Dự kiến trong tháng 7, UBND TP Đà Nẵng sẽ triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. |
Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu ngay trong tuần sau sẽ tiến hành việc chi trả hỗ trợ cho các trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Việc chi trả sẽ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP Đà Nẵng. Ông Chinh chỉ đạo, việc chi trả cho người dân cần tiến hành chặt chẽ nhưng không quá chú trọng đến thủ tục. Những trường hợp đã xác định đúng đối tượng thì chi trả ngay. Theo Sở LĐ - TB & XH TP Đà Nẵng dịch bệnh khiến một số ngành, lĩnh vực phải tạm dừng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Điều đó đã khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, UBND TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo Sở LĐ - TB & XH phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ kịp thời. |
Người lao độngmong chờ |
Chị Phạm Thị Ba, công nhân Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn, thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên thu nhập giảm rõ rệt. Lượng rác thu gom từ các nhà hàng, quán ăn, khách sạn không còn, trong khi thu nhập của công nhân vệ sinh môi trường được tính theo khối lượng công việc. Chồng chị Ba lại là lao động tự do, bị mất việc làm từ tháng 5/2021 nên gần như mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào thu nhập ít ỏi của chị. Không còn cách nào khác, chị vẫn bám trụ với công việc bởi chính nghề nhọc nhằn này giúp chị có tiền để trang trải cuộc sống và nuôi con. Sau khi nghe thông tin UBND TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ NLĐ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó chị thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ nên chị rất vui mừng và mong đợi. “Tôi nghe người dân nói công nhân vệ sinh sẽ nhận được 1,5 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như thế này nếu nhận được 1,5 triệu đồng cũng đáng quý”, chị Ba thổ lộ. |
Công nhân vệ sinh môi trường là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 và đang rất cần sự hỗ trợ. |
Chị Trịnh Tú Trinh, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng là hướng dẫn viên du lịch. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện chị thất nghiệp gần 2 năm nay. Thời gian qua chị chuyển sang bán hàng online để kiếm thêm tiền nhưng thu nhập cũng không đáng bao nhiêu. “Dịch bệnh này cũng ít ai mua hàng, chẳng qua kinh doanh như vậy để có việc làm tạm, chờ du lịch phục hồi, quay lại với nghề, chứ lời lãi không bao nhiêu!”, chị Trinh ngao ngán nói. Từ đầu tháng 7, khi đón nhận thông tin Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do Covid-19, trong đó nghề hướng dẫn viên du lịch cũng nhận được trợ cấp, chị Trinh cũng như bao đồng nghiệp khác rất vui mừng. Đây là lần đầu tiên nhóm này được đưa vào diện hỗ trợ. Theo chị Trinh, nhóm hành nghề hướng dẫn viên du lịch những năm qua bị thất nghiệp, giảm thu nhập nhưng chưa được nhận hỗ trợ lần nào. “Mong sao các thủ tục đơn giản, tiền hỗ trợ sớm đến tay đối tượng được nhận hỗ trợ”, chị Trinh hy vọng. |
Hai năm qua, lao động ngành Du lịch Đà Nẵng hứng chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. |
Triển khai Nghị quyết 68:Khẩn trương, sớm nhất |
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH TP Đà Nẵng, cơ quan này đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng. Dự kiến trước ngày 20/7, UBND TP Đà Nẵng sẽ ban hành kế hoạch và sẽ triển khai trong tháng 7/2021. Sở LĐ - TB & XH TP Đà Nẵng đã soạn thảo kế hoạch theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và lấy ý kiến các ngành, địa phương để trình UBND TP Đà Nẵng ban hành trên tinh thần khẩn trương, sớm nhất để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng trong lúc khó khăn. "Trong kế hoạch thể hiện trách nhiệm của từng ngành có liên quan thực hiện các thủ tục hành chính với thời gian sớm nhất, rút ngắn thời gian để NLĐ được thụ hưởng nhanh nhất", ông An cho biết. Sở LĐ - TB & XH TP Đà Nẵng cũng yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đối với lao động tham gia BHXH không quá 2 ngày làm việc. UBND các quận, huyện, các sở, ngành chuyên môn thẩm định danh sách không quá 2 ngày và cơ quan ký ban hành quyết định không quá 2 ngày làm việc. Đồng thời, các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác chi trả cho đối tượng tổ chức công việc khoa học, hợp lý vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo chi trả đúng đối tượng và thời gian không quá 2 ngày sau khi nhận được quyết định và kinh phí. Nhiều xe du lịch nằm im tại bãi đỗ xe sau khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng. Ảnh: Quang Luật Đối với các nhóm đối tượng là NLĐ, hộ kinh doanh theo quy trình thủ tục có giấy đề nghị hỗ trợ của đối tượng thụ hưởng sẽ tùy thuộc vào thời gian nhận giấy đề nghị, các cơ quan tiếp nhận thực hiện các thủ tục nhanh và kịp thời theo quy định. Riêng việc hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, Sở LĐ - TB & XH đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đà Nẵng, BHXH TP Đà Nẵng triển khai ngay theo sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành dọc. |
Gần 100 tỷ đồnghỗ trợ NLĐ khó khăn |
Ngoài việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng cũng trích gần 100 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ khoảng 100.000 đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Gói hỗ trợ này cũng được triển khai song song với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và cũng sẽ được thực hiện trong tháng 7/2021. Có 3 nhóm đối tượng khó khăn được hỗ trợ, gồm nhóm người có công và đối tượng xã hội, nhóm NLĐ, hộ kinh doanh chợ đêm. Đối với nhóm người có công và đối tượng xã hội, với hơn 56.000 người, sẽ nhận mức hỗ trợ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/lần/người. Nhóm NLĐ, làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, thuộc các lĩnh vực: Giáo dục, vận tải, du lịch và một số lĩnh vực khác (cụ thể là giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục; nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch; lái xe, phụ xe các tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động tại Đà Nẵng; đơn vị lữ hành; lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch; khu, điểm du lịch, nhân viên lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; người bán vé số, cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình). Nhóm đối tượng này có khoảng hơn 33.000 người, sẽ nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần/người. Hướng dẫn viên du lịch được nhận mức 3,710 triệu đồng/lần/người. Nhóm hộ kinh doanh chợ đêm, có 256 hộ, sẽ nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/lần/hộ. Hai nhóm đối tượng này trùng với Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nên số tiền sẽ hỗ trợ theo Quyết định 23. |
UBND TP Đà Nẵng trích gần 100 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho khoảng 100.000 đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. |
Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH TP Đà Nẵng, đối với các đối tượng là người có công, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương đã có sẵn danh sách quản lý theo từng phường, xã. Sở LĐ - TB & XH đã đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn danh sách, khi UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch và phương thức chi trả sẽ thực hiện ngay. Đồng thời, Sở Tài chính sẽ hướng dẫn các quận, huyện, xã, phường sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo chi trả kịp thời cho các nhóm đối tượng này. |
Lao động ngành du lịchcó thể vay 100 triệu đồng |
Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Đà Nẵng cũng ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ sau dịch. Trong đó, Đà Nẵng đã dành nguồn kinh phí gần 65 tỷ đồng cho mục đích vay vốn ưu đãi theo hình thức vay tín chấp lãi suất thấp cho NLĐ ngành Du lịch chuyển đổi ngành nghề hoặc đầu tư kinh doanh. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Hiện tại, nguồn vốn này đã được ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng triển khai cấp vốn cho NLĐ. Video: Đà Nẵng vững vàng trên trận tuyến phòng chống dịch Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương cho phép Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng mở rộng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực cho vay với lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch. Được biết, tổng nguồn vốn của quỹ hiện nay là 1.600 tỷ đồng, đủ sức đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức vay từ 5-10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Dù các doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến thua lỗ, quỹ vẫn xem xét cho vay nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp, chứng minh dự án có hiệu quả nhằm đưa doanh nghiệp vực dậy, giải quyết việc làm cho NLĐ. |
Công nhân trong khu giãn cách đồng lòng chống dịch
Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 4 phường trên địa bàn thành phố. Trong ... |
Số ca nhiễm tăng nhanh, công nhân Bình Dương cần được tiêm vắc xin để yên tâm sản xuất
Số ca mắc Covid -19 tại Bình Dương hiện tăng nhanh, riêng ngày 18/7 ghi nhận thêm 281 ca nhiễm trong đó có nhiều công ... |
Đón người về quê hương
Hàng loạt các địa phương đã chuẩn bị các phương án đón người dân từ TP. HCM về quê. Động thái này đáng được ghi ... |
Nam Trân Ảnh: Quang Luật, CTTĐT TP Đà Nẵng |