Vượt nắng, vượt mưa, vượt mọi nẻo đường, mỗi ngày, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng đã không quản khó khăn để mang tri thức đến với các em học sinh nghèo. Trong ngôi trường nơi miền biên ải, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tình thương, cô và trò cùng ươm dưỡng những “mầm xanh” trên vùng “chảo lửa”...
|
Ngày 21/8 vừa qua, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vô cùng hạnh phúc khi được trao tặng 2.200 đầu sách giáo khoa trước thềm năm học mới. Ít ai biết rằng, những món quà đó đến từ chính số tiền tiết kiệm của cô Nguyễn Thị Thúy Phụng (sinh năm 1985) - Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường TH & THCS Hướng Việt. Hơn 15 năm, gắn bó với vùng đất “chảo lửa”, người nữ giáo viên đã viết nên những “câu chuyện cổ tích” cho các em học sinh nghèo bằng hành trình “cõng chữ lên non” đong đầy tình thương. Video: Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng chia sẻ về công việc của mình. Cô Phụng sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ nhỏ, cô Phụng đã khát khao trở thành một giáo viên để truyền dạy kiến thức cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô Phụng đăng ký tuyển dụng giáo viên và tình nguyện lên công tác ở xã Hướng Phùng xa xôi, hẻo lánh để dạy chữ. Cũng như nhiều xã miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khác, Hướng Phùng là xã đặc biệt khó khăn. Dân số đông với 1.628 hộ, trong đó tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 37,3%, hộ nghèo chiếm 26,29% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025). Mỗi ngày, các em học sinh đến lớp trong hoàn cảnh rất đáng thương, với những con số 0 tròn trĩnh: Không áo mặc, không dép mang, cũng không sách vở. Thương các em, ban đầu cô Phụng mua vài quyển vở, vài cây bút, vài viên phấn,... trong khả năng của mình để giúp các em học tập tốt hơn. Sau đó, cô lại đi xin thêm sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để giúp các em có điều kiện đi học. |
Chân dung cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng. |
Là một xã vùng biên, Hướng Phùng có mật độ dân cư phân tán. Các em học lớp 1 thường chỉ học buổi sáng, đến buổi chiều thì theo cha mẹ lên nương rẫy. Thế nên, việc vận động các em đến lớp đã khó, để duy trì sĩ số lại còn khó khăn hơn. Lúc này, cô Phụng lại nhận thấy chương trình học khó, và nặng đối với các em, và cần phụ huynh chia sẻ, giúp đỡ bằng cách cho các cháu ở lại buổi trưa để học cả ngày. Thế là cô Phụng lặn lội khắp bản làng, đến nhà từng em để vận động. Mỗi buổi sáng đi dạy, cô xách theo gô cơm để ăn và ở lại dạy cho các em học buổi chiều. Và mô hình “bán trú dân nuôi” ở Hướng Phùng cũng bắt đầu từ đó. “Lúc triển khai mô hình, cơm và thức ăn do phụ huynh lo liệu. Qua thời gian, họ nhận thấy cách làm này rất hiệu quả. Các phụ huynh đỡ phải đưa đón con, được các cô chăm sóc học sinh tự nguyện, không thu tiền và học sinh sẽ học Tiếng Việt được tốt hơn. Dần dần, mọi người đều ủng hộ và cho con em ở lại trường để học. Từ một vài em sau đó, đã đủ 30 em ở lại trường. Để hiệu quả hơn, tôi dạy cả tuần mỗi ngày 2 buổi, 7 buổi tăng lên 9 buổi”, cô Phụng nhớ lại. Mô hình hình bán trú dân nuôi được hình thành và triển khai rộng trong trường. Từ chỗ một điểm trường, mô hình bán trú dân nuôi đã được mở rộng ra cả 3 điểm trường ở Hướng Phùng. Hầu hết, các em đều đã đọc thông, viết thạo Tiếng Việt sau thời gian ngắn được cô Phụng và các giáo viên khác phụ đạo thêm Tiếng Việt và buổi chiều. Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học ngày càng giảm, sĩ số đã ổn định, tỉ lệ học sinh lớp 1 tham gia mô hình đọc thông, viết thạo Tiếng Việt rất cao. Phụ huynh em Hồ Thoa, học sinh lớp 1 cho biết: “Từ ngày cô giáo bảo cho con ở lại trường kèm thêm Tiếng Việt, gia đình yên tâm hơn vì có cô giáo Phụng chăm lo. Nhờ cô giáo mà cháu tiếp thu bài rất tốt. Ở trong bản ai cũng quý và cảm ơn cô Phụng nhiều lắm…”. |
Học sinh ăn trưa và nghỉ ngơi tại trường học. |
Không chỉ vậy, hễ có học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, là cô lại đến từng nhà, gõ từng cửa để hỏi han, vận động các em đến lớp. Không kể thời tiết như thế nào, ngày đêm ra sao, miễn thời cơ thuận lợi, cô lại theo đường làng, ngõ bản đến kêu gọi, động viên các em đến lớp. Với những trường hợp khó, cô còn phối hợp với cả công an, trưởng thôn, cán bộ, lãnh đạo xã cùng đồng hành trên con đường vận động học sinh. Cô còn thường xuyên vận động các bạn bè, đồng nghiệp, nhà hảo tâm để quyên góp mua sách vở, viết, quần áo… giúp các em được đến lớp lành lặn hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đến thăm hỏi, vận động học sinh đi học. Như vào tháng 10/2020, những trận sạt lở núi liên tiếp xảy ra, bùn đất bao trùm cả xã Hướng Việt. Các bản làng, trường học, trụ sở đều bị ngập bùn non, dày hơn cả mét, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Sau gần 1 tháng bị đất bùn vùi lấp, làm xã bị cô lập hoàn toàn, mọi thứ đều thiếu, từ điện, nước, lương thực, thực phẩm đến sách vở, đồ dùng cho học sinh… Đường sá bị chia cắt, giáo viên từ trung tâm huyện phải đi bộ, lội bùn, tìm cách băng rừng để đến với trường lớp, học sinh. Giáo viên phải đi ngược từ tỉnh Quảng Bình để vào trường. Quãng đường đó gấp 16 lần thời gian đi so với quãng đường vẫn thường đi. Thời khắc ấy vô cùng nguy hiểm, bùn cao gần 1 mét, sạt lở đất vẫn xảy ra... Song với tình yêu con trẻ, các cô đã bám trụ đến cùng, chung sức để ngày đến trường trở lại, ngày cô trò gặp nhau. Cô Phụng công tác tại Trường Tiểu học & THCS Hướng Phùng từ 7/2007 đến 12/2018. Từ tháng 12/2018 cô chuyển công tác đến Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt. Đến nay, cô là Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhà trường. |
Một số hình ảnh tại xã Hướng Việt sau đợt sạt lở vào tháng 10/2020. |
Năm học này, em Hồ Thủy Linh (SN 2008, bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã có thể đi lại bình thường như bao bạn bè khác. Kỳ nghỉ hè năm học lớp 8, trong khi các bạn quây quần bên người thân, gia đình, hoặc vui chơi giải trí, thì Linh phải trải qua ca phẫu thuật mà có lẽ là đau đớn nhất trong cuộc đời. |
Năm 2018, lúc này Linh học lớp 4 ở Trường TH và THCS Hướng Việt. Một dạo thấy Linh không đến lớp, các giáo viên đến nhà tìm hiểu mới biết Linh bị thương ở chân trong một lần chơi đùa cùng các bạn. Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên ba mẹ đã nhờ một người quen đắp thuốc cho Linh theo phong tục địa phương. Thế nhưng, chân của Linh chẳng những không lành mà vết thương ngày càng trầm trọng hơn, em không thể đi lại được. Sau đó, mọi người đã tức tốc đưa Linh ra bệnh viện huyện, tỉnh, rồi vào tận Bệnh viện Trung ương Huế để khám điều trị. Kết quả kiểm tra Linh bị viêm xương tủy. Để cứu Thủy Linh, cách duy nhất là phải phải phẫu thuật, nhưng không ai dám chắc sau khi phẫu thuật cô bé có thể bình phục hay không. Đó là chưa kể gia đình em thuộc diện khó khăn, cơm lo được ngày hai bữa đã là mừng nói gì tới chi phí điều trị. Thời điểm nay, cô Phụng vừa chuyển công tác về trường. Xót xa trước hoàn cảnh của Linh, cô Phụng và mọi người đã gom góp để hỗ trợ em có kinh phí phẫu thuật. Thấy số tiền còn khá ít, Chủ tịch CĐCS Nguyễn Thị Thúy Phụng đã yêu cầu tất cả đoàn viên Công đoàn nhà trường chia sẻ câu chuyện của Linh lên mạng xã hội, mong tìm thấy sự đồng cảm, quan tâm của mọi người. Từ đây, các nhà hảo tâm đã biết đến và chung tay giúp đỡ Linh. Trong đó, một nhà hảo tâm ở xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã vẽ một bức tranh bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ em chữa bệnh. Học sinh trong trường rất yêu quý cô giáo Phụng. Thế nhưng, dù trải qua hơn 14 lần phẫu thuật, nhưng chân của Linh vẫn không thể chữa lành. Và như một cơn ác mộng ập đến, kỳ nghỉ hè năm học lớp 8, Linh phải vào viện để cưa chân. Ở cái tuổi chạy nhảy tung tăng, việc mất đi một chân, đối với Linh là điều rất khủng khiếp. Sau lần đó, cô bé chỉ biết ở nhà, khép mình không gặp ai. Giữa đêm trường bóng tối của sự bất hạnh, cô Phụng đã nhờ đến một bác sĩ và cũng là ân nhân đã hỗ trợ mình lúc bị tại nạn. Sau khi nhận được cuộc gọi của cô Phụng, vị bác sĩ giàu lòng yêu thương đã liên hệ với một nhóm thiện nguyện đưa Linh ra Nghệ An đi làm chân giả. Và đến nay, Linh đã rời chiếc nạng, có thể một mình tự bước đi trong niềm hạnh phúc. Câu chuyện của Linh chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đã được cô Phụng cưu mang, giúp đỡ. Cô Phụng tậm sự: “Từ ngày đặt chân đến mảnh đất này, cái duyên nuôi nâng, cưu mang những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như đã gắn chặt vào cuộc đời mình vậy. Cái tình của người nữ giáo viên dành cho trẻ em đồng bào Vân Kiều cùng với trách nhiệm, sự gương mẫu của một thủ lĩnh Công đoàn ở cơ sở đã giúp tôi vượt lên những mệt nhọc, áp lực trong cuộc sống, công việc thường nhật để tận tâm với đam mê dạy học và làm việc thiện nguyện, hướng đến những trẻ em nghèo, yếu thế với khát khao cháy bỏng là làm được gì đó có ích cho mọi người, cho xã hội”. Trong ngày tổ chức chương trình trao tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các em học sinh thân yêu của mình ngay trước thềm năm học mới từ chính số tiền tiết kiệm của bản thân, cô Phụng còn chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng để hỗ trợ thêm bữa ăn trưa tại trường vào đầu năm học cho các em nhỏ. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng trao tặng 2.200 đầu sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các em học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Cô Phụng chia sẻ: “Những ngày đầu đặt chân lên Hướng Hóa, tôi rất lo lắng vì không biết chặng đường sắp tới sẽ khó khăn như thế nào. Rồi những nỗi cô đơn khi phải xa nhà, sống trong điều kiện thiếu thốn… Khó khăn là vậy, nhưng chính hoàn cảnh của các em đã thôi thúc tôi vững bước. Cứ mỗi lần nhìn thấy các em được đến trường, tiến bộ trong học tập là tôi lại có thêm động lực để tiếp tục hành trình “cõng chữ” của mình. Hy vọng mai này các em học tập thành tài đóng góp cho quê hương, nhất là cho cộng đồng dân tộc thiểu số của chính các em”. |
Trong suốt thời gian công tác tại Trường TH&THCS Hướng Việt, cô đã kêu gọi nhiều cá nhân, đơn vị và mạnh thường quân cùng hỗ trợ cho các em học sinh nghèo để có điều kiện đến trường học tập. |
TRẦN LƯU – TRƯỜNG SƠN Đồ họa/video: TRƯỜNG SƠN |