Công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long sau giờ tan ca - Ảnh: M.K |
Đi làm công nhân:Giải pháp “chờ thời” của nhiều người trẻ |
Nhiều năm qua, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp – khu chế xuất đang trở thành lựa chọn lý tưởng của nhiều lao động trẻ bởi cơ hội kiếm việc không khó, thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, cũng không ít người tìm đến công việc này như một giải pháp tạm thời, trước khi có một cơ hội khác được cho là tốt hơn. |
Từ cô giáo dạy văn đến công nhân lắp ráp |
Hơn 17h chiều, cổng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long dày đặc xe cộ, ai cũng hối hả trở về nghỉ ngơi, cơm nước sau một ngày làm việc căng thẳng. Trang cùng với cô em gái của mình thong thả bước lên cầu vượt dành cho người đi bộ. Họ ngồi cạnh nhau hóng gió, ngắm dòng người qua lại, nói đủ chuyện công ty. Rời gia đình ở Duy Tiên, Hà Nam, hai chị em Trang đã làm việc tại một công ty lắp ráp linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được gần 1 tuần lễ. Đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với công việc lắp ráp, trong một môi trường công nghiệp với hàng nghìn công nhân nên còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ. Trang (SN 1995) nói: “Cả 2 chị em đang chưa có việc làm, vừa rồi biết được thông tin tuyển dụng trên mạng nên rủ nhau ra đây nộp hồ sơ. Ở nhà bố mẹ nuôi mãi cảm thấy ngại. Cũng may công ty tiếp nhận ngay, hy vọng từ nay đến Tết hai chị em có một khoản tiền để trang trải cuộc sống”. |
Hai chị em Huyền - Trang sau ngày làm việc tại công ty. |
Trang cho biết, cô từng là giáo viên dạy Văn tại một trường cấp 2 tại địa phương. Hợp đồng của cô bị chấm dứt từ năm ngoái, sau đó là những ngày làm gia sư tại một trung tâm, nhưng rồi công việc cũng ngày càng khó khăn khiến cô phải nghỉ việc. Giờ đây, Trang đang phải làm quen với tác phong của một công nhân lắp ráp linh kiện điện tử. Tuy nhiên, cô cho biết: “Tôi cũng không xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc này. Đây chỉ là công việc tạm thời trong khi chờ đợi việc phù hợp với chuyên môn mà tôi được đào tạo”. Còn Huyền (SN 1999), em gái Trang cũng nói rằng rất có thể sau kỳ nghỉ Tết cô cũng sẽ nghỉ việc để tìm cho mình một công việc khác, hoặc đi học nghề. |
“Công nhân ra vào liên tục” |
Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn, anh Đính (SN 1987), người đã có 10 năm làm công nhân kỹ thuật tại Công ty TNHH Fujikin Việt Nam cho biết: “Tôi làm việc ở công ty từ sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Tôi hài lòng với công việc mình đang làm và cũng không có ý định sẽ thay đổi công việc. Có lẽ mình già rồi nên mới suy nghĩ vậy, chứ ở công ty tôi, công nhân ra vào liên tục. Nhiều người vào được một thời gian lại xin nghỉ để đi tìm việc khác, đặc biệt là những người trẻ tuổi”. |
Công nhân Tổng Công ty May Hưng Yên đang làm việc tại xưởng sản xuất. |
Chị Vũ Hải, người có thâm niên 16 năm làm công nhân tại Công ty Tokyo Micro Việt Nam chia sẻ rằng các bạn trẻ hiện nay thường có xu hướng “nhảy việc”, có người chỉ làm việc tại công ty khoảng vài tháng rồi lại xin nghỉ và tìm kiếm một công việc khác. Theo chị Hải, nhiều bạn trẻ không xác định gắn bó với một công việc bởi nhiều lý do. Ngoài vấn đề về áp lực công việc, thu nhập không đạt kỳ vọng, mong muốn trải nghiệm... thì nhiều người còn coi việc đi làm công nhân chỉ là một công việc tạm thời. |
Anh Hoàng Văn Thanh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam. |
Liên quan đến vấn đề này, anh Hoàng Văn Thanh – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (Hưng Yên) chia sẻ, trong đợt Covid-19 vừa qua có nhiều cô giáo không đi dạy được do giãn cách xã hội nên cũng xin đi làm công nhân thời vụ. “Như thế, việc đi làm công nhân trở thành giải pháp tốt của cá nhân họ giữa lúc khó khăn, mà doanh nghiệp vẫn chấp nhận được”, anh Thanh nói. |
Tìm kiếm cơ hội việc làm tại các khu công nghiệp. |
Cũng theo anh Thanh, ngoài giải pháp tình thế trong thời điểm khó khăn, nhiều người đi làm công nhân thời vụ với mục đích được “va chạm” trong môi trường công việc, để từ đó có kinh nghiệm, áp dụng cho công việc sau này. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam cho rằng: “Công nhân làm việc vài tháng rồi nghỉ cũng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tuy không nhiều. Thông thường phải mất 1 - 2 tuần đào tạo, trong vòng 1 tháng họ chỉ đạt được khoảng 30 - 40% năng lực công việc. Nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận được và tiếp tục bổ sung công nhân”. |
Ý Yên |