành cho mình, 30 ngày đằng đẵng chờ kỳ lương tiếp theo.

“Một năm qua như vậy đó nên em chẳng để dành được đồng nào. Bây giờ nếu không có thưởng Tết chắc là hai mẹ con em không có Tết, không được gặp nhau. Mà cũng có thể khác, nếu nhớ con quá, ông nội sẽ chạy xe máy chở con trai em từ Bến Tre lên Sài Gòn rồi ông chạy về. Em sẽ đưa con em đi chơi loanh quanh Sài Gòn. Năm nào khó khăn, mẹ con em sẽ ăn Tết như thế” – Thảo bộc bạch.

“Nếu năm nay không có thưởng Tết thì cả nhà em ở lại Sài Gòn, lại thất hứa với ba mẹ, lại hẹn một cái Tết khác “tụi con sẽ về”. Chứ biết làm sao được! Biết là công ty khó khăn nhưng thực sự công nhân rất mong có thưởng Tết, dù ít hay nhiều” – Kim Quyết, công nhân may Công ty Sumit (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vừa lùa vội chén bún cá nấu với cà chua cho buổi tối muộn, chia sẻ.

“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”

Gia đình anh Nam, chị Quyết mong có thưởng Tết để thực hiện lời hứa về quê ngoại ăn Tết với con gái

Quyết quê ở Đắk Lắk, chồng Quyết, anh Hoàng Nam quê Trà Vinh. Cùng làm công nhân, cùng chung xóm trọ, gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Cả nhà 3 người quây quần bên nồi bún cá do Quyết vừa nấu xong. Sau một ngày tăng ca, bữa cơm tối bắt đầu khi đã gần 21 giờ, khuôn mặt hãy còn lấm tấm mồ hôi nhưng Quyết cười tươi rói: “Lâu lắm rồi mới được tăng ca chị ơi. Thêm được chút tiền, mong Tết này đỡ khổ”.

Chồng của Quyết là công nhân may, làm việc cho công ty MDK (quận 12, TP.HCM) nhẩm tính: “Nếu Tết này về quê, tiền xe của cả gia đình 2 vòng hết gần 3 triệu đồng rồi. Chưa kể, nếu về ngoại thì phải gửi một ít tiền về biếu nội, mua sắm Tết. Năm nay chỉ có lương cơ bản, tằn tiện lắm mới đủ sống. Nếu Tết mà không có thưởng thì mọi kế hoạch phải bỏ hết, ở lại Sài Gòn. Ba mẹ hai bên cũng không trách gì cả, chỉ là con cháu không về thì buồn thôi”.

Thảo hay vợ chồng Quyết là hai trong hàng triệu công nhân đang trông chờ vào thưởng Tết 2021. Năm 2020 là một năm khó khăn, công nhân cũng hiểu cho khó khăn của doanh nghiệp “nhưng mà biết làm sao được, mong thưởng Tết thì cứ mong thôi”!

Theo đánh giá của các chuyên gia, với tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2020 bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, nhiều khả năng mức thưởng Tết sẽ không thể cao. Chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, một lượng lớn công nhân mất việc… năm nay, rất nhiều người lao động sẽ không có thưởng Tết.

“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”
Dù ít hay nhiều, công nhân mong chờ thưởng Tết để bù đắp cho một năm qua thu nhập giảm nghiêm trọng vì giảm việc, giảm lương

Liên quan đến thưởng Tết, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng Tết, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo về Bộ trước ngày 27/12. Mặc dù thời hạn báo cáo là 27/12, tuy nhiên theo đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội do, tình hình chung năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên chắc chắn báo cáo thưởng Tết sẽ bị chậm hơn so với mọi năm. Dự kiến phải cuối tháng 1/2021 mới có báo cáo tổng hợp thưởng Tết.

Thưởng Tết năm 2021 có một điểm mới so với mọi năm đó là ngoài thưởng bằng tiền thì doanh nghiệp có thể thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp… theo Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021.

Theo quy định của pháp luật, thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Thưởng hay không phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Người lao động chỉ chắc chắn được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, hoặc nếu quy chế nội bộ doanh nghiệp có quy định...

“Em ơi, năm nay không có thưởng Tết thì mình tính sao?”Năm 2020, nhiều công nhân giảm việc, giảm thu nhập nên rất mong doanh nghiệp chi thưởng Tết để trang trải cuộc sống

Lê Tuyết

Đồ họa: Ngô Thụy

Xem phiên bản di động