Công tác truyền thông công đoàn trong giai đoạn mới cần tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ để đa dạng hóa các chủ thể truyền thông công đoàn, thông điệp truyền thông, kênh truyền thông cũng như đa dạng hóa đối tượng tiếp nhận và cơ chế phản hồi thông tin. Từ đó, tiếp cận, tương tác nhiều hơn, trực tiếp hơn và hiệu quả hơn với đoàn viên, người lao động (NLĐ).
***
1. Chuyển từ “tuyên truyền” sang “truyền thông”
Tuyên truyền (Propoganda) là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhằm truyền bá những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đến đối tượng, biến những tri thức, giá trị tinh thần, tư tưởng đó thành nhận thức, niềm tin, tình cảm, cổ vũ đối tượng hành động theo những định hướng do chủ thể tuyên truyền đặt ra. Về bản chất, tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin (vấn đề) với mục đích đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của người nghe theo chiều hướng có chủ định.
Trong khi đó, truyền thông (Communication) là quá trình chia sẻ thông tin, tức bất kỳ chủ thể nào cũng vừa ở vị trí nguồn phát, vừa ở vị trí nguồn tiếp nhận. Do đó, truyền thông được coi là một kiểu tương tác xã hội. Ở đó, người tiếp nhận được trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận, phản biện đối với thông tin mình tiếp nhận được.
Nói ngắn gọn, tuyên truyền là dạng thông tin một chiều, nặng về tính thuyết giáo, đặt người nghe ở thế bị động trong sự tiếp nhận thông tin. Còn truyền thông là dạng thông tin hai (hay nhiều) chiều, đề cao sự thấu hiểu, chia sẻ và khích lệ, động viên.
Đây là điều cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế cơ bản của công tác truyên truyền vận động của công đoàn trong thời gian qua. Đó là tính khô cứng, khuôn mẫu, thiếu phù hợp so với sự phong phú, đa dạng của thành phần xuất thân, sự sinh động, thiết yếu trong nhu cầu việc làm, lao động, sinh kế; cũng như thị hiếu tiếp nhận thông tin của CNVCLĐ.
Bản thân đoàn viên, NLĐ phải thực sự (phải tự cảm nhận) là chủ thể, là đối tác chủ động trong cơ chế thông tin của tổ chức Công đoàn. Thay vì phương thức triệu tập, cần tạo cho NLĐ cảm thấy động lực, đó là cơ hội để được cất lên tiếng nói, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cá nhân.
2. Đa dạng hóa các thành tố truyền thông công đoàn
Các thành tố cơ bản của quá trình thông tin, truyền thông bao gồm nguồn phát (chủ thể), thông điệp, kênh truyền tải, người nhận, cơ chế phản hồi.
2.1. Đa dạng hóa chủ thể truyền thông công đoàn
Công tác thông tin - truyền thông của hệ thống công đoàn được triển khai xuyên suốt ở cả bốn cấp gồm Trung ương (Tổng Liên đoàn); cấp tỉnh, thành, ngành, tổng công ty; cấp trên trực tiếp cơ sở (cấp quận, huyện, công đoàn các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất) và cấp cơ sở tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiệm vụ này được giao cho ban tuyên giáo các cấp trên cơ sở thông qua đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp và cán bộ công đoàn, tổ trưởng công đoàn ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó là hệ thống các cơ quan báo chí, tạp chí lớn của tổ chức Công đoàn có lực lượng hùng hậu, có truyền thống lâu đời, có uy tín trong hệ thống báo chí quốc gia như Báo Lao động, Báo Người Lao động, Báo Lao động Thủ đô, Tạp chí Lao động & Công đoàn…
Xu hướng đa dạng hóa chủ thể truyền thông qua việc liên kết, ký kết các chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền với các cơ quan báo chí bên ngoài như Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam… cần tiếp tục được phát huy, mở rộng.
Hiệu quả của hoạt động truyền thông phụ thuộc lớn vào cách thức và phương tiện truyền tải thông điệp. |
2.2. Đa dạng hóa thông điệp truyền thông
Với nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, một mục tiêu quan trọng của công tác truyền thông là nâng cao nhận thức về giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về pháp luật lao động nhằm trang bị cho NLĐ năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng, duy trì việc làm bền vững, an toàn và tăng cường gắn kết với tổ chức Công đoàn. Song song với đó là việc truyền thông vận động NLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong thiết kế thông điệp truyền thông là cần “mềm hóa”, “đời sống hóa”, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực tại công việc, hoàn cảnh đời sống của đoàn viên, NLĐ.
2.3. Đa dạng hóa kênh truyền thông
Hiệu quả của hoạt động truyền thông phụ thuộc lớn vào cách thức và phương tiện truyền tải thông điệp. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, các yếu tố kỹ thuật công nghệ len lỏi, tác động trực tiếp vào thói quen sinh hoạt, học tập, làm việc và giải trí của NLĐ. Do đó, cần phát triển song song, cũng như đan xen bổ trợ các mô hình truyền thông trực tiếp (nói chuyện, trao đổi, tư vấn, hội họp, hội nghị, hội thi, hội diễn, hoạt động cộng đồng…) và truyền thông gián tiếp (qua báo đài, các phương tiện truyền thông đại chúng).
2.4. Đa dạng hóa đối tượng tiếp nhận
Trong xu hướng phi đại chúng hóa ngày nay, công tác truyền thông đến công nhân, NLĐ cần theo hướng phân hóa đối tượng tiếp nhận. Cụ thể, từng nhóm chủ thể tiếp nhận khác nhau được xác định dựa trên đặc điểm nhân khẩu học, đặc điểm văn hóa, sự khác biệt về ngành nghề, môi trường lao động… Do đó, nhà truyền thông công đoàn cần xây dựng các nội dung truyền thông chuyên biệt. Đặc biệt, cần căn cứ theo các vấn đề thời sự, cấp thiết, bức xúc của NLĐ để thiết lập phương thức tiếp cận và truyền thông phù hợp.
2.5. Đa dạng hóa cơ chế phản hồi thông tin
Cùng với việc tiếp nhận, ghi nhận phản hồi thông qua các ý kiến trực tiếp tại nơi làm việc, qua đơn thư kiến nghị, phản ánh, cán bộ truyền thông công đoàn cần biết khai thác thế mạnh của các mạng xã hội phổ biến (Facebook, Youtube, Zalo…) tương tác giao tiếp trực tuyến với NLĐ bằng cả hình thức trao đổi cá nhân, lẫn việc tham gia các nhóm, group online nhằm mục đích vừa thông tin, vừa nắm bắt và gắn kết.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cho NLĐ cần duy trì, mở rộng và phát triển mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” ở các địa bàn tập trung đông NLĐ, bởi đây là hình thức tập hợp đơn giản và hiệu quả, do chính NLĐ làm chủ.
3. Kết luận
Phương thức thông tin truyền thông công đoàn cần được nhìn nhận là quá trình hai chiều, trong đó, CNVCLĐ cần được coi là chủ thể truyền thông. Nghĩa là làm sao thu hút được NLĐ tích cực tham gia trao đổi, bàn luận, xây dựng nội dung, cũng như chủ động lan tỏa thông điệp truyền thông. Khi đó, nhiệm vụ của công tác thông tin, truyền thông công đoàn chuyển từ định chế thông tin, sang trạng thái nắm bắt, đồng hành cùng hơi thở, “nhịp đập” cuộc sống của từng khối đoàn viên và NLĐ.
Điều này cũng góp phần hiện thực hóa tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.
Bài: TS. Nhạc Phan Linh
Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn
Đồ họa: Hoàng Hà