“Câu chuyện của ba nhân vật đã cho mọi người hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn - thực sự là vòng tay, mái ấm, là người đồng hành tin cậy của đoàn viên, người lao động. Ba câu chuyện đã làm rõ hơn chân dung của cán bộ công đoàn: nghĩa tình, trách nhiệm, không bỏ sót cuộc đời, số phận khó khăn nào” - đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ.
Tại buổi Tọa đàm “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày Tạp chí xuất bản số đầu tiên, có 3 hoàn cảnh đặc biệt đã được công đoàn hỗ trợ. Công đoàn là cầu nối, trao cho họ sinh kế và hiện thực hóa ước mơ tưởng chừng khó khăn nhất.
“Bé Giàng” - tên gọi âu yếm mà cán bộ, phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn và LĐLĐ tỉnh Hà Giang gọi em Sùng Thị Giàng (con công nhân Sùng Mí Thà - người dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang). Cha em mang ước vọng thay đổi cuộc đời, đưa cả nhà đến Bình Dương làm công nhân. Không may, mới làm việc được 20 ngày thì mất việc vì Covid-19. Không tiền, không nhà, không người thân và không biết cả nói tiếng Kinh. Cả nhà bơ vơ, gần như bất lực giữa thành phố xa lạ. Duy nhất bé Giàng biết nói tiếng Kinh. Em đã trở thành phiên dịch cho cả gia đình.
Éo le hơn, anh công nhân Sùng Mí Thà bị tai nạn giao thông, nứt hộp sọ, liệt nửa người, phải nhập viện. Phóng viên Nguyễn Nga (Tạp chí Lao động và Công đoàn) đã chia sẻ những đồng lương cuối cùng để giúp bé Giàng mua thức ăn. Đồng thời thay bé Giàng làm việc với công an và bác sĩ… Tạp chí Lao động và Công đoàn đã kết nối với LĐLĐ tỉnh Bình Dương giúp đỡ để đưa cả nhà về Hà Giang. Đồng thời kết nối với LĐLĐ tỉnh Hà Giang để giúp bé Giàng vào học và ở miễn phí tại trường nghề, giúp em học nghề may. Cán bộ, công nhân viên của Tạp chí đã ủng hộ bé Giàng tiền ăn trong suốt thời gian bé Giàng theo học.
Cán bộ công đoàn cùng các nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt. Ảnh: ThC
Ai cũng vui vì đã góp phần nhỏ bé để nuôi lớn ước mơ của bé Giàng và làm vơi đi khó khăn của công nhân Sùng Mí Thà.
Ở một câu chuyện khác…
“Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, em thấy mình mất tay chân. Em sợ lắm. Ngày nào vết thương cũng đau. Nhìn mẹ em khóc, em cũng đau lắm. Lúc đó em bi quan và muốn từ bỏ cuộc sống”. Nói đến đây, Nguyễn Thanh Điền bật khóc. 10 năm trước, tai nạn lao động làm mất đi đôi chân và tưởng chừng quật ngã Điền.
Nhưng 10 năm qua, Điền đã đứng lên và vững tay nghề nhờ sự động viên của mẹ, công đoàn mà trực tiếp là bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP Bình Dương. Đúng lúc Điền định bỏ về quê, bà Chi đã thuyết phục ở lại, hướng cho Điền theo học nghề thiết kế, phù hợp với điều kiện sức khỏe của anh. Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty TNHH Box-Pak Việt Nam nhất trí hỗ trợ học phí và bố trí Điền làm việc tại Phòng Thiết kế sau khi học xong.
“Công đoàn lúc nào cũng lo lắng cho em nên em có ngày hôm nay. Các anh chị nói em cứ sống tốt, đừng bi quan, anh chị sẽ tiếp sức cho em. Em nỗ lực rất nhiều trong 10 năm qua. Mỗi bước tiến, vất vả cực khổ từ đi lại, ăn uống và bất tiện trong việc sinh hoạt và trong công việc… luôn có công đoàn và anh chị giúp đỡ tận tình. Công đoàn đã lo cho cuộc sống của em, để em lo cho mẹ và gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn” - Điền xúc động nói.
|
Vài năm trước, ở phía Nam Tổ quốc, hoàn cảnh của anh Nguyễn Xuân Điệp - công nhân khám chữa toa xe tại Ga Trảng Bom (Đồng Nai) được Công đoàn Đường sắt Việt Nam lắng nghe. Anh Điệp quê ở Hương Khê (Hà Tĩnh), hoàn cảnh gia đình éo le. Hai con bị bại liệt vì di chứng chất độc da cam từ ông nội. Vợ không đi làm được vì phải chăm sóc con và bố mẹ già yếu… Anh có nguyện vọng tiếp tục được làm nghề và làm việc gần nhà, nhưng ước mơ chưa dễ thực hiện. Cách xa gia đình cả nghìn cây số, anh Điệp cố gắng làm tốt công việc. Nhưng hoàn cảnh gia đình khiến lòng anh như lửa đốt, không lúc nào nguôi. Đồng lương 3 - 4 triệu đồng/tháng khiến anh mấy năm chưa thể về nhà.
Tháng 4/2016, ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam vô tình gặp anh Điệp. Ông chủ động trò chuyện, hỏi thăm và biết được hoàn cảnh của anh. Canh cánh với ước mơ và nỗi lòng của người lao động, ông Phương đã về tận nhà anh, chứng kiến vợ anh khóc đỏ hết cả mắt, đau đớn nhìn những đứa con quằn quại. Bố anh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng không có điều kiện để thăm khám.
“Năm nào Công đoàn Đường sắt cũng tổ chức đoàn công tác đến từng ga, cung đường, tổ sản xuất, nhất là nơi anh em đang khắc phục bão lũ, vụ tai nạn. Khi biết chuyện anh Điệp, tôi đến nhà anh. Ngập trong tôi cảm xúc khó tả, sự đồng cảm khi có người cha cống hiến thanh xuân cho đất nước. Người vợ vất vả hy sinh cho gia đình. Và nỗi đau quặn lòng khi những đứa con không được khỏe mạnh. Tôi hun đúc ý định nhất định phải thực hiện ước muốn của anh. Tuy nhiên lúc đó, Tổng Công ty đã cổ phần hóa nên sự chi phối đối với các đơn vị thành viên hạn chế. Lãnh đạo công ty nơi anh Điệp công tác muốn giữ anh lại vì anh làm việc tốt. Rất may sau khi trao đổi, lãnh đạo các đơn vị đều đồng thuận chuyển công tác cho anh Điệp. Tôi mừng muốn khóc vì sự ủng hộ của anh em và rất vui vì giúp được Điệp” - ông Mai Thành Phương kể.
“Tôi đã tin vào Công đoàn. Công đoàn giúp cuộc sống của gia đình tôi tốt lên. Tôi cảm ơn anh Phương và mong các cấp công đoàn vững mạnh, luôn theo sát công nhân, giúp đỡ những cảnh ngộ kém may mắn như tôi” - anh Điệp chia sẻ.
Chia sẻ cảm xúc khi trực tiếp lắng nghe câu chuyện của ba nhân vật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ: “Câu chuyện của ba nhân vật đã cho mọi người hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn - thực sự là vòng tay, mái ấm, là người đồng hành tin cậy của đoàn viên, người lao động. Ba câu chuyện đã vẽ nên chân dung của cán bộ công đoàn “nghĩa tình, trách nhiệm, không bỏ sót cuộc đời, số phận nào ở lại phía sau". Xin cảm ơn những cán bộ công đoàn hết mình vì người lao động, chăm lo để người lao động có việc làm bền vững, trở thành người có ích. Từ đó, lại giúp đỡ những người khó khăn trong cuộc sống này. Em Giàng sẽ là công nhân may thậm chí là một quản đốc nhà may trong trương lai nếu em quyết tâm”.
Đồng chí cũng mong muốn, trong bối cảnh công nhân lao động đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 và mưa lũ tại miền Trung, tổ chức Công đoàn phải có trách nhiệm giúp đỡ đoàn viên, người lao động và người thân của họ.
“Tôi mong cán bộ công đoàn tiếp tục phát huy trách nhiệm, nghĩa tình của mình để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Sứ mệnh của chúng ta là không để bỏ sót đoàn viên, người lao động nào khó khăn” - đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Nhân dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày Tạp chí xuất bản số đầu tiên, với sự tài trợ từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và nhãn hàng Asanzo, Tạp chí Lao động và Công đoàn trao 3 suất quà đặc biệt tới anh Nguyễn Thanh Điền, anh Nguyễn Xuân Điệp và em Sùng Thị Giàng (gồm quà và 3 sổ tiết kiệm trị giá 5.000.000 đồng/sổ); trao 10 suất quà tới 10 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tại lễ kỷ niệm, ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phát động Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn”. Cuộc thi nhằm tiếp tục phát hiện, lan tỏa những trường hợp đoàn viên, người lao động được Công đoàn chăm lo thiết thực. Cuộc thi cũng nhằm khẳng định niềm tự hào của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đoàn viên, người lao động, tô đẹp thêm hình ảnh người cán bộ công đoàn tận tâm, trách nhiệm. |
Đồ họa: Thu Chinh
Bài: Thu Chinh
Ảnh: Thu Chinh