Bản đồ COVID thành phố đỏ và nóng như nhiệt độ của Sài Gòn những ngày tháng 8. Còi xe cứu thương, biển cấm, rào chắn, dây căng, đi đến đâu cũng thấy một màu đỏ nhức mắt. Để làm dịu thành phố, những chuyến xe vui vẻ hằng ngày len lỏi vào từng con hẻm, trao gửi những bó rau xanh, đổi màu điểm đỏ. |
Những chiếc xe mang màu xanh đến với các điểm phát thực phẩm miễn phí và khu phong toả ấy nằm trong dự án Chuyến Rau Vui Vẻ (CRVV) do nhóm bạn gồm bốn người khởi xướng. Chị G.Đ.Q, một trong bốn người sáng lập dự án chia sẻ: “Khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, chúng tôi cũng như bao người dân thành phố xót xa trước cảnh nhiều ruộng rau chuyển màu vàng úa vì không ai mua, nông sản thu hoạch chất đống hai bên lề đường, để đến thối, hỏng. Bà con nông dân quanh năm vất vả nay phải bê từng sọt khoai, rổ rau bỏ đi.” Trước tình cảnh nông sản không có đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động giải cứu rau củ quả đã diễn ra. Nhóm của chị Q. cũng tích cực hỗ trợ nông dân với đơn hàng đầu tiên mua 5000 cái bắp cải, đem tặng cho khu lao động nghèo. Trong lần thứ hai tham gia, 8 tấn khoai đã được chị Q. cùng các bạn mua chung, tiếp tục gửi tặng khu dân cư có nhiều hoàn cảnh khó khăn. “Những lần đến tận nơi thu mua rau củ và trực tiếp tặng lại cho mọi người, chúng tôi mới thấy tác động của dịch bệnh lên cả hai phía. Người nông dân và bà con nghèo đều bị ảnh hưởng lớn. Bên thừa rau củ phải đem bỏ, bên thiếu lương thực nhưng lại không thể mua. Vì lẽ đó, chúng tôi quyết định thành lập CRVV với mục tiêu kép: giải cứu rau cho các vườn và tặng rau miễn phí cho những nơi thực sự cần”, chị Q. cho biết những chuyến đi thực tế đã thôi thúc nhóm phải có một kế hoạch hành động lâu dài trong việc thu mua và phân phát rau. |
Sau hai lần giải cứu nông sản, nhóm của chị Q. được nhiều người biết đến và xin làm tình nguyện viên. Các tình nguyện viên sinh sống tại nhiều điểm khắp thành phố, đa dạng công việc từ nhân viên văn phòng, kinh doanh độc lập, sinh viên, tài xế, bảo vệ,... bất kì ai chỉ cần có đủ sức khoẻ, thời gian và tấm lòng đều có thể tham gia dự án. Công việc hằng ngày của nhóm gồm kiểm tra và xác thực thông tin người xin rau, mạnh thường quân; tìm kiếm các vườn rau cần giải cứu; lập tuyến đường; mua và thậm chí trực tiếp thu hoạch rau do các vườn không có nhân công; vận chuyển, bốc dỡ, chia rau và đi giao đến các điểm. Ban ngày, ê kíp giao rau làm nhiệm vụ thì các nhóm thu mua, truyền thông,… hoạt động hết công suất để đảm bảo duy trì nguồn rau, nhân lực và vật lực cho dự án. Nửa đêm khi xe rau về, các tình nguyện viên không phân chia nam nữ, đội nhóm đều xắn tay áo, bắt đầu dây chuyền bốc - xếp. Xong xuôi công việc cũng là lúc gần sáng. Nhiều thành viên vì quá mệt, mặc nguyên đồ bảo hộ nằm ra đất, tranh thủ chợp mắt trước khi tiếp tục lên đường theo đúng kế hoạch |
Đại diện dự án chia sẻ về những thử thách trong quá trình hoạt động: “Hiện các chuỗi cung ứng bớt tắc, rau không còn bị ế nhiều. Số lượng vườn có thể tặng hoặc trợ giá ngày càng ít, xe tình nguyện vận chuyển cũng hạn chế. Bên cạnh đó, người xin rau rất nhiều, ở khắp các quận, huyện nhưng thông tin để xác minh thì ít, nhiều khi không kịp gửi đến nơi cần nhất. Những lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca tử vong tăng mạnh, nhân sự của dự án cũng bị ảnh hưởng. Qua thời gian, các thành viên quen với công việc hơn, dự án cũng được nhiều người tin yêu và ủng hộ, chúng tôi đã giải quyết được phần nào khó khăn." Chuyến rau đã đi qua rất nhiều con hẻm của Sài Gòn. Đi đến đâu, các tình nguyện viên cũng gửi tặng rau và yêu thương đến đấy. Hồi đáp lại tình cảm ấy là những dòng nhắn gửi của những người sống bên trong hàng rào cách ly. "Em và cả xóm trọ đã nhận được rau. Em cảm ơn CRVV đã hỗ trợ xóm để mọi người có thêm một bữa cơm đơn giản vượt qua khó khăn này", bạn Bích Lê thay mặt mọi người trong xóm gửi lời đến các tình nguyện viên và không quên kèm một bức ảnh khoe rau về, đúng tinh thần "vui vẻ". |
Trong tháng 7 vừa qua, CRVV đã trao tặng 185 tấn rau đến các bếp ăn bệnh viện dã chiến, khu cách ly và nhóm người yếu thế trong thành phố. Sau khi có quyết định thành phố tiếp tục giãn cách, tuần đầu tiên nhóm đã phát được hơn 55 tấn rau đến 118 điểm. Đặt mục tiêu 200 tấn rau xanh trong lần thực hiện Chỉ thị 16 này, các thành viên nỗ lực không có ngày nghỉ để cải thiện bữa ăn mùa dịch cho bà con. Chỉ riêng ngày 14/8 vừa qua, 14 tình nguyện viên cùng 9 bác tài đã giao 21 tấn rau đến 38 điểm khác nhau trên thành phố. “Giao rau ở nhiều điểm, thích nhất buổi trưa được ghé thăm các bếp ăn từ thiện. Lần nào qua gửi rau nhóm cũng được các cô, các chị tặng cơm trưa nóng hổi. Cơm nấu bằng tấm lòng nên vừa thơm vừa ngon. Ăn xong là quên hết mệt mỏi. Còn mỗi lần ghé các điểm dân cư, dù khẩu trang che mất nửa mặt nhưng ánh mắt ai nấy đều nở nụ cười. Nhiều người dân còn tìm vào trang của chúng tôi để lại lời cảm ơn. Chỉ cần như vậy, tất cả đều vui và có tinh thần để tiếp tục công việc của ngày hôm sau”, một tình nguyện viên của CRVV hào hứng chia sẻ. |
Những dòng nhật ký của S., một tình nguyện viên của dự án “Chào các bạn, mình là S. Trước dịch mình là một nhân viên chăm sóc khách hàng, tư vấn mảng thiết bị điện tử. Công việc của mình chẳng có gì liên quan tới rau cả các bạn ạ. Mình lên Sài Gòn ăn học và mưu sinh, có bạn bè và cuộc sống ở đây. Trước đó mẹ mình cũng lên Sài Gòn làm ăn và nuôi mình khôn lớn. Sài Gòn đối với mình là quê hương. Khi dịch bệnh bùng phát, mình có chút tích luỹ và có thể ở nhà chi tiêu tiết kiệm để đảm bảo an toàn nhưng mình canh cánh muốn được làm gì đó cho Sài Gòn. Trong thời khắc lịch sử đầy khó khăn này, nếu tuổi trẻ của mình không làm gì để cống hiến thì lòng mình không yên được. ... |
Mình là con trai, có sức vóc nên được anh chị giao ở nhóm rau. Hằng ngày mình làm ở trên kho là chính, suốt ngày cắm cúi với rau củ. Không chỉ điều phối, sắp xếp đơn mà còn bốc vác nữa. Thời điểm này tuyển tình nguyện viên khá là khó vì mọi người đều sợ và giấy đi đường cũng không đơn giản nên mọi người trong nhóm ai cũng gồng mình, mỗi đứa vác nhiều thêm một chút. Đợt 1 hồi tháng 7, mình có kể với mẹ là con đi tình nguyện phát rau. Tới đợt 2 này, mẹ không cho mình đi nữa vì nhiều người tử vong do dịch bệnh quá. Bây giờ mình đang đi giấu mẹ. Mẹ không rành công nghệ nên chắc không đọc được những lời này. Công việc chủ yếu ở kho nên mình rất muốn được một lần đi thực tế xem như thế nào. Mình cũng băn khoăn không biết việc mình đang làm có hiệu quả không? Bà con nhận rau có thực sự vui không? Số rau mình phân bổ cho mỗi đơn như vậy là nhiều hay ít? Các nhóm thiện nguyện nhỏ hơn đến chỗ mình lấy rau chở về các khu phố họ có dùng đúng mục đích hay không? Bữa nay có hai chị tới xin 300 kg rau muống, bí đỏ, chuối xanh để phát cùng với gạo và cá khô mà các chị đã chuẩn bị cho một khu vực cách ly có nhiều F0, mình xin đi theo luôn, vừa phụ các chị vừa giải đáp những câu hỏi trong đầu mình. Đây là lần đầu tiên mình đi thực địa, tận mắt thấy bà con quá khổ. Giãn cách thời gian dài nên họ gần như kiệt quệ. Khu vực mình xuống với hai chị là đoạn quốc lộ 13 cũ (quận 9 đi ra), nơi có nhiều F0 và ca tử vong nên ngay lối vào đã có chốt chặn cẩn thận. Thấy xe chở lương thực tới, chú bảo vệ cân nhắc cho tụi mình lùi xe sát hàng rào để dỡ đồ cho đỡ cực. Lúc mình tới, các cô chú lớn tuổi trong ngõ đã đeo khẩu trang đứng giãn cách chờ sẵn cả rồi. Cảm giác mình và mọi người chỉ cách nhau một hàng rào, rất gần nhưng cũng rất xa, không thể lại ôm nhau, hỏi thăm vài ba câu làm mình muốn khóc. Mình và hai chị cố gắng chuyển đồ thật nhanh. Trong hẻm có mấy anh trai tráng tự phân chia cho các hộ. Không ai dám nói gì nhiều và lâu. Lúc ấy mình mới cảm thấy con Covid này ác độc thật. Nó chia cắt người với người hơn bao giờ hết. Cô chú anh chị cảm ơn rất nồng hậu vì cả tháng nay đói khổ rồi. Mình cũng chóng từ biệt để lên xe rút lui, đảm bảo an toàn, dù trong lòng còn nặng trĩu. Nói về hai chị cùng đi với mình, khoảng 40-50 tuổi, ai cũng mặc đồ bảo hộ kín mít nên không thấy mặt. Bình thường, ở kho mình gặp người trẻ đi làm tình nguyện nhiều rồi nhưng hai chị là nữ giới, ở tuổi trung niên, lại là doanh nhân, có nhà cửa, điều kiện mà dám đi tới nơi toàn F0 để hỗ trợ. Thực sự mình quá nể. Các chị rất chu đáo vì lấy rau từ CRVV rồi còn lo thêm gạo và cá khô, cho bữa ăn của bà con thêm phần đầy đủ. Sau trải nghiệm lần đầu đi cứu trợ khu vực nóng, mình nghĩ sẽ không giấu mẹ việc vẫn đi tình nguyện nữa. Nói không sợ khi đi tình nguyện là không đúng. Có những khoảnh khắc nỗi sợ loé lên, mình cũng nghĩ về virus, về cái chết, về mẹ và gia đình sẽ rất buồn nếu có chuyện gì xảy ra. Nhiều khi định tặc lưỡi về ở nhà cho an toàn nhưng cuối cùng không làm được. Mình tự trấn an, nếu ai cũng sợ thì việc này để ai làm. Mình làm được thì cứ làm. Hi vọng mẹ sẽ hiểu những việc mình đang làm giúp được nhiều người.” |
Người nghèo ở Sài Gòn còn nhiều lắm. Mỗi ngày, nhóm nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi xin hỗ trợ từ sinh viên, công nhân mất việc, lao động tự do, người thất nghiệp và cả những người nước ngoài mắc kẹt ở Việt Nam. Thời điểm này ai cũng khó khăn, cho nhau nhiều thì khó nhưng bó rau trong khả năng lại thiết thực nên nhóm vẫn ưu tiên rau số một. “Chúng tôi thấy là gạo đã có ATM và tiếp tế mỗi lần cũng được cả tháng. Thịt cá thì không có để tiếp tế, mặt khác cũng khó bảo quản hơn rau. Vậy thì cái gì khả thi nhất ta làm, giá rau không quá đắt nên lại càng giúp được nhiều người, đúng thứ họ cần lúc này, để bữa cơm thêm món, cố ăn để đi qua dịch bệnh”, chị Q. cho biết lí do những chuyến xe được huy động chở rau mà không phải những thực phẩm khác. Hiện nay, ngoài cung cấp rau trên địa bàn thành phố, CRVV đã có mặt tại Bình Dương và Đồng Nai. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục phát rau và đa dạng hoá theo tỉ lệ 60% rau củ 30%, rau lá và 10% trái cây. ------ Nhắn gửi tới mọi người thương yêu, CRVV có đôi lời: “Bạn ơi, rồi mọi thứ sẽ qua. Sài Gòn sẽ khoẻ mạnh. Chúng ta sẽ có ngày đi qua nhau trên đường phố nhộn nhịp như lúc trước, có thể chẳng nhận ra nhau nhưng tôi tin chúng ta có chung năng lượng và trái tim nóng hổi. Chúng ta sẽ nhớ về những ngày này và thấy rằng mình đã sống những giây phút đẹp, khi mà người với người sống để thương nhau! Một bó rau không nhiều nhưng được tặng “quà” ai lại không vui vẻ. Mâm cơm hôm ấy thêm một đĩa rau xanh, làm mát lòng những người ở điểm đỏ.” |
Ngọc Châm
|