Doanh nghiệp ở Đà Nẵng ra tận cổng nhận hồ sơ xin việc |
Hiện nay, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đang gấp rút phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra là nhiều doanh nghiệp đang mỏi mắt tìm kiếm lao động nhưng vẫn không đủ. Trong khi đó, số người thất nghiệp vẫn ở mức cao. |
Năm 2020, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng khiến hàng chục ngàn lao động mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc. Đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quay lại sản xuất. Vì vậy, thị trường lao động việc làm cũng “ấm” trở lại. |
Ra tận cổng nhận hồ sơ xin việc |
Lao động phổ thông được tuyển nhiều nhất trong dịp này là may mặc, điện tử,… Trong đó, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam tuyển 500 công nhân; Công ty CP Quốc tế Phong Phú tuyển dụng hơn 400 vị trí; Công ty TNHH Mabuchi Motor tuyển 200 lao động phổ thông; Công ty TNHH Max Planning Vina tuyển gần 300 công nhân may, Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa tuyển hơn 200 công nhân,… Thế nhưng, nhiều tuần qua, mỗi công ty chỉ nhận được vài bộ hồ sơ xin việc của người lao động. Thậm chí như Công ty CP Quốc tế Phong Phú (KCN Hòa Khánh) cử người đứng trước cổng công ty để nhận hồ sơ xin việc nhưng một ngày cũng chỉ nhận được vài bộ hồ sơ. “Bên công ty chúng tôi thời gian này có nhiều đơn hàng mới nên cần tuyển lao động số lượng lớn. Với tình hình này thì khó có thể tuyển đủ lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất”, nhân viên Công ty CP Quốc tế Phong Phú nói. |
Chị Thái Thị Diệu Lý, quê Quảng Trị đang tìm hiểu thông tin tuyển dụng ở KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng. Ảnh: Nam Trân |
Do tình tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường nên nhiều công nhân, lao động phổ thông vẫn e ngại chưa muốn đi làm trở lại. Mặt khác họ cũng muốn thăm dò và tìm kiếm những công ty có đơn hàng ổn định, chính sách, tiền lương tốt mới bắt đầu nộp hồ sơ. Chị Thái Thị Diệu Lý, quê Quảng Trị, công nhân may, từng làm việc ở TP Vũng Tàu, chia sẻ, sau khi dịch bệnh xảy ra, chị bị mất việc làm và thất nghiệp từ tháng 7 đến nay. |
Chị Lý từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để xin việc làm. |
Sau Tết, chị Lý từ Quảng Trị vào Đà Nẵng để xin việc làm. Sau khi đi khảo sát một vòng KCN Hòa Khánh, Lý mới quyết định nộp hồ sơ xin việc vào Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa. “Do có bạn cùng quê làm trong công ty này giới thiệu về các khoản thu nhập và chính sách đãi ngộ tốt nên tôi nộp hồ sơ vào đây. Sau một thời gian thất nghiệp vì dịch bệnh, tôi rất cần công ăn việc làm nhưng chỉ muốn có công việc ổn định, lâu dài. Còn những nơi làm thời vụ hoặc ngắn hạn thì tôi không chọn nộp hồ sơ”, chị Lý chia sẻ. |
"Chợ' việc làm đìu hiu |
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng là nơi thường xuyên mở các phiên giao dịch việc làm vào thứ Sáu hàng tuần ở 3 địa điểm: Trụ sở Trung tâm (quận Liên Chiểu), Văn phòng Cẩm Lệ, Văn phòng Hải Châu. Đây cũng là địa chỉ đáng tin cậy để người lao động đến tìm cơ hội việc làm. Thế nhưng, chưa bao giờ các phiên giao dịch lại vắng vẻ, thưa thớt người như đầu năm nay. Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đến ngồi rất đông nhưng số lao động tham gia ứng tuyển và qua sơ tuyển chỉ vài chục người. Đơn cử, phiên giao dịch việc làm vào ngày 26/2, có gần 90 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với gần 3.000 vị trí. Trong đó có 32 doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp, 58 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng. Thế nhưng chỉ có vài chục người lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng, ở các phiên giao dịch việc làm đầu năm, trung tâm đã mở rộng cơ hội cho người lao động và đơn vị tuyển dụng. Trung tâm đã kết nối với các trung tâm giới thiệu việc làm của các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị. Người lao động chỉ cần đến các trung tâm giới thiệu việc làm ở tỉnh này là có thể nộp hồ sơ, phỏng vấn với nhà tuyển dụng ở Đà Nẵng. Thế nhưng rất ít cuộc phỏng vấn trực tuyến diễn ra. Để thu hút nhiều người lao động đến các phiên giao dịch việc làm, thời gian tới trung tâm sẽ phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động, đến tận các cơ sở. Mục đích nhằm gắn kết nhu cầu giữa nhà tuyển dụng và người lao động. |
Người lao động Không "mặn mà" với công việc phổ thông |
Nhận định về các phiên giao dịch việc làm ít người tham gia, ông Diệp cho rằng các doanh nghiệp tuyển dụng hiện nay đa số là lao động phổ thông, mức lương thấp. Trong khi đó, người lao động ở Đà Nẵng đang thất nghiệp cao là nhóm ngành Du lịch, Dịch vụ. Trước đây họ có công việc và thu nhập tương đối cao nên họ không “mặn mà” với việc làm phổ thông. Mặt khác, có thể do đầu năm nên nhiều lao động về quê ăn Tết chưa trở lại thành phố hoặc họ vẫn còn ở quê để tránh dịch. Cùng chung nhận định này, bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho rằng con số 56.000 người lao động bị mất việc làm ở Đà Nẵng trong năm 2020 đa phần hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Hiện nhóm đối tượng thất nghiệp này đang loay hoay chuyển đổi việc làm hoặc chờ đợi du lịch phục hồi. “Thường họ sẽ chọn các công việc khác như: Bán hàng online, chạy xe công nghệ,… vì nó phù hợp với phong cách làm việc trước đây. Ít ai nghĩ sẽ làm công nhân, lao động phổ thông”, bà Hà nhận định. |
Rất ít người lao động tham gia tìm kiếm việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng. Ảnh: TTGTVL TP Đà Nẵng |
TP Đà Nẵng có gần 50% lao động phổ thông là người đến từ các tỉnh khác. Sau các đợt dịch Covid-19, hiện nay hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã khởi động nhưng họ đang gặp phải vấn đề khan hiếm lao động phổ thông. |
Sau Tết Tân Sửu, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng đã tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm (ngày 26/2 và 5/3). Có 131 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 2.982 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông trên 1.600 vị trí, tuyển dụng có trình độ đại học là 138 vị trí, trình độ cao đẳng là 230 vị trí, công nhân kỹ thuật là 677 vị trí. Ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là may mặc (20,7 %), bán hàng, tiếp thị (13,2 %),.... |
Nam Trân Đồ họa: Minh Hồng
|