e magazine
26/11/2021 14:56
Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợ

26/11/2021 14:56

Công nhân lao động vay nợ tín dụng đen, công ty tài chính, sau đó chậm trả tiền, khiến cán bộ công đoàn bị liên lụy bằng hình thức lợi dụng hình ảnh, làm phiền qua số điện thoại. Đây là vấn đề đã xảy ra trong đời sống một số bộ phận công nhân lao động hiện nay.
Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợ

Công nhân lao động vay nợ tín dụng đen, công ty tài chính, sau đó chậm trả tiền, khiến cán bộ công đoàn bị liên lụy bằng hình thức lợi dụng hình ảnh, làm phiền qua số điện thoại. Đây là vấn đề đã xảy ra trong đời sống một số bộ phận công nhân lao động hiện nay.

Vay tiền dễ dàng, hậu quả khó lường

Anh N. H. S. làm việc tại Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (Công ty New Apparel, KCN Đồng Xoài, Bình Phước) đã 3 lần vay tiền tại một công ty tài chính. Năm 2015 khi đang làm tại công ty ở tỉnh Bình Dương, anh S. đã vay công ty tài chính với số tiền 20 triệu đồng để mua xe máy, trả góp trong 2 năm, mỗi tháng trả góp hơn 1 triệu đồng.

Anh S. cho biết, thông qua tờ rơi phát tại điểm xe bus, cổng khu công nghiệp anh đã chủ động liên lạc với họ để vay tiền. Thủ tục vay tiền rất đơn giản, anh Sơn chỉ cần gọi điện, xác minh một số vấn đề liên quan đến nơi làm việc, hợp đồng lao động. Sau đó, có một người đại diện công ty tài chính đến gặp trực tiếp để nhận bản photo chứng minh thư, hộ khẩu, bảng lương, hợp đồng lao động… Sau đó, tiền đã được chuyển vào tài khoản của anh S.

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như anh S. không tiếp tục vay thêm 2 lần nữa. Sau khi trả góp lần vay đầu tiên được 11 tháng, anh được người bên công ty tài chính gọi điện gợi ý vay tiếp với khoản vay lãi suất ưu đãi.

“Họ nói vì tôi có quá trình trả góp tốt nên được vay thêm một khoản tiền nữa với lãi suất rất ưu đãi. Lúc đó, ba tôi bệnh và nghĩ mình đi làm đều đặn mỗi tháng trả hơn 2 triệu cũng hợp lý. Chính vì thế, sau khi trả góp lần vay thứ nhất được 11 tháng, tôi đã vay tiền tại công ty tài chính này lần thứ 2”, anh S. kể.

Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợ

Thông qua tờ rơi anh S. đã dễ dàng vay được số tiền vài chục triệu đồng từ công ty tài chính. Ảnh NVCC

Điều đáng nói, trong lần thứ 2 vay 30 triệu đồng trả góp trong 3 năm, anh Sơn chỉ nhận được khoảng 17 triệu đồng. Vì, bên công ty tài chính đã lấy số tiền 30 triệu này trừ đi số tiền anh S. còn nợ ở hợp đồng thứ nhất.

Tiếp theo, sau khi anh S. trả tiền góp hằng tháng trong hợp đồng thứ 2 được 9 tháng, bên công ty tài chính tiếp tục gọi điện cho anh S. gợi ý cho anh vay thêm một gói 40 triệu trong vòng 3 năm.

Sau khi vay hợp đồng thứ 3, trả tiền nợ hợp đồng thứ 2, anh S. nhận được khoảng 14 triệu đồng. Khi trả góp được khoảng 18 tháng, mỗi tháng 2,2 triệu đồng, anh S. muốn tất toán hợp đồng nên gọi đến công ty tài chính thì nhận được thông báo, muốn tất toán hợp đồng cần đóng hơn 40 triệu nữa. Lúc này, anh S. thấy vô lý nên không đồng ý trả số tiền trên.

Ngay sau đó, anh đã bị bên công ty tài chính gọi điện ráo riết để đòi nợ. Trước đó, trong hợp đồng vay tiền anh S. có để 2 số điện thoại người thân. Hai người này cũng bị người bên công ty tài chính gọi điện làm phiền với mục đích thúc giục anh S. trả tiền. Khi bị làm phiền qua số điện thoại và liên tục nhận những tin nhắn đe dọa, anh S. đã thay sim, đổi số điện thoại. Đến năm 2019, anh S. quyết định về quê sinh sống và làm việc tại Bình Phước.

Tính đến thời điểm hiện tại, anh S. vẫn chưa đồng ý trả tiền tất toán hơn 40 triệu đồng cho phía công ty tài chính. Sau khi anh đổi sổ điện thoại, bên phía công ty tài chính vẫn gửi thư đòi nợ về Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, nơi anh S. đang làm việc. Lần gần nhất anh S. nhận được thư đòi nợ lại là tháng 5/2021.

Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợ

Đề nghị vay vốn vốn kiêm hợp đồng tín dụng của anh S. dài 10 trang (lược trích trang đầu tiên). Ảnh NVCC

“Có lần bên phía công ty tài chính gửi tin nhắn ngày, giờ ra tòa án để làm việc. Đúng thời gian, đó tôi đến tòa án nhưng không thấy người nào bên phía công ty tài chính. Từ đó đến nay, tôi vẫn chưa trả khoản tiền đó. Bây giờ, tôi cũng không biết thế nào?”, anh S bộc bạch.

Không chỉ riêng anh S, tại một số công ty, tình trạng người lao động vay tiền tại các công ty tài chính, tín dụng đen không hiếm. Khi vay, họ không đọc kỹ hợp đồng nên khi phải trả số tiền vượt quá số tiền vay gấp nhiều lần họ mới biết mình bị lừa.

Cán bộ công đoàn bất ngờ trở thành "con nợ"

Thời gian gian đây, chị Trần Thị Toan - Cán bộ Công đoàn chuyên trách tại Công ty New Apparel, đã bị làm phiền bằng tin nhắn, điện thoại và bên đòi nợ đã in hình ảnh của chị lên các tờ rơi. Khi biết được thông tin này chị Toan rất bức xúc.

Cụ thể, chị Toan làm cán bộ công đoàn chuyên trách nhiều năm nay, thường xuyên tìm hiểu tâm tư tình cảm của người lao động. Chính vì thế, chị rất gần gũi với họ, đó cũng là nguyên nhân khiến chị gặp rắc rối. Bên đòi nợ đã sử dụng hình ảnh của chị với lý do chị vay nợ lâu, không trả.

“Tôi làm cán bộ công đoàn nên số điện thoại phải công khai trong những buổi tập huấn đầu vào cho đoàn viên, người lao động để họ tiện liên hệ với Công đoàn. Bên cạnh đó, tôi cũng cung cấp trang Facebook của Công đoàn, số điện thoại cá nhân và Facebook cá nhân. Vì vậy đã có một số người lao động sử dụng số điện thoại của tôi và tự nhận là chị gái, người thân để vay nợ. Đến khi họ không trả nợ được hoặc nợ quá hạn bên đòi nợ đã gọi cho tôi và lấy hình ảnh của tôi”, chị Toan chia sẻ.

Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợHình ảnh chị Trần Thị Toan (ngoài cùng bên trái) xuất hiện trên tờ rơi đòi nợ. Ảnh NVCC

Trên thực tế, kể từ khi làm cán bộ công đoàn chuyên trách, đây không phải lần đầu chị Toan nhận được cuộc gọi đòi nợ hay bị sử dụng hình ảnh của mình trên những tờ rơi đòi nợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự việc này diễn ra nhiều hơn và làm phiền cuộc sống, công việc, uy tín và hình ảnh của chị.

Chị Toan kể, bên đòi nợ thuê biết số điện thoại của chị, đã gọi điện và thông báo những trường hợp công nhân lao động nợ tiền không trả và buộc chị phải trả thay. Nếu không, họ sẽ công khai hình ảnh, nhắn tin, bình luận vào các trang Công đoàn mà chị đang làm việc.

Cán bộ công đoàn bị tín dụng đen lợi dụng hình ảnh, số điện thoại để đòi nợ

Vì đặc thù công việc chị Toan phải công khai số điện thoại để tiện cho đoàn viên, công nhân lao động liên hệ. Ảnh NVCC

Sau khi liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh đòi nợ, chị Toan đã thông báo và cầu cứu đến công an. Tuy nhiên, những sim gọi đến cho chị đều là sim rác, rất khó để xác định chủ sở hữu, địa điểm để điều tra.

Những cuộc gọi của bên đòi nợ mà chị Toan nhận được rất đa dạng. Có những người đòi nợ nói chuyện rất mất lịch sự với lời lẽ đe dọa. Một số khác biết chị là cán bộ công đoàn nên đã mời cả luật sư nói chuyện với chị qua điện thoại.

Không chỉ gọi điện làm phiền, đe dọa, bên đòi nợ còn dùng tài khoản mạng xã hội để vào bình luận những bài đăng trên nhóm công đoàn, mục đích nhằm hạ uy tín của chị.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Phước cho biết, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cò mồi cho vay là vấn đề Công đoàn tỉnh rất quan tâm. Khoảng năm 2018 -2019 tình trạng tín dụng đen trong công nhân lao động rất nhiều, thành hiện tượng trong công nhân lao động. Cuối năm là thời điểm LĐLĐ tỉnh sẽ làm việc với cơ quan chức năng, với công an tỉnh để nắm tình hình về quan hệ lao động.

Vấn đề hỗ trợ, vay vốn đối với người lao động, ông Thắng cho biết, năm 2020, LĐLĐ tỉnh có làm việc với quỹ CEP tại TP HCM nhưng do tình hình dịch bệnh nên năm nay chưa triển khai. Trước đây, Ngân hàng Chính sách Việt Nam có hỗ trợ cho người lao động có việc làm vay để tạo thêm thu nhập và hiện tại ngân hàng có thêm thông báo cho vay đối với đối tượng chưa có việc làm.

Dương Thùy

Xem phiên bản di động