|
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XII), đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các cấp Công đoàn phát huy “sáng kiến pháp luật” góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Theo Báo cáo kết quả triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động (NLĐ). Cụ thể, Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn tham gia vào quá trình soạn thảo 311 dự thảo Luật và văn bản sửa đổi. Trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm… Nhiều ý kiến của Tổng Liên đoàn được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, góp phần mang lại nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Các cấp Công đoàn đã tham gia 66.150 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách cho NLĐ. Thông qua các đại biểu là cán bộ công đoàn, Tổng Liên đoàn đã thể hiện tiếng nói đại diện NLĐ tại các diễn đàn, hội nghị của Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ về các chính sách, pháp luật đối với NLĐ. Tổng Liên đoàn có ý kiến gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh về sự bất hợp lý trong quy định mức lương hưu hằng tháng của Luật Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018. Đề xuất việc xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng có lộ trình đối với lao động nữ, đảm bảo cân bằng, quyền lợi của lao động nam và lao động nữ. Đồng thời phản ánh vướng mắc, bất cập trong việc Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. |
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương ; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương trò chuyện với Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Ảnh: ThC |
Ngoài ra, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn xây dựng chính sách, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến NLĐ. Tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, BHYT, Luật Việc làm... Theo thống kê, trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức 481.470 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 30 triệu lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2019, số vụ ngừng việc tập thể giảm so với các năm trước. Nhưng tính đến tháng 11/2020, số vụ ngừng việc tập thể tăng hơn so với năm 2019 và có một số biểu hiện mới. |
Gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Luxshare ICT (Bắc Giang) ngừng việc tập thể vào tháng 9/2020. Ảnh: ST |
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu thực tế, số lượng doanh nghiệp trong cả nước có đóng thuế và tham gia BHXH là hơn 600.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 60%. Doanh nghiệp vừa và lớn chiếm hơn 6%. Số doanh nghiệp có trên 10.000 lao động chỉ có 45 - 50 doanh nghiệp. Đáng lưu ý là số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tăng hằng năm. Năm 2017, số công nhân nhận BHXH một lần là hơn 600.000 người. Năm 2019 là hơn 800.000 người. Số lượng người nhận BHXH một lần tăng cao trong đợt dịch Covid - 19 do nhiều công nhân lao động khó khăn, mất việc làm. Điều đó khiến NLĐ thiệt thòi khi không có nguồn thu nhập và không còn tuổi lao động. Do vậy, Công đoàn cần vận động để NLĐ hiểu rõ chính sách an sinh xã hội và quyền lợi của mình. |
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị Công đoàn phải làm rõ vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ trong tình hình mới. Và thực thi quyền của Công đoàn được quy định trong hiến pháp như quyền tham gia quản lý nhà nước. Trong đó, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến NLĐ và công đoàn. Công đoàn phải sâu sát hơn nữa những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn lao động, hợp đồng lao động, chế độ làm việc, tiền lương, tiền thưởng, môi trường lao động an toàn… cho NLĐ. Đặc biệt, Công đoàn cần tham gia nhiều hơn vào thủ tục tố tụng lao động. Mặc dù Bộ luật Lao động đã có quy định, nhưng các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể thủ tục về hòa giải lao động. Do đó Công đoàn có thể phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập các trọng tài lao động, hòa giải viên… cũng như các “sáng kiến pháp luật” khác để ngăn ngừa đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định. |
|